Tuy nhiên, kết quả xây dựng nông thôn mới của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, đặc biệt đó là sự chênh lệch giữa các vùng miền; giữa các xã ở vùng đồng bằng và các xã miền núi. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2021-2025, Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm và đã sớm ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 04/11/2021 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Theo đó, tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập trung phát triển kinh tế nông thôn đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững;thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới cấp thôn, bản. Mục tiêu cốt lõi là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại; thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; xây dựng nông thôn trở thành nơi đáng sống của nhân dân để phấn đấu đến năm 2025 có thêm 04 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 09 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; có ít nhất 40% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
Những thách thức và giải pháp
Để đạt được mục tiêu có 09 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và 40% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn của khu vực này đạt chuẩn là một thách thức lớn đối với 02 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Đời sống của người dân thực sự còn rất nhiều khó khăn, đa số người dân là người đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng đối với huyện Hướng Hóa có 94 thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn tỉnh, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn quá cao (25,44%) và mức thu nhập thấp (bình quân chỉ 25 triệu đồng/người/năm); toàn huyện còn có14 xã đạt dưới 13 tiêu chí gồm: Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Tân, Hướng Lộc, Thanh, A dơi, Ba Tầng, Húc, Thuận, Lìa , Xy. Đồng thời, do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai năm 2020 một số công trình hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng nghiêm trọng, cùng với dịch bệnh Covid-19 kéo dài ảnh hưởng đến tình hình sản xuất và buôn bán nông sản của địa phương, thu nhập của người dân bị giảm sâu nên khả năng huy động nguồn vốn từ nhân dân hầu như không có.Với 3 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn tới (gồm Hướng Phùng, Hướng Tân và Thuận) là các xã có số tiêu chí đạt còn rất thấp, xã cao nhất mới đạt 12 tiêu chí, đặc biệt khó khăn nhất là các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo; ngoài ra còn có các tiêu chí khó thực hiện như môi trường, hình thức tổ chức sản xuất, nhà ở và tiêu chí cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn 2021-2025, trung ương sẽ phân định rạch ròi địa bàn hỗ trợ cũng như ngân sách của 3 Chương trình MTQG, trong đó, 3 xã trên thuộc phạm vi hỗ trợ của chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội dân tộc thiểu số. Vì vậy, để đạt mục tiêu đề ra thì giải pháp đầu tiên và cũng là giải pháp quan trọng nhất đó Ban hành quy định và triển khai thực hiện có hiệu quả về cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với 2 chương trình MTQG phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững; bố trí hợp lý nguồn ngân sách địa phương, các nguồn xã hội hóa, các nguồn tài trợ cho đầu tư cho xây dựng nông thôn mới trong đó ưu tiên các xã trên đồng thời cần có sự chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên bố trí thêm nguồn lực của huyện cho các xã nhằm đạt mục tiêu đề ra. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần tập trung duy trì, giữ vững tiêu chí đã đạt và tiếp tục nâng cao các tiêu chí; hàng năm thực hiện duy tu bảo dưỡng các công trình đã thực hiện đảm bảo hiệu quả sử dụng và sự hài lòng của người dân về kết quả đạt chuẩn vì trong giai đoạn 2021-2025 Trung ương sẽ ban hành quy định về thu hồi quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nếu địa phương không duy trì được các tiêu chí.Đồng thời tích cực chỉ đạo các địa phương tập trung xây dựng thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới theo phương châm "có nhiều thôn/bản đạt chuẩn sẽ có xã đạt chuẩn”, chọn một số thôn/bản để chỉ đạo điểm, ưu tiên nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các chương trình MTQG, từng bước nhân rộng các địa phương làm tốt.
Yếu tố then chốt để các địa phương đạt chuẩn nông thôn mới đó chính là dựa vào nội lực của địa phương. Do đó, cần đẩy mạnh, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương; sự quyết tâm và sẵn sàng vào cuộc của các hệ thống chính trị xã hội; sự đỡ đầu của các sở ban, ngành, doanh nghiệp…Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong xây dựng nông thôn mới, tích cực vận động thực hiện các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, xây dựng vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu; bảo vệ môi trường nông thôn sáng xanh sạch đẹp và phát huy vai trò của nhân dân trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đồng thời để tăng cường sự quan tâm trong công tác lãnh đạo của cấp trên, đề xuất có các đồng chí trong Ban thường vụ Tỉnh ủy, đặc biệt là các đồng chí phụ trách địa bàn 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông mỗi đồng chí đỡ đầu 1 xã.
Hy vọng xây dựng một nông thôn miền núi ngày càng mới
Hướng Hóa,tuy là một huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong thời gian quacũng đã nổ phấn đấu và đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn huyện có 5/19 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; tổng số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới toàn huyện 6 tháng đầu năm 2021 là 226 tiêu chí, bình quân đạt 11,89 tiêu chí/xã; có 9 sản phẩm trên địa bàn huyện được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.Công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ngày càng được quan tâm thực hiện tốt; tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển giao một số giống lúa, ngô năng suất cao vào gieo trồng. Đã thực hiện chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn như mít Thái, vải, ngô, ném, nghệ…Việc liên kết với doanh nghiệp trong phát triển cây chanh leo, dược liệu được địa phương quan tâm thực hiện. Nổi bật có dự án liên kết trồng 15 ha chanh leo tại các xã Hướng Phùng và Hướng Tân.Tiếp tục phát triển các cây trồng chủ lực như sắn, chuối, tiêu, cà phê….Chất lượng giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực, nền nếp, kỷ cương dạy và học được giữ vững. Việc huy động học sinh trong độ tuổi đến trường được duy trì với tỉ lệ cao.Công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh được địa phương quan tâm thực hiện tốt, khâu khai báo y tế và kiểm soát người từ vùng dịch trở về địa phương được chú trọng thực hiện.Chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn được nâng lên đáng kể. Hiện toàn huyện có 6 trung tâm văn hóa xã, 167 nhà sinh hoạt cộng đồng, 195 sân tập luyện, thi đấu thể thao. Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hoạt động vui chơi, giải trí cho Nhân dân được các địa phương quan tâm triển khai thực hiện…
Xây dựng nông thôn mới tại các xã miền núi là một thách thức lớn của tỉnh nhà nói chung, địa phương nói riêng. Tin rằng những đột phá, nỗ lực của địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành cấp tỉnh sẽ hoàn thànhmục tiêu đề ra để xây dựng đời sống người dân vùng cao ngày càng phát triển, tiến bộ vượt bậc, không ngừng nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo sự hài lòng tuyệt đối của người dân.