Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2017 tổng nguồn lực huy động cho việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM là hơn 6.665 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho chương trình 298,5 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án 449,4 tỷ đồng; huy động doanh nghiệp, hợp tác xã 96 tỷ đồng; huy động nguồn đóng góp của nhân dân 137 tỷ đồng và nhiều nhất là vốn tín dụng 5.681 tỷ đồng. Việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước về cơ bản đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật. Đến cuối tháng 1/2018 tỉ lệ giải ngân vốn thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đạt 92%. Trong năm 2017 nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương bố trí 7,8 tỷ đồng để thực hiện các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó tập trung ưu tiên hỗ trợ các mô hình sản xuất quy mô lớn, liên huyện, liên vùng; các mô hình sản xuất liên kết, áp dụng công nghệ cao hoặc tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trong xây dựng NTM thì công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng có chuyển biến, toàn tỉnh tổ chức đào tạo nghề cho 5.500 người. Về đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, tổng nguồn vốn được phân bổ trực tiếp hơn 102 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho giao thông là 61,9 tỷ đồng; thủy lợi 2,7 tỷ đồng; trường học 11,5 tỷ đồng; cơ sở vật chất văn hóa 12,8 tỷ đồng; cơ sở hạ tầng thương mại 1,08 tỷ đồng; trạm y tế xã 1,09 tỷ đồng; các nội dung khác 10,9 tỷ đồng.
Cùng với việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM thì Chương trình mục tiêu giảm nghèo cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các địa phương tập trung thực hiện nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của người dân. Trong năm 2017 tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là 94,4 tỷ đồng. Qua thực hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm được 1,97%, tương đương giảm 2.772 hộ nghèo, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đến cuối năm 2017 tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 11,52%. Riêng huyện Đakông thực hiện theo Nghị quyết 30a, trong năm 2017 đã giảm được 5,86%, tương ứng giảm 324 hộ nghèo.
Tuy đạt được một số kết quả tích cực, song việc thực hiện các Chương trình MTQG nêu trên ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn một số khó khăn. Đó là việc thực hiện Nghị quyết 02/2014 của HĐND tỉnh “Về huy động các nguồn lực và quy định mức hỗ trợ xây dựng NTM tỉnh Quảng Trị đến năm 2020” từ năm 2015 ngân sách địa phương bố trí 3,7 tỷ đồng/năm để thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 21 và Quyết định 55 của UBND tỉnh. Tuy nhiên do cơ chế vay còn vướng mắc, người dân khó tiếp cận nguồn vốn vay nên đến nay nguồn vốn này mới giải ngân được 247 triệu đồng/11 tỷ đồng vốn đã bố trí cho 3 năm 2015-2017, các địa phương không thực hiện được gồm huyện Đakrông, Hải Lăng và thành phố Đông Hà. Bên cạnh đó nguồn kinh phí phân bổ cho hoạt động đào tạo nghề hằng năm khá lớn, tuy nhiên chưa có sự đánh giá chất lượng thực tế của hoạt động này, hiệu quả sử dụng đồng vốn ra sao?
Hiện nay việc hỗ trợ sản xuất mới thực hiện ở lĩnh vực nông nghiệp (do Sở Nông nghiệp&PTNT hướng dẫn) và hỗ trợ phát triển sản xuất ở lĩnh vực phi nông nghiệp (do Sở Công thương và Phòng Kinh tế các huyện hướng dẫn) chưa được thực hiện. Kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định 1865/2017, tỉnh Quảng Trị được phân bổ 936,2 tỷ đồng. Tuy nhiên kế hoạch vốn giai đoạn 2016-2018 đã giao mới chỉ đạt 38,7% so với kế hoạch vốn trung hạn, việc này ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện các mục tiêu của tỉnh đến năm 2020. Về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cũng có khó khăn là do công tác hoàn thành thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới theo quy định của Luật Đầu tư công; Nghị định 136/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công có những vướng mắc; một số chủ đầu tư là UBND xã không thực hiện lập kế hoạch cấp xã theo quy định dẫn tới đề nghị thay đổi danh mục đầu tư nhiều lần khiến cơ quan thẩm định cũng phải điều chỉnh nhiều lần. Vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước, một số xã chưa duy trì các tiêu chí đã đạt chuẩn, tiến độ giải ngân chậm, có địa phương chưa giải ngân được nguồn vốn kế hoạch năm 2017, chưa xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản…
Trong năm 2018 tỉnh Quảng Trị đặt ra chỉ tiêu phấn đấu có thêm 8-10 xã đạt chuẩn NTM; số tiêu chí bình quân là 15 tiêu chí/xã. Giảm tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 1,5-2%, trong đó đối với huyện Đakrông giảm 4%. Để thực hiện được các mục tiêu trên, cần có quyết tâm cao và các giải pháp phù hợp, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình MTQG, tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM đảm bảo hiệu quả, chất lượng, tuân thủ các quy định của nhà nước; tiếp tục tuyên truyền, tạo phong trào xây dựng NTM mạnh mẽ, rộng khắp trên địa bàn tỉnh; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng NTM, đẩy nhanh tiến độ giao vốn và phê duyệt các chủ trương đầu tư các dự án. Không được phép kéo dài công trình, thực hiện việc giải ngân nguồn vốn đúng quy định; chấn chỉnh, xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản và huy động quá sức dân trong xây dựng NTM.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, cần hoàn thiện và sớm ban hành quy chế thực hiện duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các mục tiêu để kịp thời tháo gỡ khó khăn, hạn chế những thiếu sót, sai phạm trong quản lý cũng như tổ chức thực hiện; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, nhất là khâu lồng ghép các chương trình trong bố trí đầu tư. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM, nhất là cán bộ các xã thuộc huyện Hướng Hóa, Đakrông; đề cao vai trò, trách nhiêm của các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh trong việc theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng NTM…, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện các Chương trình MTQG về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững đạt được các mục tiêu, kế hoạch mà tỉnh đề ra trong năm 2018.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn