PV: Thưa đồng chí, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình) giai đoạn 2015 - 2020 đã thực sự làm thay đổi diện mạo nông thôn của cả nước. Riêng đối với Quảng Trị, có lẽ đó là một nỗ lực phi thường của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân bởi xuất phát điểm rất thấp khi bắt đầu triển khai, thực hiện Chương trình. Đồng chí có thể đánh giá khái quát chặng đường đã qua?
Nếu để đánh giá khái quát về nông thôn mới (NTM), chỉ có thể gói gọn trong những cụm từ: to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử. Năm 2011, đa số các xã đều đạt dưới 5 tiêu chí thì đến nay, toàn tỉnh có 57/101 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 56,4%), tiêu chí bình quân là 16,01 tiêu chí/xã; có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 1 huyện đạt chuẩn NTM. Các chỉ tiêu về xây dựng NTM đều đạt và vượt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy, diện mạo khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc, khang trang hơn; tình hình an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Chương trình đã thực sự tạo ra một luồng gió mới làm biến chuyển nhận thức trên diện rộng về xây dựng đời sống văn hóa mới ở nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên đáng kể: Năm 2020 thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng gấp 3 lần so với năm 2010, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2016.
Xây dựng NTM đã thực sự trở thành khát vọng của người dân nông thôn. Toàn tỉnh đã vận động nhân dân hiến 1.032.430m2 đất, hàng chục nghìn các loại cây cối, hoa màu, trên 256.460 ngày công lao động để làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi, chỉnh trang nông thôn.
Nếu không có sự đồng lòng của Nhân dân, nhất là vùng nông thôn thì chắc chắn Quảng Trị sẽ không đạt được những kết quả to lớn, đáng tự hào đó.
PV: Vừa qua, chúng ta đã chứng kiến hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người từ các thành thị trở về nông thôn để tránh dịch Covid-19. Điều đó nói lên rất nhiều cảm xúc với nông thôn của chúng ta trong thời gian sắp tới. Đồng chí nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Trong điều kiện khó khăn đến từ thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục được Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quan tâm, ưu tiên phát triển. Thông điệp mà tỉnh Quảng Trị đã hướng đến từ nhiều năm qua chính là xây dựng NTM để phục vụ cho chính chúng ta và con cháu chúng ta. Vì vậy, mỗi người dân hãy nỗ lực đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ, đóng góp những sáng kiến hay, chung tay xây dựng NTM, giúp làng quê đẹp, đáng sống hơn.
Không chỉ giúp ổn định cuộc sống cho phần lớn dân cư nông thôn, tam nông còn là nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững và ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng. Cùng với đó là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.
Tuy nhiên, nhìn lại việc xây dựng NTM của Quảng Trị vẫn còn một số tồn tại. Đó là cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn tại một số địa phương chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, giá trị gia tăng chưa cao, thiếu liên kết. Sự chênh lệch giữa các vùng, miền còn cao. Nhiều xã mới đạt chuẩn tiêu chí ở mức tối thiểu. Công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn chưa cao. Phong trào xây dựng NTM ở một số địa phương có phần chững lại. Du lịch, dịch vụ chưa khai thác tối đa các giá trị văn hóa có tiềm năng lớn của địa phương.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan do chịu sự ảnh hưởng, tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu và dịch bệnh Covid-19, vẫn có những nguyên nhân chủ quan bao gồm: Chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa và nội dung về xây dựng NTM; một bộ phận chính quyền cơ sở và người dân còn bị động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; thiếu quyết liệt trong việc duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; chưa huy động được nhiều nguồn lực trong dân, trong doanh nghiệp.
Trong bối cảnh tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, đặt ra yêu cầu xây dựng NTM phải gắn kết nối nông thôn với đô thị; bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa nông thôn. Nếu không thực hiện có hiệu quả các giải pháp đồng bộ, căn cơ và đột phá thì nhiệm vụ thu hẹp khoảng cách về đời sống và thu nhập giữa các vùng miền, đặc biệt là vùng đồng bằng với các xã khó khăn, biên giới, bãi ngang của tỉnh sẽ còn rất khó khăn.
PV: Trước thực trạng đó, với tư cách là đại biểu Quốc hội, đồng thời là người nhiều năm theo sát phong trào xây dựng NTM với cương vị là Phó Trưởng ban Thường trực Chương trình, đồng chí đã có những kiến nghị, đề xuất gì với Trung ương?
Xây dựng NTM là chương trình rất quan trọng, giúp hỗ trợ, thúc đẩy cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân - một khu vực đông dân cư, nhưng lại dễ bị tổn thương. Chính vì vậy rất cần sự quan tâm thích đáng.
Tại Chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, tôi đã đề nghị Chính phủ tăng tỷ lệ vốn sự nghiệp cho Chương trình. Trong giai đoạn vừa qua, Chương trình đã tập trung nhiều cho đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Giai đoạn tới các địa phương có thể phát huy nội lực, huy động sức dân đấu giá đất để đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, xây dựng NTM khó khăn nhất hiện nay vẫn là nâng cao thu nhập, đẩy mạnh sản xuất, liên doanh, liên kết, phát triển hợp tác xã, thực hiện chương trình OCOP, nước sạch, đào tạo nghề, duy tu, bảo dưỡng công trình, thiết chế văn hóa giáo dục... Ngoài ra đề nghị Chính phủ giao vốn sự nghiệp trung hạn 5 năm thay vì giao từng năm cho các địa phương. Lý do là nhiều công trình, hạng mục sự nghiệp cần đầu tư trong nhiều năm như công trình nước sạch tập trung, công trình xử lý ô nhiễm môi trường, liên doanh, liên kết chương trình OCOP cần hỗ trợ cho người dân hợp tác xã, doanh nghiệp trong 2 - 3 năm. Từ nguyên nhân này, trong những năm qua, nhiều địa phương triển khai thực sự chưa hiệu quả, đã không kịp giải ngân vốn phải hoàn trả lại cho Trung ương.
Về mục tiêu của Chương trình, tôi đề nghị xem xét 2 chỉ tiêu với mục tiêu không còn xã dưới 15 tiêu chí, đề nghị chia thành 2 loại đối với khu vực đồng bằng, bãi ngang ven biển thì phấn đấu không còn xã đạt dưới 16 tiêu chí. Còn đối với khu vực các xã đặc biệt khó khăn, khu vực miền núi biên giới không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí là phù hợp. Lý do hiện nay nhiều xã ở các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên và Bắc Trung Bộ phấn đấu đạt 15 tiêu chí là rất khó, đặc biệt là tiêu chí về giao thông, thủy lợi, môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, nhà ở dân cư, thu nhập và tổ chức sản xuất. Như Quảng Trị hiện có nhiều xã đặc biệt khó khăn biên giới hiện đang đạt 8 đến 10 tiêu chí và khả năng trong vòng 4 năm tới cũng sẽ chỉ nâng lên được mỗi năm một tiêu chí nếu không có thiên tai, dịch bệnh và bão lụt như những năm vừa rồi.
Một vấn đề nữa là cần xem xét đối với mục tiêu phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới, bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí nông thôn mới do cấp tỉnh quy định. Tôi đề nghị chỉ nên đưa ra mục tiêu khoảng 40% cho khu vực này để tiếp tục phát triển bền vững, từng bước nhân rộng và phát triển ở cả giai đoạn tiếp theo. Hạn chế chạy theo phong trào. Đồng thời bộ tiêu chí Trung ương nên quy định cứng về một số tiêu chí như thu nhập hộ nghèo, nước sạch, tổ chức sản xuất, giao thông, trường học để đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc. Còn một số tiêu chí khác giao cho cấp tỉnh quy định phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
PV: Thưa đồng chí, ngày 4/11/2021, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong đó có đề ra mục tiêu “xây dựng nông thôn thành nơi đáng sống của Nhân dân”. Đồng chí có thể thông tin thêm về việc triển khai Chương trình trong giai đoạn mới?
Quan điểm xuyên suốt trong quá trình chỉ đạo, thực hiện của Đảng, Chính phủ và địa phương trong việc thực hiện Chương trình là “Nông thôn mới là nền tảng, tái cơ cấu nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể”. Xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 cần tập trung vào 4 nội dung chính: Hạ tầng kinh tế, sản xuất, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Đối tượng thụ hưởng của Chương trình là người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn.
Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả, không chạy theo phong trào, thành tích… Việc NTM là xây dựng làng quê đáng sống, gắn liền với tiêu chí đảm bảo môi trường, điều kiện tự nhiên, hàng rào xanh - sạch - đẹp, không nhất thiết phải bê tông hóa. Xây dựng NTM phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn trách nhiệm của các ngành, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ đối với các xã chưa đạt chỉ tiêu. Bên cạnh việc tiếp tục phát triển hạ tầng để người dân nông thôn có điều kiện tiếp cận tiện ích của đô thị, trong giai đoạn mới chúng ta chú trọng thêm phát triển “phần mềm”.
PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn về việc chú trọng phát triển “phần mềm” và một số giải pháp mà Chương trình đề ra trong giai đoạn mới sẽ như thế nào?
Đó chính là việc thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM; chú trọng chuyển đổi từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp” trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; vừa xây dựng NTM, vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả. Đồng thời nâng cao năng lực của cộng đồng, chuyển đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn.
Để định hướng xây dựng NTM cho giai đoạn mới, trong các giải pháp chủ yếu cần tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch vùng huyện, tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch xã NTM phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội các cấp, đồng thời quản lý tốt quy hoạch đất đai và sử dụng đất. Nghiên cứu và ban hành các chính sách địa phương để đẩy mạnh xây dựng NTM; thu hút và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.
Người dân ở nông thôn phải được tiếp cận tiện ích của đô thị, đồng thời cần giữ gìn và phát huy cái “hồn” để hình thành không gian sống, không gian sản xuất cả nghìn năm nay. Do đó, phải chú trọng chất lượng hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống…
PV: Xin cám ơn đồng chí đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này và chúc cho việc triển khai Chương trình giai đoạn mới sẽ gặt hái được những kết quả “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”!
Nguồn tin: Minh Anh, Tạp chí Cửa Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn