Dấu ấn phát triển trong xây dựng nông thôn mới ở Triệu Phong

Thứ ba - 07/12/2021 03:40
Sau mười năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình), huyện Triệu Phong đã có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, vai trò của hệ thống chính trị và chủ thể của Nhân dân được phát huy.
Chương trình OCOP là một trong những chiến lược quan trọng trong xây dựng nông thôn mới huyện Triệu Phong - ảnh Thuý Trần
Chương trình OCOP là một trong những chiến lược quan trọng trong xây dựng nông thôn mới huyện Triệu Phong - ảnh Thuý Trần

Tại Cuộc khảo sát, điều tra thực trạng nông thôn được thực hiện năm 2010 toàn huyện chỉ đạt 4,6/19 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người khoảng trên mười triệu đồng. Tuy nhiên, sau mười năm triển khai Chương trình, huyện Triệu Phong đã có những bước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Huyện đã có 12/17 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đạt 5/9 theo bộ tiêu chí nông thôn mới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 10,7%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 là 51,7 triệu đồng và tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 4,02%. Đến nay, hệ thống điện lưới liên xã được đầu tư trên địa bàn huyện đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu sản xuất phát triển kinh tế - xã hội. Các trục đường giao thông liên xã kết nối với trung tâm huyện, hệ thống đường liên thôn xóm, giao thông nội đồng được thảm nhựa hoặc bê tông hóa. Trường học, nhà văn hóa, trung tâm y tế, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông, hệ thống thủy lợi... được nâng cấp, đầu tư mới ngày càng đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả phục vụ nhân dân. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại khu vực nông thôn giảm rõ rệt các loại tội phạm, tệ nạn xã hội vi phạm pháp luật. 100% xã xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng, đạt chuẩn an toàn về an ninh trật tự.

Công tác bảo vệ môi trường từng bước làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người dân. Phong trào chỉnh trang, vệ sinh nông thôn, đường làng ngõ xóm được các tổ chức đoàn thể, địa phương tổ chức thực hiện. Có 17/17 xã đã tổ chức thu gom chất thải rắn và tỷ lệ thu gom rác khu vực nông thôn đạt 100%. Số xã đạt tiêu chí về cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường là 88,2%. Tỷ lệ số xã có cảnh quan môi trường được đánh giá xanh, sạch, đẹp, an toàn đạt 96%. Số xã có chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định là 94,1%. Và theo lộ trình mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XX đề ra là xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025, cũng như nâng tầm các xã đã đạt chuẩn theo hướng nông thôn kiểu mẫu, nâng cao.

Theo anh Vũ Thành Công - Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, để có được thành quả trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có nhiều chính sách phù hợp trong việc phát huy vai trò chủ thể của nhân dân nhằm tạo sự năng động trong phát triển kinh tế. Hướng người dân từ thế thụ động sang chủ động, từ tự phát thành qua tự giác, từ khách thể đã trở thành chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ, tạo động lực để người dân thành lập các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cá thể về thương mại dịch vụ thu hút lao động góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn vươn lên làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền luôn lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả trong xây dựng nông thôn mới và thực hiện tốt phương châm Dân biết dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát dân thụ hưởng. Chính nhờ đó, nhiều phong trào chung tay trong phát triển, xây dựng nông thôn mới được duy trì, nhân rộng như: Hiến kế, hiến công, hiến đất, Phủ xanh đất trống đồi núi trọc, Cựu chiến binh gương mẫu, Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, Đoạn đường nông dân tự quản, Điện sáng đường giao thông nông thôn, Đoạn đường Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh. Nhiều gia đình đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất, ngày công lao động để xây dựng đường giao thông, kênh mương thủy lợi nội đồng, các công trình phúc lợi xã hội phục vụ dân sinh.
image001 6                                                     Làng Cao Hy, xã Triệu Phước. Ảnh: Thanh Thọ
 
riệu Phong là vùng đất có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và được xem là “vựa lúa” của tỉnh nên việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất trong xây dựng nông thôn mới đã tạo ra những cánh đồng phì nhiêu, rộng lớn thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp toàn diện. Vì thế chính quyền địa phương tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế đó để hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, trong đó sản phẩm nông nghiệp chủ lực là cây lúa được ưu tiên sản xuất gắn với chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, mô hình sản xuất lúa theo hướng canh tác tự nhiên, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm tại bốn xã là Triệu Trung, Triệu Sơn, Triệu Tài, Triệu Trạch trên diện tích 52 ha và đã cho ra đời thương hiệu Gạo sạch Triệu Phong được người dân tin dùng rộng rãi trên thị trường.

Anh Nguyễn Hữu Đạt - Giám đốc Hợp tác xã nông sản sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong chia sẻ: “Để làm ra được sản phẩm gạo sạch hoàn toàn canh tác theo lối tự nhiên thì phải trải qua quy trình 11 bước với nhiều công đoạn được tuân thủ nghiêm ngặt... Có như vậy sản phẩm mới được chứng nhận chất lượng và đứng vững trên thị trường tiêu thụ hiện nay. Khi mới thành lập hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là kinh nghiệm sản xuất và chịu nhiều áp lực trong khâu tiêu thụ, thậm chí sản phẩm làm ra đã bị tồn kho dẫn đến hư hỏng hoàn toàn không tận dụng được, thật là vạn sự khởi đầu nan. Nhưng sau đó hai năm (2019) hợp tác xã đã thay đổi chiến lược tham gia chương trình OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm), cải thiện mẫu mã bao bì, quảng bá rộng rãi hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng thì lượng tiêu thụ đạt 100% sản lượng. Đặc biệt, sản phẩm gạo sạch Triệu Phong đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng TQC chứng nhận sản xuất phù hợp với các yêu cầu của Tiêu chuẩn Nông nghiệp hữu cơ Quốc gia TCVN 11041-2:2017. Được chứng nhận chất lượng hữu cơ Việt Nam và UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, tạo điều kiện thuận lợi trong mở rộng diện tích sản xuất cho hợp tác xã...”. Hiện nay thương hiệu Gạo sạch Triệu Phong đã tiêu thụ ở rất nhiều tỉnh, thành trong cả nước như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Bình... và nhiều cửa hàng trong toàn tỉnh. Trước đây hợp tác xã chỉ có 88 thành viên tham gia nhưng đến nay đã nâng lên 152 thành viên với chuỗi sản xuất và kinh doanh nông sản sạch theo quy trình canh tác tự nhiên như rau, củ, quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm được bao tiêu sản phẩm.

Ngoài những mô hình sản xuất theo lối canh tác tự nhiên, các sản phẩm chủ lực OCOP thì huyện còn chú trọng phát triển vùng trồng hoa màu chuyên canh, vùng chăn nuôi gắn với bao tiêu sản phẩm và bảo vệ môi trường. Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng thương hiệu cho các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực có hiệu quả kinh tế cao. Khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, khuyến khích phát triển các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sử dụng nhiều lao động và nguồn nguyên liệu tại chỗ. Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm các làng nghề gắn với quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch của địa phương. Đặc biệt, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao để tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng nông sản, nhất là trong chăn nuôi được cấp ủy đảng, chính quyền khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhân dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh góp phần trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Anh Nguyễn Hữu Chiến, chủ trang trại ở thôn Bích Lộc Triêu, xã Triệu Long có thâm niên trong chăn nuôi lợn nái, lợn thịt thương phẩm khẳng định: “Hiện nay, muốn phát triển kinh tế bền vững trong chăn nuôi trang trại hay gia trại không còn cách nào khác ngoài giải pháp áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ thì mới cho người dân thu nhập ổn định và đảm bảo vệ sinh môi trường. Bởi vì trải qua thời gian dài tôi chăn nuôi trang trại theo kiểu truyền thống với hệ thống chuồng trại kiểu hở, tận dụng nhiều phế phẩm nông nghiệp nên dịch bệnh thường xảy ra, làm thiệt hại rất nhiều về công sức, tiền của. Bây giờ với mô hình sử dụng công nghệ khép kín từ khâu kỹ thuật nuôi chọn giống, thức ăn và phòng trừ được nhiều dịch bệnh. Vì thế mỗi năm tôi bán ra thị trường 300 con lợn thịt và duy trì thường xuyên 15 lợn nái GF24 để nhân giống tái đàn đem lại thu nhập ổn định”. Tuy bước đầu áp dụng mô hình mới với diện tích chuồng trại cơ sở vật chất kỹ thuật chưa được mở rộng, nhưng anh Chiến nhận thấy đây chính là hướng đi phù hợp với vùng đất thường xuyên xảy ra thiên tai nắng lắm, mưa nhiều ven dòng sông Thạch Hãn. “Thời gian tới sẽ mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích chuồng trại, sản xuất con giống bán ra thị trường và nếu được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì sẽ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, chia sẻ kinh nghiệm cho bà con nhân dân nhằm chung tay góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào sự phát triển quê hương” - Anh Chiến chia sẻ thêm.

Một ngày rong ruổi vùng đồng bằng Triệu Phong, len lỏi qua từng ngôi làng, thôn xóm, tôi thực sự cảm nhận được hết những đổi thay trên các cung đường phẳng phiu bê tông hóa dài hun hút, qua những cánh đồng, mỗi vườn cây xanh mướt hoa trái sau nhiều năm thực hiện Chương trình. Với sự quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự chủ động của người dân, một ngày không xa nữa Triệu Phong sẽ hoàn thành thắng lợi trong việc xây dựng huyện nhà đạt chuẩn nông thôn mới.

 

Nguồn tin: Tường An, Tạp Chí Cửa Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay2,286
  • Tháng hiện tại41,868
  • Tổng lượt truy cập9,591,453
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây