Hiện nay, sản xuất nông nghiệp địa phương đang có các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gồm mô hình hợp tác liên kết giữa Sở NN & PTNT, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Đại Nam - Nhà máy sản xuất phân bón Ong Biển và các tổ hợp tác để sản xuất lúa theo hướng hữu cơ; mô hình liên kết giữa UBND tỉnh, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển vùng nguyên liệu dứa phục vụ xuất khẩu; mô hình liên kết trồng gắn với chế biến cây dược liệu; các mô hình trồng rau, dưa, hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao; mô hình ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, tổ chức lại sản xuất để trồng lúa trên cánh đồng lớn...
Những mô hình này đã tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp địa phương được nhiều nông dân, các hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp quan tâm đầu tư nhân rộng. Tuy vậy, các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có một số khó khăn, hạn chế là nguồn lực đầu tư chưa nhiều; sản xuất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính mô hình; việc ứng dụng khoa học công nghệ của người dân vẫn còn hạn chế; nhiều sản phẩm chưa đáp ứng tiêu chuẩn chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Để phát triển các mô hình sản xuất này, ngành nông nghiệp xác định 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, đồng thời đề nghị UBND tỉnh ưu tiên các nguồn lực đầu tư để xây dựng, nhân rộng các mô hình; có chính sách và cơ chế đặc thù để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Đối với sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018, toàn tỉnh gieo trồng trên 29,061 ha cây lương thực có hạt, ước sản lượng đạt 161.433 tấn. Trong đó 25.990 ha lúa được mùa toàn diện với năng suất ước đạt 57,8 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay, sản lượng ước đạt 150.233 tấn. Ngô trên 3.125 ha đang ở giai đọan thu hoạch và dự báo được mùa, năng suất đạt 37,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt gần 11.800 tấn. Lĩnh vực chăn nuôi, thú y có chuyển biến tích cực về tổ chức sản xuất chăn nuôi trang trại, tập trung theo hướng khép kín và ứng dụng khoa học công nghệ; dịch bệnh trên vật nuôi giảm. Sản lượng thủy sản từ đầu năm đến nay ước đạt 13.540 tấn, trong đó khai thác đạt trên 10.200 tấn...
Về kế hoạch sản xuất vụ hè thu năm 2018, ngành nông nghiệp xác định các giải pháp để bảo đảm thu hoạch lúa hoàn thành trước ngày 30/8, chậm nhất là ngày 5/9/2018, riêng các xã vùng trũng ở huyện Hải Lăng phải thu hoạch trước ngày 25/8/2018. Tiếp tục triển khai và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, chăn nuôi hữu cơ và theo quy trình VietGAP. Tăng cường chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh việc xây dựng các tổ, đội hợp tác đánh bắt trên biển; phát triển khai thác hải sản xa bờ; công tác bảo vệ và phát triển rừng cùng một số công việc quan trọng khác.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; trong triển khai sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018, nhất là có được một vụ lúa được mùa toàn diện, năng suất đạt cao nhất từ trước tới nay.
Đồng chí Hà Sỹ Đồng đề nghị, để phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp cần quy hoạch lại toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong toàn tỉnh để chủ động quản lý, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh. Chú trọng công tác phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và quảng bá, tiêu thụ rộng rãi sản phẩm. Kêu gọi thêm các doanh nghiệp có kinh nghiệm, tiềm lực để đầu tư phát triển nông nghiệp sạch và liên kết với nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã để tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ nông sản. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách của tỉnh đầu tư cho phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ...
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn