Phát triển du lịch nông thôn: Một hướng đi, hai mục đích

Thứ tư - 08/12/2021 04:14
Tại phiên thảo luận toàn thể Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhắc đến hình ảnh hàng trăm nghìn người từ thành thị trở về nông thôn tránh dịch Covid-19 đã gây xúc động mạnh mẽ, để khẳng định mục tiêu cuối cùng phải đạt được của chương trình nông thôn mới ở nước ta là làm sao để nông thôn là nơi đáng sống, đáng tìm đến và nơi quay về.
Check in đầm sen Trường Phước (Hải Lăng) - Ảnh: Sang Phạm
Check in đầm sen Trường Phước (Hải Lăng) - Ảnh: Sang Phạm

Có thể nói rằng việc phát triển du lịch ở vùng nông thôn những năm qua cũng góp phần tích cực đưa nhiều vùng nông thôn của nước ta trở thành những miền quê đáng sống. Câu chuyện phát triển du lịch từ vùng nông thôn Quảng Trị là một thí dụ điển hình của việc đẩy mạnh du lịch nông thôn là một trong những giải pháp căn cơ và là động lực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững.

“Trông đợi” làn gió mới

Trong định hướng chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp/nông thôn được xác định là 1 trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu quan trọng: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu về xây dựng nông thôn mới bền vững.

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hoạt động du lịch nông thôn đã đóng góp tích cực cho cả ngành du lịch và khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển. Cụ thể, du lịch nông thôn góp phần tạo ra bản sắc, tính độc đáo của điểm đến và sản phẩm du lịch Việt Nam, tạo ra tour tuyến mới, mở rộng không gian du lịch. Bên cạnh đó, du lịch nông thôn phát triển đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế, xã hội cho nhiều địa phương như góp phần đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đồng thời còn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh rằng, phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình được xác định là một trong những động lực tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đồng thời bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.

Đối với Quảng Trị là tỉnh nông nghiệp và gần 70% dân số sống ở các vùng nông thôn nên phát triển loại hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ là một trong những quan tâm mới của tỉnh. Nông thôn phát triển cũng là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững lĩnh vực du lịch. Ông Hồ Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Trị cho rằng du lịch nông thôn sẽ mang lại hiệu quả tích cực, không chỉ làm phong phú thêm cho hệ thống sản phẩm du lịch của Quảng Trị mà còn đóng góp lớn về mặt kinh tế khi hỗ trợ nông dân trong việc khai thác và bán các sản phẩm từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cho khách du lịch, tạo ra thu nhập tăng thêm đáng kể cho người nông dân. Đồng thời phát triển du lịch ở vùng nông thôn sẽ tác động tích cực đến ý thức người dân về xây dựng nông thôn văn minh, sạch đẹp, bảo tồn bản sắc văn hóa để thu hút khách du lịch.

Mô hình mới, cách làm sáng tạo

Du lịch nông thôn chỉ mới phát triển trong những năm gần đây, những hình ảnh một số làng quê của Quảng Trị đã tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách. Nhiều nơi đã ý thức và có những cách làm hay, cho ra đời sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa, sinh thái nông nghiệp nông thôn đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.
image001 10

Thích thú cùng làn nước mát của Giếng cổ Gio An - Ảnh: Nguyễn Tiên Phong

Điển hình như Khu du lịch cộng đồng Gio An thuộc huyện Gio Linh gắn liền với hệ thống giếng cổ của người Chăm được coi là di sản văn hóa độc đáo có một không hai của Việt Nam. Hiện tại, các tour du lịch tham quan giếng cổ đã bắt đầu hình thành và đã được các doanh nghiệp du lịch khai thác. Đến Gio An, du khách không chỉ thăm thú giếng cổ mà còn là cơ hội hòa mình vào nhịp sống của người dân sở tại qua những hoạt động thú vị của tour du lịch cộng đồng. Những khoảnh ruộng rau xà lách xoong, những thửa ruộng lúa bậc thang quanh những giếng cổ là không gian để cho khách thỏa thích ngắm, chụp ảnh và mua nông sản tại chỗ. Khách có thể lội ruộng trải nghiệm làm nông dân và thưởng thức rất nhiều đặc sản được nuôi trồng trên vùng hữu cơ. Chính sự gắn kết nông nghiệp, nông thôn với phát triển du lịch làm nên diện mạo vùng quê Gio An khởi sắc mạnh mẽ và sớm cán đích nông thôn mới.

Tương tự, nhiều du khách đi “Tour 199 ngàn đồng” đến xã Tà Long, huyện Đakrông cảm thấy hài lòng bởi được trải nghiệm khung cảnh núi rừng hoang sơ trong lành, cùng người dân bản địa bắt cá suối và chế biến các món ăn từ nông sản địa phương, hiểu thêm nhiều nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt của người Vân Kiều, Pa Cô. Cũng nhờ tour du lịch này mà đồng bào thiểu số cả đời gắn bó rừng sâu đã bắt đầu học cách giao tiếp với khách du lịch, có việc làm nhờ du lịch. Họ cũng có nơi để bán những sản phẩm mình làm ra từ chai mật ong, chiếc áo thổ cẩm, đến hạt nếp than trên nương…
image001 11

Du khách tham gia Tour 199k trải nghiệm tại xã Tà Long - Ảnh: Thanh Ròm

Từ thị trấn Khe Sanh đi theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây khoảng 30 km là đến con đường hoa dã quỳ thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Đường hoa này được trồng từ ba năm trước, nay trở thành điểm đến thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Tuy dã quỳ nở chỉ có một mùa trong tháng 11, nhưng nhiều đoàn khách đến Hướng Phùng check in hoa quỳ cũng mang lại nguồn thu đáng kể cho các quán xá của người bản địa. Ngoài dã quỳ, khu vực này còn có những đồi hoa tam giác mạch, hoa hướng dương, cúc họa mi, hay những nông trại Valley Farm, Bungalow 5 Mùa cũng được lòng du khách bởi nằm giữa đồi núi mênh mông, mang đến cảm giác thoáng đãng và thư thái.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa, sinh thái nông thôn như: khu du lịch cộng đồng Klu (Đakrông), Làng Vây (Hướng Hóa), Trằm Trà Lộc (Hải Lăng), các bãi tắm Gio Hải (Gio Linh), Vĩnh Thái (Vĩnh Linh), Hải Khê (Hải Lăng)… bước đầu được khai thác trở thành điểm đến thu hút du khách, mang lại màu sắc tươi mới cho du lịch Quảng Trị.

Có thể thấy những mô hình du lịch trải nghiệm cuộc sống thôn quê trong lành, ngắm hoa, thăm đồng, cắm trại đang được du khách đón nhận nhiệt tình. Trước kia du khách thường thích tìm đến nơi đông đúc, tiện ích, hiện đại. Tuy nhiên bây giờ đô thị hóa nhanh và ồ ạt đã thay đổi nhận thức của con người về sức khoẻ và môi trường. Vùng nông thôn Quảng Trị không thiếu điểm đến hấp dẫn; người nông dân chăm chỉ, sáng tạo và hiếu khách, đã cho ra đời nhiều mô hình du lịch ngay trên chính mảnh đất quê hương, trong chính ngôi nhà, trang trại của họ. Xây dựng nông thôn mới đã hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch nông thôn, nhiều tuyến đường được mở đến tận thôn bản vùng sâu vùng xa, phục vụ thuận tiện cho người dân đi lại cùng đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm.

Để du lịch nông thôn cất cánh

Sau khi đại dịch Covid-19 cơ bản được khống chế, nhiều chuyên gia du lịch đã dự báo xu thế được ưa chuộng trong thời gian tới sẽ là loại hình du lịch bền vững, an toàn, gần gũi với thiên nhiên mà du lịch nông thôn, nông nghiệp có thể bứt phá. Du lịch nông thôn sẽ là chủ lực phục hồi du lịch Việt Nam hậu Covid-19 là nhận định nhận được nhiều đồng tình tại Hội thảo về định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Khảo sát của Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) đầu năm 2021 cũng cho thấy phần lớn khách nội địa mong muốn hình thức du lịch sinh thái, nông trại, du lịch kết hợp học tập, trải nghiệm, ưu tiên đi thành nhóm nhỏ cùng gia đình, bạn bè.

Quảng Trị với lợi thế là địa phương nông nghiệp và đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, kiến trúc, tập quán, văn hóa... chắc chắn du lịch nông thôn có những dư địa để phát triển. Ngoài những điểm đến đã được khai thác du lịch kể ở trên, vùng đồng bằng Quảng Trị có màu xanh bạt ngàn của lúa, có hệ thống sông ngòi dồi dào, có những thôn làng nhỏ xinh xắn, có những làng nghề hàng trăm năm tuổi còn giữ nguyên nếp nhà xưa, giếng cổ, bờ tre… Vùng ven biển phía đông không chỉ nổi tiếng với những bãi biển đẹp có dải cát trắng hoang sơ, mà còn có những cánh rừng nguyên sinh ven biển, những đồi đất đỏ bazan ăn ra sát biển tạo thành eo vịnh đẹp, những làng hầm địa đạo, những làng chài sôi động ra khơi vào lộng… Vùng núi phía tây với những nét hấp dẫn riêng, từ suối nước nóng, thác nước, hang động, điện gió, những đồi cà phê, đồi hồ tiêu, những bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số với những đặc trưng văn hóa riêng… Đấy là những nơi hoàn toàn có thể hình thành sản phẩm du lịch có sự kết hợp giữa du lịch nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa, sẽ mang đến một nét độc đáo mới cho du lịch Quảng Trị.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động du lịch ở nông thôn Quảng Trị thời gian qua vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế. Việc khai thác mới ở giai đoạn ban đầu, quy mô nhỏ, tự phát và thiếu sự liên kết giữa các địa phương một cách đồng bộ để cùng nhau hưởng lợi. Du lịch đã có khách nhưng chưa thu hút được nhiều. Tại nhiều điểm đến mới đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách ở mức độ đơn giản mà chưa được chú trọng về thương hiệu. Tính liên kết ngành giữa du lịch, nông nghiệp và khu vực nông thôn để tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn tình trạng sản phẩm đơn điệu, trùng lặp…

Để du lịch nông thôn có thêm nhiều sản phẩm mới, gia tăng các giá trị trải nghiệm, mang lại hiệu quả tối đa cho cả sản xuất nông nghiệp và hoạt động du lịch đòi hỏi có những giải pháp, lộ trình phù hợp. Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Trị Phạm Công Vinh, trước hết cần có một bản đồ quy hoạch cụ thể về vị trí sẽ được kinh doanh khai thác sản phẩm du lịch cộng đồng; để nhà đầu tư hay những cá nhân có đủ điều kiện tham gia đầu tư được yên tâm, ổn định lâu dài. Tiếp đến là công tác đào tạo văn hóa, tư duy kinh doanh du lịch cho bà con nông dân, hỗ trợ kiến thức về văn hóa, con người, mảnh đất Quảng Trị cho bà con để chính mỗi người dân tại địa phương là một đại sứ du lịch biết giới thiệu sản phẩm của mình đến với du khách. Xây dựng điểm dừng chân Trung tâm để giới thiệu về hình ảnh của sản phẩm du lịch của địa phương. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần vào cuộc để xúc tiến quảng bá mạnh mẽ để thu hút du khách, đặc biệt là các hãng lữ hành lớn trên toàn quốc để chính họ là nguồn tiêu thụ sản phẩm cho địa phương. Thường xuyên có những chính sách hỗ trợ cho bà con để cập nhật, làm mới sản phẩm, kích thích sự hiếu kỳ của du khách để nuôi sản phẩm tồn tại bền vững.

Ông Lê Phước Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Gio An, dẫn câu chuyện thực tế tại Gio An khi xây dựng mô hình làng du lịch cộng đồng đã có rất nhiều việc cần làm; trong đó có việc tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, kiến thức, thái độ phục vụ du khách cho người dân địa phương theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện để mỗi người dân trở thành một đại sứ du lịch quảng bá văn hóa bản địa. Từ kinh nghiệm của địa phương mình, theo ông Lê Phước Hiếu, để phát triển du lịch nông thôn các địa phương cũng cần quan tâm, chú trọng việc nâng cao năng lực cho người dân nông thôn để người nông dân thực sự là người làm chủ, người trực tiếp sáng tạo trong hoạt động du lịch; hỗ trợ họ tiếp cận khoa học công nghệ, kỹ năng nghề du lịch, đặc biệt là tầng lớp thanh niên ở nông thôn.

Chuyên gia du lịch cộng đồng, Tổng giám đốc Công ty CBT Travel, ông Dương Minh Bình nêu ra một ý kiến mà tỉnh Quảng Trị nên cân nhắc, đó là nguồn vốn ngân sách đóng vai trò như “vốn mồi”, tạo động lực cho sự phát triển du lịch. Ngoài ra, việc thu hút các nguồn lực khác tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch và cơ sở kinh doanh du lịch cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến với các địa bàn khó khăn và làm thay đổi cơ cấu kinh tế ở các địa phương.

Khẳng định du lịch nông thôn đóng vai trò, vị trí quan trọng trong định hướng phát triển du lịch chung của tỉnh Quảng Trị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Văn Hoan cho biết trong thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục quan tâm đẩy mạnh du lịch nông thôn; đề xuất tỉnh có chính sách cụ thể, thiết thực hỗ trợ du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn phát triển. Vận động, phối hợp với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương xây dựng nên những sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù, dựa trên những tiềm năng của từng địa phương. Ngành du lịch cũng có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch Homestay, Farmstay.

Cũng theo ông Hồ Văn Hoan, để phát triển du lịch nông thôn bền vững cần có những bước đi thận trọng, đánh giá cụ thể cho từng vùng miền; quy hoạch du lịch nông thôn cần được các địa phương xác định rõ và tích hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông thôn cần theo hướng liên kết vùng với các tour, tuyến, điểm du lịch đặc thù, độc đáo, hướng vào chiều sâu và bền vững; xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn để du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, nâng cao mức sống của cộng đồng.

Hiện nay, Chính phủ đã triển khai mạnh mẽ Chương trình, cùng với đó là Nghị định 52 về phát triển ngành nghề nông thôn; Quyết định 490 phê duyệt chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm” với tổng mức kinh phí 45 nghìn tỷ đồng; Quyết định 1909 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, mục tiêu “xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số...”; và mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch lồng ghép nội dung phát triển du lịch nông thôn vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đó sẽ là những cơ sở vững chắc để tạo thuận lợi cho du lịch nông thôn Quảng Trị phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới.

 

Nguồn tin: Hạnh Nguyên, Tạp chí Cửa Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay2,286
  • Tháng hiện tại41,874
  • Tổng lượt truy cập9,591,459
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây