Qua hơn 11 năm triển khai thực hiện, đến nay, có 63/101 xã đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo nông thôn được đổi mới theo hướng sáng xanh sạch đẹp, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư hoàn thiện, đời sống vậtchất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Một số xã đã đạt chuẩn đang tiến tới xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, miền quê đáng sống.Tuy nhiên, vẫn còn sự không đồng đều về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các xã miền núi, dân tộc thiểu số và các xã vùng đồng bằng, tạo ra sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng, miền.
Trong giai đoạn 2016-2020, để hỗ trợ các xã miền núi đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1385/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ thôn, bản, ấp thuộc các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020. Theo đó, tỉnh Quảng Trị đã tập trung bố trí nguồn lực từ nguồn vốn thực hiện Chương trình NTM để hỗ trợ cho 10 xã, 93 thôn tại 02 huyện Hướng Hóa và Đakrông (huyện Hướng Hóa có 5 xã, 49 thôn; huyện Đakrông có 5 xã, 44 thôn).Tuy nhiên hiện nay, hiện trạng nông thôn mới của 02 huyện Hướng Hóa và Đakrông vẫn còn khá thấp. Còn nhiều xã đạt dưới 10 tiêu chí, huyện Đakrông có số tiêu chí bình quân mới 10,25 tiêu chí/xã, còn 6/12 xã đạt dưới 9 tiêu chí; huyện Huyện Hướng Hóa tiêu chí đạt bình quân là 11,47 tiêu chí/xã, còn 9 xã đạt dưới 9 tiêu chí. Ngoài ra, các xã ở 02 huyện Gio Linh và Vĩnh Linh cũng còn nhiều khó khăn, xã Linh Trường đạt 9 tiêu chí, xã Vĩnh Ô đạt 10 tiêu chí, Vĩnh Khê đạt 15 tiêu chí. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển còn chậm và chưa đồng đều, vẫn còn một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn sản xuất, kết quả giảm nghèo thiếu bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, có nơi đồng bào còn thiếu đất sản xuất.
Mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 4/11/2021 của Tỉnh ủy, phấn đấu đến năm 2025 có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 09 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; có ít nhất 40% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Nếu xem xét mục tiêu này với hiện trạng nông thôn mới của các địa phương, có thể thấy rằng để đạt mục tiêu đề ra là thực sự khó khăn, bởi để thực hiện bộ tiêu chí huyện nông thôn mới đạt chuẩn cần 100% số xã đạt chuẩn, trong lúc đó các huyện Vĩnh Linh và Gio Linh đều có các xã miền núi chưa đạt chuẩn. Mặt khác hầu hết, các tiêu chí chưa đạt đều là tiêu chí về cơ sở hạ tầng cần nguồn lực như tiêu chí giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa; ngoài ra, các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, môi trường, an toàn thực phẩm hiện có số xã đạt chuẩn các tiêu chí này còn ít, mức đạt tiêu chí còn thấp.
Hiện nay, Quốc hội đã ban hành
Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1917/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là chính sách quan trọng nhằm tạo sự đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, có 03 chương trình mục tiêu quốc gia nhưng mỗi chương trình mục tiêu quốc gia lại có mỗi địa bàn đầu tư khác nhau, trong lúc đó đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới bao gồm tất cả các xã trên địa bàn tỉnh. Do vậy, cần có cơ chế lồng ghép các Chương trình nhằm thực hiện đạt mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra.
Để tạo sự đột phá trong xây dựng nông thôn mới ở các xã vùng miền núi dân tộc thiểu số, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là ở cấp cơ sở, cần tập trung nâng cao nhận thức cho người dân, khắc phục tư tưởng trông chờ ỉ lại vào sự đầu tư của nhà nước, tích cực tham gia các nội dung xây dựng nông thôn mới.