Đến thời điểm này, tỉnh Quảng Trị có 57 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2021, đã có thêm 6 xã đạt chuẩn, nâng số xã đạt chuẩn lên 63 xã, đạt tỷ lệ 62,4%. Có thể nói đến thời điểm này, những kết quả đó đã góp phần quan trọng làm thay đổi bộ mặt, diện mạo khu vực nông thôn; làm thay đổi rõ rệt đời sống của nông thôn. Đây là tiền đề quan trọng để bước sang một giai đoạn mới cao hơn, giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hướng đến các làng quê đáng sống, xã nông thôn mới văn minh, hiện đại.
Tỉnh Quảng Trị đề ra mục tiêu đến năm 2025 đấu có thêm 04 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 09 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; có ít nhất 40% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Đến năm 2030 phấn đấu có thêm 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 01 huyện nông thôn mới nâng cao, duy trì bền vững huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để đạt được mục tiêu này cần có sự nỗ lực rất lớn, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở với quyết tâm chính trị cao. Tuy nhiên, không vì mục tiêu, chạy đua theo thành tích, xây dựng nông thôn mới cần phải hướng đến sự hài lòng của người dân, lấy người dân làm trọng tâm. Bên cạnh việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đạt chuẩn theo bộ tiêu chí; cần phải chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực cộng đồng, để người dân phải thực sự là chủ thể, được nâng cao về trình độ, khả năng tiếp cận ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, nắm bắt thị trường, có tinh thần hợp tác cùng nhau để nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động các loại hình kinh tế hợp tác mà trọng tâm là hợp tác xã nông nghiệp, thúc đẩy hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, tham gia chương trình OCOP; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển du lịch nông thôn, thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân; chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực nông thôn.
Quan tâm thúc đẩy, ưu tiên xây dựng nông thôn mới tại xã khó khăn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giảm dần khoảng cách giữa các vùng miền để không ai bị bỏ lại phía sau.Để làm được điều này cần phải có cơ chế lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia.Tập trung xây dựng thôn đạt chuẩn NTM theo phương châm "có nhiều thôn/bản đạt chuẩn sẽ có xã đạt chuẩn". Thực hiện tốt công tác đỡ đầu của các sở, ban, ngành; kêu gọi, thu hút tài trợ của các chương trình. dự án khác.
Hiện nay, có một số địa phương sau khi đạt chuẩn tự hài lòng với những kết quả đạt được, công tác duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí thực sự chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, trong thời gian tới bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, cần quan tâm chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng đối với những địa phương đã đạt chuẩn, tiến lên xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xã nông thôn mới thông minh. Bên cạnh đó, cần có giải pháp xử lý như thu hồi bằng công nhận đạt chuẩn đối với những địa phương không duy trì đạt chuẩn từ 2 năm liên tục trở lên. Thực hiện nghiêm túc công tác thẩm tra, thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới. Có như vậy thì xây dựng nông thôn mới mới đi vào thực chất và bền vững.