Cũng chỉ là nhà tranh vách đất của một thời xa xôi; chiếc “bánh ít” ấy không dành để ăn mà để ở, bao nhiêu nắng mưa đã ngấm vào trong đó, dẫu bây giờ không còn nữa nhưng hình ảnh của nó vẫn lưu dấu rất sâu trong ký ức của tôi. Đấy là thời gian nan của đất nước sau hai thập kỷ chiến tranh vô cùng tàn khốc với những mất mát hy sinh không kể xiết. Đương nhiên, Cam Lộ - một vùng đất nổi tiếng khắc bạc và nghèo khó lại chịu hậu quả chiến tranh nặng nề thì càng gian nan hơn. Những làng quê của một vùng bán sơn địa toàn nhà tranh lúp xúp, đèn dầu le lói, đường đất nắng bụi mưa lầy, thỉnh thoảng lại vang lên tiếng nổ bom mìn còn sót lại… Thời hậu chiến, đói và rét vẫn là nỗi ám ảnh của vô số người trên dải đất cong cong hình chữ S này mà Cam Lộ là một điển hình. Bộ đội như chúng tôi vẫn phải ăn độn sắn khoai khô. Trong khẩu phần có cả bo bo. Trệu trạo nhai bo bo mỗi bữa sáng là hình ảnh khó chịu nhất đối với những ai đã trải qua tháng ngày muôn vàn thiếu thốn đó. Bộ đội mặc áo, ăn cơm chính phủ còn như thế huống chi dân; chỉ có cực, cực và cực dễ sợ thôi.
Muốn biết một vùng quê giàu nghèo thế nào thì trước hết hãy xem cái chợ, mâm cỗ của thường dân nơi đó ra sao. Chợ Cùa, nằm trên xã Cam Chính, quê vợ tôi họp vào buổi sáng, thời đó hầu như chỉ có mấy loại nông sản của vùng đất đỏ như chè, mít, tiêu xen kẽ với sắn. Đây không phải là vùng lúa và nghèo từ ngày xưa như một câu ca dao còn truyền lại “Ai ơi chớ lấy trai Cùa / Quanh năm quần cụt, bốn mùa áo nâu” nên lúc đó trong bữa ăn lát sắn cõng hạt cơm là chuyện thường ngày ở xã. Mâm cỗ thường sơ sài đạm bạc, chỉ có món nộm làm bằng lõi cây chuối non trộn với rau thơm và lạc là nhiều thôi. Mấy đĩa thịt gà, thịt lợn gọi là có và luôn được dành cho người già và trẻ nhỏ. Không mấy nhà đủ áo ấm, có chăn bông trong ngày rét. Đường sá thì chẳng có thước nào được rải đá dăm chứ nói chi chuyện đổ nhựa. Nên sợ nhất là khi trời đổ mưa bùn cứ dính chặt vào dép, nhiều khi không nhấc lên nổi, đi xe đạp phải chuẩn bị một cái que xoi lốp. Hàng tuần vào chiều thứ bảy, tôi từ thị xã Đông Hà gò lưng đạp xe lên thăm vợ con ở Cùa. Mùa khô thì gió lào thổi ào ào như bão khan cộng vào cái nắng làm nứt nẻ ruộng đồng. Mùa mưa thì nước từ trời đổ xuống tầm tã, dầm dề. Mưa thúi đất, thúi đai như dân hay nói chả sai tí nào. Đèo Cùa quanh co có nhiều cua chữ V, mấp mô lồi lõm và sở hữu một độ dốc cao hơn bây giờ nhiều. Bụi đỏ ngút trời vào mùa nắng. Chỉ cần một chiếc ô tô đi qua là bụi cuộn lên thành luồng nhuộm đỏ cây cỏ hai bên đường. Bùn ngập quá mắt cá chân vào mùa mưa, sền sệt và dẻo quánh như keo, là nỗi cực không tả hết của người đi xe đạp, xe máy và của cả người đi bộ. Cái khổ của vùng đất này, ôn lại rất dễ bị kêu là “biết rồi, nói mãi, khổ lắm”. Khổ lắm, biết rồi nhưng không thể không nhắc lại để có cái mà so sánh với diện mạo của Cam Lộ hôm nay. Đổi thay nhiều lắm, sáng tươi, đẹp đẽ, ấm no hơn nhiều lắm nếu như không muốn nói là một trời, một vực so với đôi chục năm về trước. Nhưng mà, chuyện này để nói sau, niềm vui càng giữ lâu càng tươi tắn, ngọt ngào mà. Cam Lộ bây giờ thực sự là miền sương ngọt như nội hàm tên gọi mang khát vọng của những lớp người xa xưa và là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị với những thành tích không nhỏ làm nức lòng cán bộ và nhân dân Cam Lộ.
Nông trại trồng cà gai leo hiện đại giữa vùng đất bom đạn năm xưa - Ảnh: Quốc Nam
Trong những người bạn của tôi ở Cam Lộ có một “ông quan huyện” (tôi gọi đùa người ấy như thế). Bạn cùng lứa với tôi, dân Cam Lộ gốc, con trai một lão thành cách mạng ở Cùa, từng là sinh viên khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Huế (tên gọi thời trước). Anh học sử đương nhiên là thích sử rồi nhưng cũng không hững hờ với văn chương. Ngày tôi được giải thưởng cao nhất cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ Quân đội, bài Khát vọng Trường Sơn, anh ấy là người chúc mừng tôi rất sớm. Khi bài thơ được nhạc sĩ Võ Thế Hùng phổ nhạc, anh nói với tôi: “Tui ứa nước mắt khi nghe bài hát ấy ông ạ”. Bạn tôi là người rất quý trọng các văn nghệ sĩ; thời đang làm việc anh rất muốn mời nhà thơ Trần Đăng Khoa về nói chuyện văn chương cho cán bộ và nhân dân Cam Lộ nghe. Anh nhờ tôi kết nối, nhà thơ nổi tiếng nhận lời rồi nhưng vì lý do gì đấy vẫn chưa đến Cam Lộ nói chuyện được. Bạn tôi từng tâm sự về mong muốn của mình là xây dựng một công trình lưu niệm Chế Lan Viên, nhà thơ lớn của dân tộc quê ở Cam Lộ. Với cương vị bí thư - chủ tịch huyện Cam Lộ, anh đã có những tác động tích cực để mong muốn ấy thành hiện thực. Nhân dân Cam Lộ, nhân dân Quảng Trị và nhân dân cả nước rất vui mừng khi công trình lưu niệm nhà thơ tài danh Chế Lan Viên đã được xây dựng trên quê hương máu thịt của ông. Những kết nối mang tính lịch sử chuyển tải những năng lượng mới cho cuộc sống hôm nay. Tôi nhận ra điều nung nấu ấy trong lòng bạn tôi không chỉ bằng lời nói mà bằng những việc làm cụ thể. “Ông quan huyện” giờ đã nghỉ hưu, thích chăm cây, câu cá và còn mê nói chuyện lịch sử, văn chương. Khi gặp nhau, chúng tôi vẫn hay nói về những “dấu vết quá khứ” của Cam Lộ. Khi nghe tôi nói Cam Lộ là miền đất thiêng trong miền đất thiêng Quảng Trị anh gật đầu rất tâm đắc. Đúng như thế, theo dòng lịch sử thì từ thời Trần - Lê (thế kỷ XIV đến XVI) đã có người Việt vào cư trú ở Cam Lộ theo dọc bờ sông Hiếu và người ta cho rằng cái tên Cam Lộ cũng xuất hiện từ đó. Nguồn Cam Lộ, từ xa xưa người ta gọi vậy. Đến thời các chúa Nguyễn, kế sách khẩn hoang lập làng được thực thi mạnh mẽ, nhiều khu dân cư mọc lên ở phía nam sông Hiếu đến các gò đồi và đầu thế kỷ XVII thì một số làng đã có ở vùng Cùa… Cam Lộ trải qua nhiều biến động thời cuộc, vùng đất ở giữa lòng Quảng Trị còn lưu giữ nhiều trầm tích và di tích lịch sử rất quan trọng gắn với lòng yêu nước của dân tộc như “kinh đô” Tân Sở nơi vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương kêu gọi các sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên đánh giặc Pháp xâm lược; là khu Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam…
Cam Lộ của hôm nay là sự kế tiếp của Cam Lộ xưa, lòng yêu nước không bao giờ cũ trong tiến trình dựng xây và bảo vệ quê hương. Hiểu dân, trọng dân, tin dân mới tạo được những động lực, nội lực mới trong công cuộc xây dựng quê hương giàu mạnh hôm nay. Cam Lộ xây dựng nông thôn mới chủ yếu bằng sức mình, trong đó sự đóng góp tự nguyện của nhân dân là nhân tố quan trọng tạo nên thành công. Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong. Khi dân đã hiểu, khi dân đã thông, khi dân đã tin thì cái vướng sẽ được gỡ, cái khó sẽ vượt qua, cái hay được nhân lên, cái xấu bị loại bỏ. Từ chuyện hiến đất làm đường, làm trường đến chuyện góp tiền của dựng xây công trình phúc lợi, chuyển loại thay đổi cơ cấu sản xuất, giữ gìn phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, bảo vệ an ninh trật tự… đều có lòng dân, sức dân. Ngay cái chuyện trồng chăm cây cảnh hoa tươi ở đường phố, lối làng nếu không có bàn tay của dân thì làm sao thành được. Cái tên Cam Lộ đã bay xa hơn. Báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam ca ngợi: “Sau gần 9 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Cam Lộ đã huy động 3.017 tỉ đồng thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, không có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Tới nay, diện mạo nông thôn ở Cam Lộ đã có sự thay đổi vượt bậc, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, sản xuất phát triển, thu nhập của nhân dân được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38,34 triệu đồng/người/năm (tăng 1,9 lần so với năm 2011), tỉ lệ hộ nghèo còn 3,57%... Là địa phương đầu tiên được tỉnh lựa chọn xây dựng huyện nông thôn mới, hiện 100% tuyến đường trục xã đến trung tâm huyện, đường liên xã với tổng chiều dài 124,8 km được nhựa hóa; 24/24 trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn (đạt 100%), trong đó có 21/24 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn bản có quy hoạch quỹ đất và xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng và các sân thể thao phục vụ nhu cầu nhân dân; 91/91 thôn bản đạt danh hiệu văn hóa…”.
Bây giờ xin được trở lại với quê hương “một nửa” của mình. Quê ngoại các con tôi. Xã Cam Chính. Điều thật vui là xã Cam Chính, nơi tôi “kể khổ” ở đầu bài viết bây giờ đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Con đường rải nhựa phẳng lỳ mềm mại uốn lượn qua đèo Cùa giữa bạt ngàn cây xanh. Rừng cao su. Rừng tràm. Rừng keo. Xanh xanh xanh nối tiếp nhau không dứt. Không còn những đồi sim, vạt lau nhấp nhô nữa. Kỷ niệm xưa thấp thoáng trong nắng chiều, những trái sim chín nhuộm tim tím môi em, vị thơm ngọt ngào chỉ có ở tuổi thanh xuân mà chàng thiếu úy là tôi được nếm hưởng. Mây trắng quá khi tôi và em nằm ngửa dang tay trên thảm cỏ xanh và hoa lau cũng trắng màu đông phất phơ lưng đèo khi những “mắt bão” đã khép lại. Có tiếng chim đâu đây nghe thật mơ hồ. Hồi niệm phục sinh thời trai trẻ, bật dậy trong tôi bài thơ Đến Cùa viết vào tuổi 23: Có lên Cùa, anh nhớ tránh khi mưa / Bởi khi mưa đất mến người lắm đấy / Anh còn nhớ có lần em bảo vậy / Để hôm nay anh lại đến với Cùa / Nỗi niềm chi đèo trắng cơn mưa / Người ướt áo lại quanh co đèo dốc / Ngó về quê em quên mệt nhọc / Qua hết đèo gặp chân núi lúa xanh… Có nhớ ngày xưa không? Đừng hỏi câu ấy, người ơi. Bâng khuâng lắm nhưng không thể không vui khi vùng đất nghèo khổ mấy trăm năm nay đã khác. Cùa. Hôm nay, người vẫn mến khách nhưng đường thì khác xa rồi. Đường nhựa. Đường bê tông. Cây cảnh, hoa tươi bày dọc hai bên. Làng sạch, đường sạch. Yên bình trong xanh tươi của vườn tược. Cùa mang dáng dấp của một thị tứ bắt đầu giàu có. Nhà hai ba tầng. Xe ô tô riêng. Không còn hiếm nữa. Bữa ăn, mâm cỗ của thường dân đã khác xa ngày xưa. Cơm không còn độn, mâm cỗ, tiệc cưới sum suê món ăn đồ uống chẳng khác chi, chẳng thua chi chốn thị thành. Tất cả không phải từ trên trời rơi xuống. Bàn tay, trí óc người nông dân tạo nên. Trồng rừng. Trồng cao su... Những đặc sản nổi tiếng của vùng quê trở thành hàng hóa. Gà Cùa, tiêu Cùa thêm lừng danh. Di tích Tân Sở từ chỗ gần như phế tích hoang vu đã mọc lên công trình tưởng niệm vua Hàm Nghi và các sĩ phu, chiến binh, dân binh yêu nước trong phong trào Cần Vương. Long vị của vua Hàm Nghi đã được rước về thờ nơi Tân Sở. Tôi nghĩ đây sẽ là một địa chỉ du lịch văn hóa - tâm linh rất thu hút du khách muôn nơi nếu chúng ta biết tuyên truyền, quảng bá. Ước muốn có một bảo tàng Cần Vương ở khu di tích Tân Sở cứ đau đáu trong tôi.
Đời, những nhân duyên nối tiếp, sự ra đi hay trở lại cũng không nằm ngoài cái đó. Tôi muốn được nói thêm một chút nữa về cái gọi là nhân duyên của tôi với Cam Lộ. Gia đình tôi chuyển từ Cùa ra thị trấn Cam Lộ vào năm 1994. Đầu năm 1997, tôi được Bộ Quốc phòng điều động ra Hà Nội nhận công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội. Sau đó vợ con tôi cũng đều ra sống ở thủ đô. Khi mua chung cư ở Hà Nội, vợ chồng tôi đã có ý định bán nhà ở thị trấn Cam Lộ vì thiếu tiền. Nhưng chẳng hiểu sao tôi lại thấy rất nuối tiếc khi mảnh đất, ngôi nhà ấy sẽ về tay người khác. Chúng tôi bàn đi tính lại và quyết định không bán nó. May mà anh em bè bạn yêu thương giúp đỡ cho vay mượn nên cũng đủ tiền mua chung cư mà vẫn giữ được mảnh đất đẹp ở Cam Lộ. Về hưu, vợ chồng tôi trở lại nơi mình đã ra đi từ hai mươi lăm năm về trước sinh sống. Thị trấn Cam Lộ cũng đã đổi thay rất nhiều. Con đường đất mấp mô trước nhà trở thành con đường rải nhựa đẹp mang tên vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Vườn bạch đàn trước cửa, nơi các con tôi và lũ trẻ trong xóm hay ra chơi trốn tìm thời bé đã là nhà văn hóa trung tâm của huyện với khoảng sân rộng rãi, thoáng đãng. Cam Lộ lại cho tôi những cảm hứng thi ca mới mẻ: Trở về miền sương ngọt / lòng anh đầy vị em / thương sao thời khó nhọc / môi thì thầm giọt đêm / Ngày sông Hiếu thôi nôi / đôi bờ dâng gió biếc / ký ức gánh cầu Đuồi / rưng rưng chiều xa biệt / Yêu như là Cam Lộ / vẫn hằng đợi anh về / một ngôi nhà che chở / cho những niềm đam mê.../ Thị trấn nhiều hoa giấy / em viết lên điều gì / mà mắt anh trông thấy / dòng thời gian thầm thì / Ra đi và trở lại / càng nồng nã yêu thương / bước qua bao khôn dại / nhặt lên từng hạt sương...
Tôi đã trở về miền sương ngọt. Như một nhân duyên nồng hậu. Và tin chắc rằng mình sẽ gắn bó, sẽ yêu hơn mảnh đất này: Cam Lộ
Nguồn tin: Tuỳ bút của NGUYỄN HỮU QUÝ, Tạp chí Cửa Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn