Đối với tỉnh Quảng Trị, triển khai chương trình xây dựng NTM trong điều kiện xuất phát điểm thấp, ngân sách địa phương còn nhiều khó khăn và nguồn lực trong dân hạn chế. Nhưng với quyết tâm trong chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng của người dân nên đến cuối năm 2017 đã có 40/117 xã đạt chuẩn. Nét đáng chú ý là trong quá trình thực hiện, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên người dân đã có sự thay đổi về nhận thức, từng bước xác định rõ mình là chủ thể, đã tự nguyện góp công, góp sức, hiến đất, hiến kế, chỉnh trang nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống mới. Do đó, toàn tỉnh đã huy động nguồn lực đầu tư xây dựng NTM hơn 8.000 tỷ đồng, doanh số cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn trong giai đoạn 2011-2017 hơn 35.000 tỷ đồng. Đồng thời, tỉnh đã kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ thực hiện các hợp phần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao thu nhập và cho người dân.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị cho biết: “Năm 2018 tỉnh có kế hoạch huy động trên 7.324 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong đó, nguồn vốn tín dụng được huy động nhiều nhất với 6.250 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình và dự án 300 tỷ đồng, cộng đồng 240 tỷ đồng, doanh nghiệp và hợp tác xã 180 tỷ đồng, Trung ương hỗ trợ 139 tỷ đồng, ngân sách địa phương 115 tỷ đồng... Do đó tỉnh Quảng Trị phấn đấu năm 2018 có thêm 8-10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới từ 48-50 xã, chiếm 41-43% số xã của tỉnh”.
Tuy nhiên, xây dựng NTM là cả một quá trình lâu dài, do đó tỉnh Quảng Trị xây dựng lộ trình cụ thể hằng năm và phấn đấu đến năm 2020 có 40 đến 50% số xã và có 1 đến 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là không nóng vội, không chạy theo thành tích, nhất là tuyệt đối không được huy động quá sức dân, không nợ tiêu chí, không để phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản. Đồng thời, thực hiện công tác đánh giá, thẩm tra và thẩm định xã công nhận đạt chuẩn đúng quy trình, khách quan, kết hợp hài hòa giữa ưu tiên chỉ đạo điểm và đẩy mạnh triển khai trên diện rộng. Đối với những xã đã đạt chuẩn cần duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó chọn lựa một số nơi để xây dựng xã NTM kiểu mẫu và 2-3 khu dân cư kiểu mẫu.
Từ nhận thức thấu đáo nội dung của xây dựng NTM để hoạch định hết những công việc cần làm và xác định cách làm phù hợp. Muốn có NTM phải bảo đảm được ba yêu cầu cơ bản: Phải có diện mạo nông thôn xanh - sạch - đẹp; phải có con người mới; NTM phải làm cho dân giàu. Qua đó thấy rằng, những công việc phải làm để thực sự có được NTM là một khối lượng công việc rất lớn, thậm chí có những việc mà trong 19 tiêu chí chưa cụ thể hóa hết được. Song ngược lại, có rất nhiều việc có thể làm được hoặc cần ưu tiên làm trước mà chưa đòi hỏi phải có nhiều kinh phí hoặc thậm chí chưa cần phải có kinh phí, nhưng cần phải kiên trì vận động, hướng dẫn nhân dân, tổ chức thành phong trào quần chúng rộng rãi. Việc huy động vốn và bố trí sử dụng vốn, hiện nay, phần lớn địa phương trong tình trạng thiếu vốn đầu tư. Trong điều kiện còn thiếu vốn thì việc lựa chọn sắp xếp, ưu tiên vốn cho những công việc phải đầu tư ít và tạo ra sự chuyển biến lớn là hết sức cần thiết. Kinh nghiệm ở một số xã điểm cho thấy khi đã ưu tiên vốn hỗ trợ nhân dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất; hỗ trợ chỉnh trang cải tạo vườn tạp...luôn nhận được sự đóng góp vốn của người dân. Mặt khác, nhân dân phấn khởi được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình và hăng hái phát triển sản xuất kinh doanh tăng thêm thu nhập lại càng có điều kiện đóng góp, đầu tư cho chương trình. Điều quan trọng hơn là phải nhanh chóng tạo ra phong trào sôi nổi của quần chúng và phát triển nông thôn bền vững từ chính người dân. Muốn làm được điều này thì vai trò của công tác dân vận là rất quan trọng và cần thiết.
Để tăng tính hiệu quả của công tác dân vận trong xây dựng NTM thì việc chọn điểm để chỉ đạo là hết sức cần thiết. Yêu cầu của chỉ đạo điểm là để làm rõ những nội dung công tác vận động quần chúng trong xây dựng NTM. Từ việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ, trách nhiệm tham gia, giám sát của nhân dân trong mọi công việc của chương trình đến việc xây dựng cơ chế đầu tư hỗ trợ, khuyến khích nhân dân tham gia các công việc và phân công rõ trách nhiệm cho các tổ chức đảng, chính quyền đoàn thể ở xã, thôn để thống nhất, phối hợp đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Một khi người dân đã đồng thuận thì việc huy động nguồn lực là yếu tố để tạo nên sự thành công của chương trình. Tổng số tiền hơn 8.000 tỷ đồng đã huy động từ người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để xây dựng NTM là minh chứng về sự thống nhất, đồng thuận và chung sức để xây dựngNTM. Trên cơ sở đó, cần thường xuyên sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm để chỉ đạo nhân rộng. Thường xuyên tổ chức khảo sát cụ thể, xác định những công việc cần làm, chọn khâu đột phá để xây dựng kế hoạch chỉ đạo thực hiện.
Phong trào “Dân vận khéo” phải được thực hiện ở mọi nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị và ở mọi lĩnh vực hoạt động xã hội; nhất là những nhiệm vụ trọng tâm, cơ bản của thời kỳ mới và những lĩnh vực có nhiều khó khăn, có nhiều liên quan đến tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân. Một trong những vấn đề khó khăn, vướng mắc nhất ở tỉnh Quảng Trị hiện nay trong xây dựng NTM là tiêu chí về môi trường, đặc biệt là địa bàn vùng nông thôn. Môi trường nông thôn từ nhiều năm nay chịu áp lực của các hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, làng nghề…nên để có thể giải quyết triệt để luôn là thách thức lớn. Do vậy, cần có sự nỗ lực phối hợp chặt chẽ, sự thống nhất về quan điểm, phương thức thực hiện giữa chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm và huy động sự tham gia tích cực của người dân khu vực nông thôn…
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn