Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, ngành tham gia đoàn thẩm định nông thôn mới Trung ương; Đại diện Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đại diện một số tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT: Hợp tác xã nông nghiệp số; Công ty CP phát triển công nghệ KYC. Về phía điểm cầu các địa phương có Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Văn phòng Điều phối nông thôn mới các tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, làng thông minh là một cộng đồng xóm, thôn, xã ở các vùng nông thôn sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn - thành thị, từng bước cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường của khu vực nông thôn. Hội thảo lần này nhằm trao đổi kinh nghiệm, định hướng xây dựng làng/xã thông minh ở Việt Nam; đề xuất tiếp cận, nội dung xây dựng làng/xã thông minh trong xây dựng nông thôn mới và thảo luận, thống nhất một số đề xuất về tên gọi, nội dung xây dựng xã thông minh trong xây dựng nông thôn mới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được Đại diện Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chia sẻ về việc xây dựng Quy trình thực hiện mô hình “Làng thông minh” tại Việt Nam, với các nội dung cụ thể: các hợp phần chính của làng thông minh; quy trình xây dựng làng thông minh; đề xuất các cơ chế, giải pháp hỗ trợ làng thông minh.
Cục Tin học hóa thuộc Bộ Thông tin và truyền thông chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thí điểm chuyển đổi số cấp xã ở một số địa phương về chính quyền, giáo dục, y tế, du lịch, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, du lịch, …đồng thời đề xuất đưa nội dung chuyển đổi số cấp xã vào Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025.
Hợp tác xã nông nghiệp số giới thiệu về mô hình xã thông minh kết nối dịch vụ đô thị thông minh tại xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc và xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền của tỉnh Thừa Thiên Huế với các nội dung về điều hành chính quyền cấp xã thông qua phòng giám sát điều hành xã thông minh, giúp cho chính quyền cấp xã bao quát được các vấn đề về an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; thông tin quan trắc về môi trường nhằm giám sát, quản lý, xử lý sự cố về môi trường; quảng bá du lịch nông thôn bằng công nghệ VR3D mapping…
Công ty CP phát triển công nghệ KYC giới thiệu về mô hình chuyển đổi số trong lấy ý kiến sự hài lòng của người dân và đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới tại Hà Tĩnh.
Nhiều đại biểu đã tham gia góp ý thêm cho mô hình "xã thông minh" kết nối dịch vụ đô thị thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế và cho rằng đây là mô hình điểm ưu việt, hiệu quả, cần sớm nhân rộng trên toàn quốc./.