Quảng Trị khôi phục nghề nuôi tôm sau 2 năm sự cố môi trường biển. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Từ tháng 6/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, thời gian đào tạo bình quân dưới 3 tháng cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Theo đó, tỉnh mở 33 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như: đan lát, dệt may, thêu... thời gian đào tạo từ 1 - 4 tháng, mức kinh phí hỗ trợ từ 900.000 - 2,5 triệu đồng/người/khóa học, tùy ngành học.
Đối với nghề nông nghiệp như trồng rau an toàn, trồng sả, trồng rừng, chăn nuôi... tỉnh mở 30 lớp đào tạo, thời gian đào tạo từ 1- 2 tháng, mức kinh phí hỗ trợ từ 800.000 - 2,2 triệu đồng/người/khóa học, tùy ngành học. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cũng tạm cấp hỗ trợ trên 31 tỷ đồng cho 4 huyện ven biển gồm Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng để đào tạo nghề, tìm việc làm và xuất khẩu lao động vùng biển.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở vùng ven biển. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Quảng Trị đã tổ chức nhiều hội nghị phổ biến vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, xuất khẩu lao động; chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động; tư vấn việc làm; mở sàn giao dịch việc làm... ở các xã vùng ven biển.
Sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hơn 8.000 hộ và gần 16.000 người dân ở 16 xã, thị trấn vùng ven biển của tỉnh Quảng Trị. Ngay khi sự cố môi trường biển xảy ra, ngành Nông nghiệp Quảng Trị đã cử 32 cán bộ nhiệt huyết, có chuyên môn cao tăng cường về 16 xã, thị trấn ven biển để cùng với chính quyền địa phương, hướng dẫn ngư dân chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm tạo sinh kế.
Sau 2 năm sự cố môi trường biển, các cán bộ này cùng chính quyền các xã, thị trấn ven biển và người dân đã xây dựng được hàng trăm mô hình sản xuất, giúp ngư dân có thu nhập. Điển hình là các mô hình: nuôi gà thả vườn ở xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong giúp mỗi hộ thu lãi từ 10 - 13 triệu đồng; trồng kiệu và trồng mướp đắng ở xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong mỗi hộ thu lãi 5 triệu đồng/mô hình; trồng ném ở xã Hải An, huyện Hải Lăng cho thu lãi 25 - 30 triệu đồng/ha.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, thời gian tới tỉnh ưu tiên hỗ trợ người dân vùng ven biển và bãi ngang; tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ bà con; lồng ghép vốn từ các chương trình để đầu tư vùng ven biển; tăng cường cán bộ khoa học kỹ thuật về địa phương giúp người dân; nhân rộng mô hình chuyển đổi sinh kế đã có hiệu quả...