Triển khai Chương trình quốc gia “ Mỗi xã một sản phẩm"
Thứ năm - 03/08/2017 04:20
Thực triển kết quả thực hiện mô hình “Mỗi xã một sản phẩm ” trong nước và một số quốc gia trên thế giới, có thể nói rằng mô hình” Mỗi xã một sản phẩm” đã thực sự tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Chương trình không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn như: Giảm nghèo, tạo việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng mối liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.
Kinh nghiệm quý từ Quảng Ninh Từ kinh nghiệm của Nhật Bản trong triển khai chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) và kinh nghiệm của Thái Lan từ chương trình ‘Mỗi xã một sản phẩm” (OTOP), tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua 3 năm triển khai thực hiện, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút 180 doanh nghiệp tham gia, thực hiện 103 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm OCOP. Đến nay đã có 210 sản phẩm đăng ký tham gia OCOP, trong đó đã đánh giá và phân hạng 121 sản phẩm, kết quả có 99 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao. Doanh số bán hàng OCOP trong 3 năm của các tổ chức kinh tế, cơ sở hộ sản xuất đạt hơn 672 tỷ đồng.Tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và hơn 50 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, cấp xã để khai thác tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương một cách có hệ thống; tăng khả năng sản xuất và tiêu thụ, tạo ra nhiều việc làm ổn định, đồng thời tăng thu nhập cho người dân địa phương... Sự xuất hiện các sản phẩm của làng, xã trên thị trường sẽ góp phần thu hút khách du lịch đến các địa phương ngày càng đông đảo hơn. Triển khai nhân rộng phạm vi cả nước Từ những kết quả đáng ghi nhận từ Chương trình OCOP đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Quảng Ninh, nhằm nhân rộng mô hình trong cả nước, ngày 5/6/2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 2277/QĐ-BNN-VPĐP về phê duyệt đề cương Đề án ‘” Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 và bộ công cụ điều tra, khảo sát. Với mục tiêu cụ thể của Chương trình đó là tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vung, miền, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Chu trình COOP được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm”, đề xuất từ dưới lên theo nhu cầu và khả năng của hộ sản xuất, của doanh nghiệp nhỏ và vừa, của hợp tác xã; được triển khai theo 6 bước gồm: truyền thông, ý tưởng sản phẩm, kế hoạch kinh doanh, thực thi sản phẩm cấp huyện, tỉnh và xúc tiến thương mại; với 6 nhóm sản phẩm, dịch vụ của Chương trình đó là thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, lưu niệm – nội thất – trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn – bán hàng. Bên cạnh đó, Chương trình còn phát triển hệ thống quản lý chất lượng, thống kê, kiểm soát sản phẩm; phát triển hệ thống xúc tiến thương mại; đào tạo nguồn nhân lực. Có bộ máy quản lý nhà nước từ Trung ương đến cấp xã để chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình; hệ thống tư vấn hỗ trợ, đối tác để tư vấn, hỗ trợ thực hiện Chương trình. Thực hiện tại Quảng Trị Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai Chương trình. Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn các địa phương điều tra, thu thập số liệu về sản phẩm, các tổ chức kinh tế, quy hoạch định hướng phát triển sản phẩm để xây dựng Đề án và tổ chức thực hiện. Tỉnh Quảng Trị có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương (lúa gạo, nước mắm, dầu lạc, cà phê, hạt tiêu, trái cây; sản phẩm thủy sản; các sản phẩm dược liệu như cao chè vằng, tinh nghệ vàng, cà gai leo, trầm hương Trường Sơn, tinh dầu các loại; nhiều sản phẩm làng nghề thủ công truyền thống….Tuy nhiên, những sản phẩm đó vẫn chưa thực sự đem lại lợi ích cho người sản xuất, thu nhập và đời sống người dân trong sản xuất các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp còn thấp, quy mô sản xuất nhỏ, hộ gia đình là chủ yếu, các sản phẩm chủ yếu là sản phẩm thô, bao bì mẫu mã sản phẩm đơn giản, thủ công, chưa có thương hiệu, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại địa phương; số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn ít, số Hợp tác xã có liên kết với nông dân chưa nhiều; cơ sở hạ tầng làng nghề chưa đáp ứng nhu cầu, ô nhiễm môi trường, sản phẩm làng nghề có nguy cơ ngày càng bị mai một. Ngoài ra dịch vụ du lịch tại địa phương vẫn chưa được khai thác có hiệu quả so với tiềm năng của tỉnh. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp nhằm tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, có giá trị tăng cao, phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, từng bước giải quyết việc làm và lao động nhàn rỗi khu vực nông thôn của tỉnh. Kế thừa những kinh nghiệm quý trong và ngoài nước, vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình của tỉnh Quảng Trị, hy vọng, chương trình sẽ được triển khai thực hiện có hiệu quả nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.
Tác giả bài viết: Lê Oanh, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Quảng Trị