Cam Lộ phấn đấu trở thành huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới.

Thứ ba - 16/05/2017 23:01
Cho đến cuối năm 2015 ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới. Thế nhưng với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, đặc biệt huyện đã có giải pháp trong huy động nguồn lực và tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế nên đến cuối năm 2016 đã có 4 xã về đích. Phát huy những kết quả đạt được, huyện Cam Lộ đang phấn đấu đến cuối năm 2018 có 100% số xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mô hình trồng lạc tưới tiết kiệm ở Cam Lộ
Mô hình trồng lạc tưới tiết kiệm ở Cam Lộ
      Năm 2011, khi được huyện Cam Lộ chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, xã Cam Thủy xác định đây vừa là vinh dự và cũng là trách nhiệm, do vậy trước hết xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức và phát huy tinh thần làm chủ của người dân. Trên cơ sở đó, xã đã tranh thủ các nguồn lực, kể cả cộng đồng, trong 6 năm qua, huy động được gần 70 tỷ đồng tập trung xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Đặc biệt quy hoạch mồ mả, dồn điền đổi thửa, cải tạo đồng ruộng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác có hiệu quả tiềm năng vùng đất gò đồi trồng rừng, cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi có quy mô lớn. Cùng với đó, đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chính nhờ vậy cuối năm 2016 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
      Ông Nguyễn Thế Vỹ, Bí thư Đảng ủy xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ nói: Tuy đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn 1 số tiêu chí chưa mang tính bền vững. Do vậy năm 2017 và những năm tới, xã sẽ tìm các biện pháp để nâng cao chất lượng các tiêu chí. Cùng với huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng thêm các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh và sản xuất, xã sẽ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển kinh tế. Ngoài việc thâm canh, tăng năng suất lúa và hoa màu, xây dựng vùng chuyên canh lạc, dứa, ổn định diện tích cây cao su hiện có khoảng 500 ha, mở rộng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô lớn. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa.
      Cũng như Cam Thủy, tranh thủ sự hỗ trợ của huyện, của tỉnh, các xã trên địa bàn Cam Lộ đã ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Đồng thời có định hướng đúng trong việc xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, quy hoạch nhiều vùng chuyên canh tập trung, phát triển mạnh kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, gia trại, đặc biệt là tiếp tục thực hiện 4 đề án phát triển nông nghiệp đó là phát triển cây cao su, nâng cao hiệu quả kinh tế vùng lạc, phục hồi vườn tiêu và cải tạo, phát triển đàn bò.
     Nhân dân đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước và ở đâu cũng thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi, từng hộ gia đình đã biết tìm các biện pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.  Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2016 tăng lên gần 30 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,2%. Toàn huyện có 4/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới và hiện nay huyện Cam Lộ đang phấn đấu đến năm 2018 có 100% số xã đạt chuẩn.
     Ông Đào Mạnh Hùng, Bí thư huyện ủy Cam Lộ nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu nói trên, điều quan trọng nhất đó là tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là phát huy vai trò của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, thường xuyên phát động các phong trào thi đua yêu nước. Bên cạnh đó, trong phát triển kinh tế tập trung các giải pháp để cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Huyện sẽ có các chính sách hỗ trợ phát triển 1 số cây con chủ lực phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương, có lợi thế cạnh tranh cao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cũng như liên kết 4 nhà để tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao, nông sản sạch.
      Đồng thời tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực văn hóa xã hội, hoàn thiện thiết chế văn hóa, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Trong quá trình thực hiện, cùng với việc tập trung chỉ đạo các xã đạt chuẩn nông thôn mới có các biện pháp để nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, huyện ưu tiên nguồn lực và có các cơ chế đặc thù cho 4 xã còn lại, nhất là xã Cam Tuyền có bản Chùa là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Tác giả bài viết: Bá Thuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập527
  • Hôm nay1,466
  • Tháng hiện tại32,015
  • Tổng lượt truy cập9,581,600
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây