Xây dựng vùng chuyên canh nông sản sạch

Thứ năm - 15/06/2017 21:48
Đầu tháng 5/ 2017, tại Hội chợ thương mại tỉnh Quảng Trị xuất hiện gian hàng nông sản mang thương hiệu dưa Vĩnh Tú, đó là gian hàng của anh Trần Văn Mạnh, ở HTX Huỳnh Công Tây. Là địa danh nổi tiếng về nghề trồng dưa, dưa đỏ Vĩnh Tú từ lâu đã trở thành thương hiệu. Chính vì vậy, gian hàng dưa đỏ của anh Mạnh xuất hiện đã thu hút khách đến mua.
Giống dưa Tiểu Yến được đưa vào trồng trên đất Vĩnh Tú, Vĩnh Linh
Giống dưa Tiểu Yến được đưa vào trồng trên đất Vĩnh Tú, Vĩnh Linh

Anh Mạnh cho biết, năm nay anh đưa cây dưa vào trồng trên vùng đất đỏ ba dan. Nhờ nắm rõ quy luật thời tiết, đầu tư thâm canh tốt nên dưa được mùa, lại chín vào đầu vụ nên bán được giá. Chỉ trong 3 ngày, gia đình anh đã bán hết 1,5 tấn dưa, giá từ 13 đến 15 nghìn đồng/kg, thu về trên 20 triệu đồng. Trước ngày khai mạc, ban tổ chức hội chợ đã ra tận vườn của gia đình anh Mạnh lấy mẩu dưa đưa đi kiểm nghiệm, sau khi kết luận đạt chất lượng dưa sạch đã dành riêng một gian hàng cho dưa Vĩnh Tú.

 

Trong cơ chế thị trường, các loại thuốc bảo vệ thực vật du nhập tràn lan. Vì lợi nhuận, nhiều người đã sử dụng thuốc để kích thích sự phát triển của các loại nông sản như rau, củ, quả…làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, nhất là những loại rau, quả sử dụng trực tiếp, không qua chế biến. Để lấy lại lòng tin của người tiêu dùng, nông dân Vĩnh Tú quyết tâm xây dựng vùng chuyên canh nông sản sạch trên vùng đất cát.

 

Vĩnh Tú là địa phương có đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là cát, chiếm 3/4 diện tích đất canh tác. Ngoài cây lạc luôn dẫn đầu về năng suất trong toàn huyện, mỗi năm nông dân Vĩnh Tú cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện hàng chục nghìn tấn rau, củ, quả các loại. Đặc biệt, dưa hấu là một loại cây trồng truyền thống không chỉ phát triển trên vùng đất cát vàng chính vụ mà hiện nay nông dân đã đưa vào thâm canh cả ở vùng đất đỏ, cho năng suất khá cao. Vào vụ đông xuân, toàn xã trồng trên 100 ha cây dưa hấu, trong đó HTX Huỳnh Công Tây chiếm trên 70% diện tích. Vụ hè thu (dưa trái vụ) cũng có khoảng 40 - 50 ha.

 

Ông Trần Mai Hưng, Giám đốc HTX Huỳnh Công Tây cho biết: “Dưa hấu là một loại nông sản đặc trưng ở vùng cát. Đây là loại cây trồng truyền thống của người dân Vĩnh Tú và đã trở thành một nghề chính đối với nhiều người nông dân trên địa bàn”. Gọi là nghề bởi bên cạnh kỹ thuật thâm canh nếu người trồng dưa không có kinh nghiệm chắc chắn sẽ thất bại.

 

Để có được vụ dưa hấu thành công, bên cạnh việc nắm rõ quy luật về thời tiết, luồn lách thời vụ và bảo vệ cây dưa tránh sâu bệnh, người nông dân phải ứng dụng tiến bộ về khoa học- kỹ thuật, chọn giống phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và chú trọng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm… Giống dưa mà nông dân Vĩnh Tú thường đưa vào trồng đó là Tiểu Yến, được du nhập từ miền Nam. Mỗi héc ta dưa chính vụ cho thu hoạch khoảng 20 tấn, đạt giá trị khoảng 200 triệu đồng.

 

Nếu tính về sản lượng chỉ bằng một nửa so với các trang trại trồng dưa ở miền Nam, nhưng nhờ chất lượng dưa của Vĩnh Tú luôn giòn, ngọt, màu sắc đỏ thắm lại đặc ruột nên bán được giá, từ 8 đến 12 nghìn đồng/ kg, cao gấp hai lần so với dưa từ các tỉnh miền Nam đưa ra. Để có được bí quyết này, ông Trần Mai Hưng, Giám đốc HTX Huỳnh Công Tây cho biết: “Chúng tôi sản xuất dưa bằng phương pháp thủ công hoàn toàn. Mỗi sào dưa hấu được đầu tư khoảng 2 đến 3 xe phân chuồng, với giá trung bình khoảng 500 nghìn đồng.

 

Lúc được mùa, được giá, mỗi sào cũng thu được trên dưới 10 triệu đồng. Nếu sử dụng phân bón lá, thuốc kích thích chắc chắn năng suất sẽ rất cao nhưng dưa lại kém chất lượng và khó bán.” Không chỉ cây dưa, cây ném, ngô, lạc, dưa lê, dưa gang, dưa chuột cũng được HTX định hướng trong đầu tư thâm canh, có sự kiểm soát trong việc chống sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vụ đông xuân năm nay, HTX Huỳnh Công Tây đưa vào trồng 5 ha ném trên vùng cát vàng, trong đó có 3 ha được huyện đầu tư về giống, năng suất bình quân 1 ha đạt trên 3 tấn ném củ.

 

Theo giá hiện nay 1 ha ném cho lãi khoảng 90 triệu đồng. Cây lạc cũng đạt năng suất 30 tạ/ha, cao nhất từ trước tới nay. Để hỗ trợ nông dân xây dựng và phát triển vùng chuyên canh nông sản sạch, huyện Vĩnh Linh có định hướng đầu tư hạ tầng cơ sở để chuyên canh các loại rau, củ, quả cao cấp. Huyện đã hỗ trợ xây dựng 2 dự án thổ canh có diện tích hơn 4.000 m2 để trồng dưa và rau quả theo mô hình sản xuất nông sản sạch bằng nhà lưới, xây dựng hệ thống tưới nước cho 3 ha dứa nguyên liệu. Đồng thời xây dựng đề án phát triển 200 ha rau quả sạch trên vùng đất cát. Hiện tại một số loại nông sản sạch như dưa, hồ tiêu, lạc đã được lập hồ sơ xây dựng thương hiệu nông sản sạch.

 

Ông Trần Mai Hưng Giám đốc HTX Huỳnh Công Tây cho biết thêm: “Nếu như được nhà nước hỗ trợ vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tăng cường hơn nữa công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chắc chắn 200 ha vùng cát bạc màu của thôn Tây, xã Vĩnh Tú sẽ được khai thác tốt với các loại cây trồng phù hợp, đem lại hiệu quả cao.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay5,144
  • Tháng hiện tại126,772
  • Tổng lượt truy cập8,536,414
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây