Đặt mục tiêu lớn làm động lực
Ngày 4/11/2021, Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh quán triệt nhất quán xuyên suốt quan điểm
nông thôn mới là nền tảng, tái cơ cấu nông nghiệp là căn bản, nhân dân là chủ thể.
Đồng thời, xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục, không có điểm kết thúc; nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng, huy động, lồng ghép và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.
Huy động sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, người dân vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Xây dựng nông thôn mới lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả; không chạy theo phong trào, thành tích; không để xảy ra tình trạng nợ tiêu chí, nợ công trình trong việc thẩm tra, thẩm định, xét công nhận địa phương đạt chuẩn.
Chuyển đổi tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp" nhằm nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn; giải quyết các vấn đề cấp thiết ở nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới và xây dựng chính quyền điện tử. Xây dựng nông thôn mới gắn với phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và đảm bảo an ninh nông thôn.
Nghị quyết đặt mục tiêu rất cao, phấn đấu đến năm 2025 có thêm 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 9 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; không còn xã đạt dưới 13 tiêu chí; có ít nhất 40% số thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Phấn đấu đến năm 2030 có thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện nông thôn mới nâng cao, duy trì bền vững huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Cần sức mạnh đại đoàn kết
Theo Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Trị Lê Quang Tùng, có 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được Tỉnh uỷ đặt ra cho các cấp, ngành, địa phương thực hiện nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, vai trò Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới.
Nhiệm vụ thứ 2 là thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng nông thôn mới nhằm khơi dậy, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường của người dân.
Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ tích cực cho nhiều địa phương trong tỉnh để xây dựng các mô hình thu gom rác, bảo vệ môi trường nông thôn, phát triển kinh tế... Trong ảnh: Ống bi bê tông đựng rác thải đồng ruộng do Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị triển khai ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh.
Ảnh: Ngọc Vũ.
Bởi lẽ, khi cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, người đứng đầu nêu cao trách nhiệm, nêu gương, lăn xả vào công tác, hết mình vì sự nghiệp chung thì ắt hẳn sẽ là tấm gương soi cho người dân, khơi dậy, phát huy tinh thần một người vì mọi người, vì cộng đồng để chung tay xây dựng nông thôn mới.
Ngược lại, nếu sự lãnh đạo của các cấp thiếu sâu sát, người đứng đầu không gương mẫu thì khó có thể huy động được sức mạnh đoàn kết của nhân dân. Trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, sức mạnh đoàn kết, đại đoàn kết vô cùng quan trọng, quyết định đến thành – bại của chương trình.
Phát triển kinh tế biển, vừa nâng cao thu nhập, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc là định hướng của tỉnh Quảng Trị trong thời gian dài. Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tặng hoa chúc mừng gia đình ngư dân Lê Văn Viện, trú thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, huyện Gio Linh trúng mẻ cá bè vàng khoảng 150 tấn vào năm 2019. Ảnh: Ngọc Vũ.
Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi"; Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh…
Tất cả mọi nhiệm vụ, giải pháp đều phải hướng đến phát triển nông thôn thành miền quê đáng sống, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân.