Năm 2017, có hơn 100 mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu

Chủ nhật - 20/05/2018 14:29
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng theo hướng liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản suất trên quy mô lớn, tạo sản phẩm hàng hóa đồng nhất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trao bằng khen cho các đơn vị có mô hình sản xuất tiêu biểu năm 2017
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trao bằng khen cho các đơn vị có mô hình sản xuất tiêu biểu năm 2017
      Trong năm 2017 và các tháng đầu năm 2018, có trên 100 mô hình sản xuất nông nghiệp được khẳng định có hiệu quả góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng, ổn định tốc độ tăng trưởng nông – lâm - thủy sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

     Điển hình là các mô hình liên kết theo chuổi giá trị như: Mô hình sản xuất lúa hữu cơ bằng phân bón Ong biển với 250 ha, cho lãi từ 26-38 triệu đồng/ha/vụ, sản phẩm gạo chất lượng, không có thuốc BVTV, đảm bảo trên cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường; Mô hình trồng dứa liên kết 4 nhà, với sự liên kết chặt chẽ giữa UBND tỉnh Quảng Trị - Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao - Học viện nông nghiệp Việt Nam – HTX/THT trồng Dứa, đã trồng được 108 ha dứa, hiện nay dứa đang sinh trưởng, phát triển tốt, giai đoạn ra quả, hứa hẹn đem lại thu nhập khá cáo cho bà con; Mô hình trồng cây dược liệu ở Cam Lộ liên kết với Công ty thương mại Quảng Trị và Làng nghề cao dược liệu định Sơn cho ra các sản phẩm dược liệu có uy tín trên thị trường như cao chè vằng, cà gai leo...;

     Năm 2017, là năm đánh dấu sự phát triển của các mô hình công nghệ cao trên địa bàn tỉnh như: mô hình rau thủy canh hồi lưu, trồng dưa lưới sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel trong nhà màng của HTX Nguyên Khang Hải Lăng Garden; mô hình trồng dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản tại xã Trung Giang - huyện Gio Linh; Mô hình trồng dưa lưới, rau thủy canh trong hệ thống nhà lưới tại Vĩnh Tú, Vĩnh Trung; ngoài việc đem lại thu nhập cao cho bà con, sản phẩm từ các mô hình đều là các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

    Ngoài ra, còn có các mô hình sản xuất lúa trên cánh đồng lớn thích ứng với biến đổi khí hậu với diện tích đạt 3.290 ha, các mô hình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm (chè vằng, măng tây, nấm..) phát triển ở các địa phương, trong đó phải kể đến mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX rau Đông Thanh, mô hình canh tác tự nhiên do Giáo sư hàn Quốc chuyển giao thông qua việc ứng dụng các chế phẩm vi sinh và chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học do nông dân tự chế; đây là bằng chứng thể hiện nhận thức của người sản xuất về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng gia tăng.

    Các mô hình chuyển đổi và phát triển sinh kế vùng ven biển tỉnh Quảng Trị đã giúp bà con ngư dân ổn định cuộc sống, như trồng ném, khoai lang, trồng sả, lạc, dứa, chăn nuôi heo và gà, vịt, bò... Thông qua mô hình đã chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong quá trình nuôi trồng, canh tác, cải tạo hàng trăm diện tích đất hoang hóa, bỏ hoang ở vùng ven biển, bổ sung thêm nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình, giúp ổn định đời sống của người dân.

    Các mô hình khuyến nông, khuyến ngư cũng đã tạo giúp bà con nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhằm nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông sản như các mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước, hiệu quả thấp sang trồng các loại cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao hơn (ngô, đậu xanh...), chuyển đổi cơ giống giống dài ngày sang sử dụng giống ngắn ngày chất lượng cao...; các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng cải thiện chất lượng đàn cũng như giá trị gia tăng trên đối tượng nuôi; các mô hình khuyến lâm áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn (thâm canh) để tạo sinh khối lớn và thu nhập lớn hơn phương pháp trồng rừng truyền thống; các mô hình thủy sản mới như  nuôi thâm canh cá Điêu Hồng, mô hình nuôi tôm kết hợp cá đối mục và cua, mô hình nuôi cá vược trong lồng, mô hình nuôi cá chép trong ao, mô hình lưới rê chuồn khơi...

    Từ kết quả thực hiện các mô hình trên, có thể thấy rằng nhờ tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, phát triển các liên kết theo chuổi giá trị, gắn với xây dựng mô hình điểm để chuyển giao đã giúp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong năm qua có những thay đổi căn bản về sản xuất theo hướng ổn định, đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng, đồng thời khai thác tốt lợi thế để phát triển các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, từng bước xây dựng thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường như: Tiêu Cùa, Cà phê Khe Sanh, Gạo hữu cơ Quảng Trị, Cà gai leo An Xuân, Chè Vằng Định Sơn, dưa lưới, rau sạch... hướng tới phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ, bền vững.
 
    Kết quả đạt được trên chỉ là những kết quả bước đầu, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế vốn có, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện còn hạn chế với nguồn vốn đầu tư thấp. Công tác xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn. Các mô hình vẫn chưa bền vững, đang dừng lại ở mô hình, chưa được nhân rộng; đặc biệt chưa kết nối được với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, chưa có hợp đồng tiêu thụ ổn định, nên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

    Để tiếp tục nhân rộng và phát triển các mô hình có hiệu quả trong thời gian tới nhằm không ngừng nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, trong thời gian tới cần tập trung ưu tiên các nguồn lực để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, liên kết sản xuất thành công trong nông nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư khởi nghiệp từ nông nghiệp nhất là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế kinh doanh, xuất/nhập khẩu các sản phẩm nông sản. Ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích cho các doanh nghiệp vào đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
 

Tác giả bài viết: Lê Oanh - Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
98 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay896
  • Tháng hiện tại19,191
  • Tổng lượt truy cập9,533,365
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây