Bản Cồn thuộc xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa là một trong những bản còn nhiều khó khăn, song việc đưa máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp được nông dân ở đây tích cực thực hiện từ nhiều năm nay. Cũng như đa số người dân trong bản, trước đây, việc sản xuất nông nghiệp của gia đình anh Hồ Văn Chịu chủ yếu dựa vào sức người và sức kéo trâu bò là chính. Sau một thời gian tìm hiểu, thấy được sự thuận tiện, nhanh chóng và giảm bớt sức lao động khi sử dụng các loại máy thu hoạch nông sản, năm 2016, anh Chịu đã đầu tư hơn 10 triệu đồng mua máy tuốt lúa liên hoàn. Khi thu hoạch xong diện tích lúa của gia đình, anh Chịu cho người dân trong xã thuê lại với giá 480 nghìn đồng/ giờ.
Sau một vụ, trừ chi phí, anh Chịu thu về hơn 10 triệu đồng tiền cho thuê máy tuốt, đồng thời giúp người dân địa phương sớm hoàn thành việc thu hoạch, đẩy nhanh tiến độ làm đất cho vụ kế tiếp. Anh Chịu chia sẻ: “Trước đây chưa có máy tuốt lúa thì mỗi ngày, một người gặt được 1, 2 bao lúa thôi. Thời tiết ở miền núi thất thường, nắng đó, mưa đó nên có máy rồi càng thêm thuận lợi, vừa tuốt nhanh mà tránh được mưa làm ướt lúa. Sắp tới tôi sẽ mua thêm máy gặt, máy cày, vừa phục vụ việc đồng áng của gia đình, vừa cho người dân trong bản thuê làm để nâng cao thu nhập”.
Xác định cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa quyết định đến việc bảo đảm thời vụ và tăng hệ số sử dụng ruộng đất, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích đất canh tác, huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo các xã, thị trấn đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; thực hiện dồn điền đổi thửa; quy hoạch vùng sản xuất tập trung, hệ thống giao thông nội đồng. Từ hiệu quả của cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhiều người dân tại các xã địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện cũng đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị trong các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch nông sản. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt gần 40%, khâu vận chuyển đạt gần 90%.
Toàn huyện hiện có gần 80 máy kéo có công suất từ 12 mã lực trở lên, 35 máy cày các loại, 170 máy xay xát gạo, 200 máy gieo sạ, 715 máy tuốt lúa và tách hạt ngô, trên 1.500 máy cắt cỏ và nhiều loại máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp khác. Chia sẻ về định hướng cơ giới hóa nông nghiệp tại các xã khó khăn trong thời gian tới, ông Hồ Quốc Trung, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa cho biết: “Hiện nay, việc tích cực đầu tư máy móc, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đã hỗ trợ rất lớn vào các khâu làm đất, thu hoạch.
Đặc biệt, số lượng và chủng loại máy cày cầm tay, máy tuốt lúa tăng lên nhiều trong những năm gần đây là bước tiến quan trọng chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang hiện đại, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cây trồng, giá trị nông sản. Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp sẽ tiếp tục khuyến khích các xã, thị trấn vận động người dân tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án, tập trung đầu tư máy móc nông nghiệp để tăng hiệu quả kinh tế.
Tuy còn gặp nhiều khó khăn về địa hình, một số đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa quan tâm đầu tư các máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, nhưng kết quả bước đầu từ việc thực hiện cơ giới hóa ở vùng khó tại huyện Hướng Hóa là việc làm đúng hướng và rất đáng ghi nhận. Từ đó, không chỉ giảm chi phí, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế mà còn tạo tiền đề quan trọng để người dân phát triển nông nghiệp với quy mô bền vững, từng bước tiếp cận với phương thức canh tác hiện đại, thay đổi dần tập quán sản xuất lạc hậu của người dân vùng sâu, vùng xa huyện Hướng Hóa.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn