Chinh phục cát

Thứ hai - 06/12/2021 03:40
Huyện Gio Linh có bờ biển dài 16 cây số kéo dài qua hai xã là Gio Hải, Trung Giang và thị trấn Cửa Việt. Nhìn từ flycam mới thấy cái dải cát duyên hải này bao la, rộng dài, không chỉ đẹp mà còn giàu tiềm năng. Hiện nay nhiều đồi cát vẫn đang là vùng sinh thái hoang vu, nhưng điều đó không có nghĩa người miền biển quay lưng với cát. Họ sống trong cát, chinh phục cát, vươn lên từ cát.
Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh - Ảnh: Linh Xuân
Nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh - Ảnh: Linh Xuân
 

Những năm đầu thế kỷ này, vì điều kiện còn khó khăn chưa đầu tư giao thông nên miền duyên hải Gio Linh hắt hiu gió cát gần mà xa. Đời sống ngư dân nhiều vất vả trong những ngôi nhà bé nhỏ lẩn khuất dưới tán cây phi lao được trồng làm rừng chắn gió chắn sóng. Đường đi trên cát, mang dép thì lún không nhấc bước được, mà xách dép lên thì nóng đến rát bỏng bàn chân. Và cũng vì thế, người dân sở tại, kể cả những nhà đầu tư hầu như chưa ai quan tâm tới tiềm năng của vùng cát này.

Sự đầu tư sớm nhất và mạnh mẽ nhất của tỉnh Quảng Trị để phá vỡ thế cô lập và khai thác vùng cát ven biển Gio Linh là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là gần hai mươi cây số đường chạy dọc theo mép biển. Trước tiên làm hai cây cầu Cửa Việt bắc qua sông Hiếu, Cửa Tùng bắc qua sông Bến Hải vững chãi và đẹp mắt. Sau đó là con đường quốc phòng DT576B được hiện đại hóa chạy dọc theo mép biển nối dài với con đường xuyên Á từ Đông Hà về Cửa Việt. Đường mới rải nhựa rộng rãi, thoáng đãng, nối từ nam cầu Cửa Tùng đến bắc cầu Cửa Việt, mang dáng vẻ cái quan xe lướt êm ru. Con đường lộ băng qua cát này không chỉ phục vụ nhu cầu lưu thông của người dân vùng biển, mà còn mở ra triển vọng thu hút nguồn lực từ bên ngoài đầu tư để hình thành các vùng kinh tế ven biển, đồng thời tạo cơ hội phát triển kinh tế và xã hội, thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo cho vùng dân cư ven biển.

Bây giờ, ô tô đã có thể chạy một mạch từ cảng Cửa Việt về miền xa duyên hải để hình dung được trọn vẹn cái mênh mông của vùng đất cát phía đông Quảng Trị và nhìn rõ tường tận những rặng cây phi lao, cồn cát, bến cảng và những xóm nhà nằm kề bên chân sóng cũng như sự đổi thay của các làng ven biển; nhất là sự bứt phá vươn lên của các xã trong việc xây dựng nông thôn mới. Gio Việt là một điểm sáng như thế. 

Đến thời điểm này xã Gio Việt đã về đích chương trình xây dựng nông thôn mới, đi đầu trong phong trào ở huyện Gio Linh. Gio Việt xác định hai thế mạnh chủ yếu và quan trọng nhất là đánh bắt, chế biến hải sản và kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá. Từ khai thác biển mà ngư dân xây dựng được nhà kiên cố hai, ba tầng, thu nhập không ngừng nâng cao. Hiện tại toàn xã có 132 tàu với công suất 19.594 CV cùng với hàng trăm chiếc thuyền lộng đánh bắt ven bờ sản lượng khai thác hàng năm trên 3.000 tấn. Xã đẩy mạnh hoạt động thu mua, đặc biệt là hấp sấy cá và hậu cần nghề cá để hỗ trợ cho việc khai thác đánh bắt của ngư dân địa phương. Đi qua những hàng cá phơi sực lên mùi tanh đặc trưng của biển, người dân cho biết tất cả những liếp cá phơi khô này được làm theo đơn đặt hàng của thương lái. Đầu ra hiện nay rất thuận lợi khi thương lái về tận bãi cát, đặt hàng cho bà con, có bao nhiêu họ mua hết, giá cũng ổn nên người dân rất phấn khởi.

Khi chúng tôi đến Gio Hải cũng bắt gặp không khí náo nức như thế. Hiện tại xã đã đạt 16/19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Xã đang phấn đấu đạt thêm các tiêu chí về giao thông, trường học và tổ chức sản xuất để sớm hoàn tất việc xây dựng nông thôn mới. Để đạt được cả 19 tiêu chí nông thôn mới, những xã ở đồng bằng còn gian nan trầy trật, huống hồ ở đây là xã bãi ngang. Vì vậy 16 tiêu chí mà Gio Hải đạt được quả là đáng ghi nhận. Các ngành công nghiệp, dịch vụ phát triển. Đời sống vật chất và tinh thần người dân nơi đây được nâng cao hơn trước. Ấn tượng lớn nhất ở Gio Hải là nhà máy điện mặt trời công nghệ Đức vận hành đón nắng để phát điện hòa vào lưới điện quốc gia. Nhà máy này đã biến diện tích 60 ha cát trắng ven biển ở Gio Hải mà cây cối gần như không phát triển tốt được sau nhiều năm trồng trọt thành một cánh đồng điện mặt trời tạo ra công suất dao động 49,5 MW, là một thành công rất lớn về mặt thu hút đầu tư của tỉnh Quảng Trị. Gio Hải còn có một bờ biển đẹp vẫn còn hoang sơ với tiềm năng phát triển du lịch rất lớn. Nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đã quan tâm đến việc đầu tư xây dựng. Đa số người dân địa phương phấn khởi trước viễn cảnh đầu tư biến vùng đất cát cằn cỗi ven biển vốn ít mang lại giá trị kinh tế do người dân gặp nhiều bất lợi khi sản xuất nông nghiệp thành một khu vực phục vụ du lịch, tạo ra việc làm, nguồn thu nhập cao cho người dân sở tại. Thực tế mấy năm qua, bãi tắm Gio Hải cũng đã thu hút được một lượng du khách khá lớn.
image001 4                                            Lắp đặt điện năng lượng mặt trời ở vùng cát Gio Linh - Ảnh: Thanh Thọ

Chúng tôi đến Trung Giang - một xã giáp sông Bến Hải ở bờ nam, từ một xã bãi ngang hạ tầng cơ sở không có gì hiện đã đạt 19/19 tiêu chí và đang làm hồ sơ đề nghị xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc đầu tiên khi Trung Giang tham gia chương trình nông thôn mới là ưu tiên, tập trung mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn. Ngoài hệ thống điện, trạm y tế, trung tâm văn hóa xã, thôn và trường học đã được xây dựng tương đối hoàn thiện, đến nay các trục đường liên thôn, liên xóm của xã đều đã được nhựa và bê tông hóa. Trong phát triển sản xuất, Trung Giang đặt mục tiêu tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi cơ cấu cây trồng con nuôi có giá trị kinh tế cao. Con nuôi chủ lực của Trung Giang bây giờ là tôm thẻ chân trắng, và phát triển diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát cũng đã được xã định hướng cụ thể cho tương lai, với nhiều giải pháp khoa học công nghệ bảo đảm vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ được môi trường.

Ở Trung Giang, nghe chuyện của Hoàng Thế Vinh, sinh năm 1985 mới thấy được phần nào bản lĩnh của những người nuôi tôm trên cát. Giữa lúc người dân sở tại đeo đẳng với những hồ tôm nuôi thâm canh truyền thống, vụ được vụ mất, Hoàng Thế Vinh đã dám tiên phong, từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình nông thôn mới cải tạo hồ nuôi tôm, lắp đặt hệ thống ương giống theo mô hình nuôi tôm hai giai đoạn với các giải pháp kỹ thuật tiên tiến. So với việc nuôi tôm truyền thống thì công nghệ nuôi tôm hai giai đoạn có nhiều ưu việt là hạn chế tối đa khả năng nhiễm các loại bệnh và rút ngắn được thời gian nuôi. Sản lượng tôm theo đó cũng tăng lên gấp nhiều lần. Mỗi năm thu hoạch tôm lãi gần cả tỉ đồng, Hoàng Thế Vinh trở thành một tỷ phú trẻ nhờ nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Thành công từ mô hình nuôi tôm hai giai đoạn của Hoàng Thế Vinh đã làm thay đổi suy nghĩ, nhận thức của người dân vùng cát từ con tôm nuôi theo cách truyền thống là thả giống trực tiếp xuống hồ nuôi cho đến việc phải lấy nước biển vào nuôi tôm, và nuôi theo quy chuẩn an toàn nghiêm ngặt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Giờ thì cả Trung Giang, Gio Hải, Gio Việt đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Dẫu rằng nuôi con tôm này đôi lúc cũng gặp một vài trở ngại nhưng không nghi ngờ gì về khả năng của nó trong việc đổi đời cho dân cư các xã ven biển của Gio Linh.

Và thật thú vị, bãi ngang Gio Linh vốn được biết đến là vùng đất cát bạc màu rất khó phát triển trồng trọt, bây giờ đã có nông trại dưa lưới và nông trại dứa choán dần khoảng cằn cỗi của cát, bên cạnh những hoa màu đặc sản mà người dân ở đây đã quen trồng bấy lâu như khoai lang, ném, đậu, lạc... Những năm qua đã có nhiều doanh nghiệp đến với vùng cát đầu tư nhiều mô hình sản xuất, hỗ trợ giống cây trồng và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản hợp tác với UBND tỉnh Quảng Trị đầu tư trồng dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản trên đất cát tại xã Trung Giang. Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Ðồng Giao đầu tư trồng dứa cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Đây là các mô hình trồng trọt nhằm chuyển đổi sinh kế cho người dân tại các xã bãi ngang sau khi ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Dưa lưới và cây dứa sau những ngày thí nghiệm miệt mài đã cho những kết quả tốt, giúp cho người dân mở hướng làm ăn mới trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, kéo theo đó hàng chục ha đất cát bỏ hoang bấy lâu nay được đào xới để canh tác và mang lại hiệu quả cao.

Ngày xưa, vì vị trí địa lý đặc thù, người dân những làng biển dọc theo chân sóng của huyện Gio Linh sống một đời sống gian khó, nhiều thua thiệt so với vùng đồng bằng; thậm chí là so cả với các xã ven biển có cửa sông, cửa lạch. Cái nghèo đeo đẳng và nỗi buồn cố hữu của miền biển năm xưa, giờ dần được xóa bỏ. Từ đất đai, mồ hôi và trí tuệ của người dân đã xuất hiện ngày càng nhiều tiểu vùng sinh thái bền vững trên cát. Những năm qua chính quyền huy động mọi nguồn lực nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn vùng cát, giúp ngư dân phát triển sản xuất, kêu gọi các nhà khoa học tìm giải pháp cải tạo vùng cát ven biển giúp ngư dân có thêm đất để chuyển đổi sinh kế với phương châm “chân biển, chân đồng”, kết hợp khai thác biển và sản xuất trên đất cát. Hình ảnh miền biển hôm nay với những công trình xây dựng vươn cao, hạ tầng cơ sở khang trang là minh chứng cho sự phát triển đi lên của quê hương, hơn thế nó gieo vào lòng dân niềm tin vào tương lai của miền cát này. Một người dân đi cùng chúng tôi chia sẻ, hiện ở miền biển này số hộ có thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm là rất nhiều. Còn số người có thu nhập mỗi năm một vài tỷ đồng cũng không phải hiếm.

Gần đây, trong khuôn khổ các chương trình kêu gọi đầu tư, vùng cát ven biển của huyện Gio Linh trở thành vùng đất sôi động bậc nhất tỉnh Quảng Trị khi là điểm đến của nhiều nhà đầu tư có tiềm lực với các dự án du lịch nghỉ dưỡng, năng lượng lớn. Lợi thế đặc thù để thu hút đầu tư nằm ở chỗ, dải cát ven biển Gio Linh đang có quỹ đất sạch, diện tích lớn và mức độ tập trung cao, không bị manh mún chia cắt. Vùng cát ven biển Gio Linh từng có vai trò vô cùng quan trọng đối với tỉnh Quảng Trị. Với vị trí cực kỳ đặc biệt, từ nhiều thế kỷ trước, khu vực này có Cửa Việt Khách/Cửa Việt đã trở thành trung tâm buôn bán thương mại sầm uất của Ðàng Trong với tàu thuyền nước ngoài tấp nập cập bến. Với khát vọng vươn về phía biển, tỉnh Quảng Trị từng bước đưa vùng cát này phát triển sôi động trở lại như xưa bằng các chiến lược phát triển mới. Việc phát triển vùng cát ven biển Gio Linh trở thành một đô thị trung tâm phía đông của tỉnh cũng là động lực quan trọng, góp phần xây dựng vùng nông thôn miền biển trở thành miền quê trù phú.

Tôi nhìn ra những doi cát trắng của Gio Linh. Những doi cát đã bớt hoang vu. Bởi những con người sống trong cát với khát vọng chinh phục đang biết cách để cho cát trở mình thức giấc.

Nguồn tin: Nguyên Thảo, Tạp chí Cửa Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập8
  • Hôm nay2,286
  • Tháng hiện tại41,873
  • Tổng lượt truy cập9,591,458
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây