Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Quảng Trị có 144 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT. Trong đó, trang trại trồng trọt 02, chăn nuôi 60, lâm nghiệp 4, nuôi trồng thủy sản 14, tổng hợp 64. Giá trị sản xuất bình quân gần 3.500 triệu đồng/trang trại, giá trị vốn đầu tư bình quân 2.765 triệu đồng/trang trại. Các trang trại đã đi tiên phong trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm.
Nhìn chung, các trang trại trên địa bàn tỉnh đều hoạt động kinh doanh có hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế của đất đai, đạt hiệu quả khá cao về năng suất, sản lượng trên mỗi đơn vị diện tích so với đất nông hộ và cá nhân quản lý. Sự phát triển của các trang trại thời gian qua đã mang lại hiệu quả đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội như: tạo công ăn việc làm cho một lực lượng lao động ở nông thôn, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình chủ trang trại, sử dụng ngày càng hiệu quả đất đai, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa theo hướng bền vững.
Nhiều trang trại cơ bản hoạt động hiệu quả và có chiều hướng hoạt động mở rộng sản xuất, kinh doanh. Làm tốt công tác liên kết phòng trừ dịch bệnh, hỗ trợ khoa học công nghệ, tiêu thụ sản phẩm nên không để xảy ra thiệt hại nhiều khi thị trường biến động và thiên tai dịch bệnh. Các trang trại vẫn ổn định được sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giá thành đảm bảo có lợi nhuận cao… Có thể khẳng định, các trang trại đang phát triển trên địa bàn Quảng Trị đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá, giúp các chủ trang trại có nguồn thu đáng kể và góp phần thúc đẩy kinh tế cũng như tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Tuy nhiên, kinh tế trang trại mới được phát triển thông qua các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn chứ chưa có chính sách riêng, cụ thể của từng địa phương. Hầu hết các trang trại đều phát triển theo hướng tự phát, quy mô chưa lớn, quy hoạch thiếu bài bản, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế. Đa số chủ trang trại chưa qua các lớp đào tạo về công tác quản lý cũng như kỷ thuật chuyên môn, sản xuất kinh doanh; phát triển trang trại chủ yếu dựa trên kinh nghiệm chứ chưa xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài, chưa hạch toán kinh doanh nên dễ đổ vỡ. Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, đầu tư thâm canh … từ đó dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, chưa tạo được thương hiệu, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Hiện nay hầu hết các chính sách phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chủ yếu lồng ghép qua các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Một số trang trại được tiếp cận vay cấp bù lãi suất theo Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND ngày 14/9/2015 và Quyết định số 55/QĐ-UBND ngày 30/12/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 21/2015/QĐ-UBND ngày 14/9/2015 về ban hành quy định thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để thực hiện các phương án sản xuất, kinh doanh trong chăn nuôi, trồng trọt, đem lại hiệu quả cao góp phần xây dựng nông thôn mới; Các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng về giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, thông tin, cơ sở chế biến cũng góp phần khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân phát triển trang trại sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; Một số trang trại được thành lập thông qua các doanh nghiệp đã được tiếp cận các chính sách hỗ trợ từ Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Các chính sách hỗ trợ cho trang trại còn lồng ghép nên mức độ tiếp cận chính sách còn ít, hiệu quả chưa rõ nét.
Thời gian tới, để kinh tế trang trại phát triển hiệu quả và bền vững, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh cần có sự thay đổi nhận thức về ý nghĩa, vai trò của kinh tế trang trại; xây dựng đề án quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế trang trại, gia trại gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu, ban hành các chủ trương, chính sách riêng, đồng thời có bước đi, giải pháp phù hợp để kinh tế trang trại phát triển. Tập trung ở một số giải pháp chính sáchcụ thể như:
Về tuyên truyền: Đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của kinh tế trang trại, phố biến và thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách hỗ trợ về kinh tế trang trại cho các chủ trang trại được biết nhằm phát triển đúng hướng, đúng quy định và tiếp cận tốt hơn các chính sách hỗ trợ của nhà nước;
Hỗ trợ về đất đai: Cầncó chính sách khuyến khích người dân khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai để hình thành nên các trang trại có quy mô lớn, ưu tiên hỗ trợ cho các chủ trang trại làm ăn giỏi, phát triển sản xuất hàng hóa lớn, khai thác và sử dụng có hiệu quả các loại đất hoang hóa chưa sử dụng… theo định hướng quy hoạch chung của Tỉnh và từng địa phương.Tập trung thực hiện quyết liệt chủ trương tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa. Đẩy nhanh tiến độ giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích đất chưa được cấp.
Hỗ trợ vốn, tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp: Đơn giản hóa quy trình và thủ tục cho vay để các trang trại dễ dàng tiếp cận với chính sách tín dụng, đặc biệt là các nguồn tín dụng ưu đãi thời gian cho vay phù hợp với chu kỳ của cây trồng con nuôi. Hỗ trợ thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho các chủ trang trại.
Hỗ trợ nguồn lực để đầu tư hạ tầng dẫn đến khu vực sản xuất tập trung, các trang trại như hệ thống đường, điện, thủy lợi...nhằm khuyến khích phát triển bền vững và thúc đẩy đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.Cóchính sách hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, chuyểnđổi số vào sản xuất, điều hành trong các trang trại.
Chính sách đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế trang trại: Để phát triển kinh tế trang trại theo hướng chất lượng cao, cần đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh và chuyên môn kỹ thuật cho các chủ trang trại và lao động trong trang trại. Rà soát, đánh giá nhu cầu, yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng chủ trang trại để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho các chủ trang trại nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực quản lý trang trại, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp theo từng loại hình và định hướng kinh doanh của trang trại.
Chính sách thị trường: Hỗ trợ tăng cường kết nối, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các chủ trang trại, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tạo điều kiện và giúp chủ trang trại liên kết với nhau và ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm ổn định, lâu dài cho các nhà máy chế biến, các doanh nghiệp chuyên tiêu thụ sản phẩm, giúp các chủ trang trại tìm kiếm thị trường mới trong và ngoài tỉnh.
Thực hiện đồng bộ được những giải pháp chính sách này sẽ là đòn bẩy quan trọng trong chiến lược nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn, từng bước đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về chính sách nông nghiệp, nông thôn, nông dân đi vào thực tiễn cuộc sống. Phát triển kinh tế trang trại có hiệu quả và bền là một trong những tiền đề quan trọng để khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sớm hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.