Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên để chỉ đạo triển khai thực hiện. Phong trào Quảng Trị chung sức xây dựng NTM được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng và trở thành phong trào thi đua thường xuyên, sâu rộng, lan tỏa trên khắp các vùng nông thôn. Đặc biệt vai trò chủ thể của người dân ngày càng được phát huy, thể hiện ở sự đồng thuận, tích cực, hưởng ứng tham gia và đóng góp công sức, tiền của, trí tuệ để xây dựng NTM. Năm 2016 tổng huy động nguồn lực là 8.707.053 triệu đồng; Trong đó, nhân dân đóng góp: 139.654 triệu đồng, đống góp của con em xã quê hương, các tổ chức đoàn thể là 18.826 triệu đồng.
Xây dựng nông thôn mới đang từng bước góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được nâng cao, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố; thu nhập và điều kiện sống của nhân dân tiếp tục được nâng lên. Nhiều địa phương đã quyết tâm, nỗ lực cao trong việc phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới, năm 2016 đã có thêm 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới (hiện nay toàn tỉnh có 31 xã đạt chuẩn chiếm 26,5% số xã của tỉnh), tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 13,35 tiêu chí/xã, tăng 1,65 tiêu chí/xã so với cuối năm 2015(mức bình quân của cả nước hiện nay là 13,87 tiêu chí/xã), không còn xã dưới 5 tiêu chí
Để đạt được kế hoạch năm 2017 toàn tỉnh có 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 34,2% số xã của tỉnh), số tiêu chí đạt bình quân là 14,3 tiêu chí/xã và mục tiêu đến năm 2020 Quảng Trị có 55% số xã đạt chuẩn (64/117 xã), có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, không có huyện chưa có xã đạt chuẩn, khu vực đồng bằng không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí, khu vực miền núi không có xã đạt dưới 8 tiêu chí (theo tinh thần của Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 9, khóa XVI). Đồng chí Nguyễn Đức Chính, chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh chỉ đạo:
Các Sở, ban, ngành rà soát lại toàn bộ hệ thống các văn bản, chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh đảm bảo đồng bộ, khả thi, UBND các huyện rà soát lại các chỉ tiêu, mục tiêu, lộ trình từng năm của địa phương, báo cáo UBND tỉnh. Mỗi huyện tập trung xây dựng 2-3 mô hình “Xã nông thôn mới kiểu mẫu”. Đối với 02 huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh rà soát lại hiện trạng huyện nông thôn mới, đánh giá khả năng đạt chuẩn và đề xuất nguồn lực cụ thể trình UBND tỉnh trước khi tổ chức kiểm tra tình hình thực tế. Đối với UBND huyện Đakrông xây dựng lộ trình và đề xuất nguồn lực cụ thể để có giải pháp đồng bộ hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn, đảm bảo mục tiêu đề ra.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, phát triển mạnh các phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới, phong trào Chỉnh trang nông thôn”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, từng bước triển khai mô hình “vườn mẫu”, “khu dân cư kiểu mẫu”, trong đó, nội dung tập trung xử lý môi trường, xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp ở từng hộ và cộng đồng dân cư.
Chú trọng phát triển sản xuất gắn với đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp nhất là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào phát triển sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực thẩm, có giải pháp cụ thể để hỗ trợ hình thành liên kết sản xuất theo chuổi giá trị, đặc biệt là các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh gắn với các mô hình hợp tác xã liên doanh, liên kết có hiệu quả.
Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, kết hợp chặt chẽ chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ của các chương trình, dự án, tổ chức chính phủ, phi chính phủ hỗ trợ cho xây dựng nông thôn mới. Giao Sở Kế hoạch và đầu tư và Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh xem xét bổ sung phân bổ nguồn vốn đảm bảo mục tiêu đề ra.
Đẩy mạnh áp dụng cơ chế đặc thù trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là áp dụng các thiết kế mẫu, dự toán mẫu và giao cho cộng đồng dân cư tự thực hiện. Giao Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các thiết kế mẫu, dự toán mẫu để triển khai thực hiện.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với xây dựng nông thôn mới. Nghiêm túc công nhận xã đạt chuẩn đảm bảo thực chất, không chạy theo thành tích và huy động quá sức dân.
Nhân dịp này, UBND tỉnh trao Bằng công nhận cho 13 xã đạt chuẩn NTM năm 2016 và kèm theo tiền thưởng công trình phúc lợi trị giá 300 triệu đồng/xã; trao Bằng khen và công trình phúc lợi trị giá 500 triệu đồng của UBND tỉnh cho 2 địa phương tiêu biểu năm 2016 là huyện Cam Lộ và xã Tân Long (Hướng Hóa). UBND tỉnh cũng đã khen thưởng công trình phúc lợi trị giá 300 triệu đồng cho 10 xã đạt chuẩn NTM năm giai đoạn 2011- 2015; tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM năm 2016.
Đồng chí Nguyễn Đức Chính, chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và công trình phúc lợi cho nhân dân và
cán bộ huyện Cam Lộ và xã Tân Long là địa phương tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới năm 2016
Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tặng thưởng công trình cho các xã đạt chuẩn năm 2016
Tác giả bài viết: Lê Thị Vân - Chi cục Phát triển nông thôn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn