Xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh có diện tích tự nhiên khá lớn, trên 1.430 ha nhưng đất trồng lúa và hoa màu chỉ hơn 160 ha, còn lại là cát hoang hóa. Mặt khác do ở vùng biển bãi ngang, người dân chủ yếu dùng thuyền có công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ nên từ sau sự cố môi trường biển rất khó khăn trong việc khai thác, đánh bắt hải sản. Hơn thế nữa, cơ sở hạ tầng thiếu thốn nên việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gặp rất nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, xã đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tạo sự đồng thuận của người dân để từng bước thực hiện các tiêu chí.
Với vai trò của mình, Xã đoàn Vĩnh Thái đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên không chỉ đóng góp công sức, tiền của, chung tay cùng với địa phương xây dựng các công trình phúc lợi công cộng mà còn đảm nhận các phần việc khó. Đặc biệt thanh niên xung kích, đi đầu trong phong trào lập thân, lập nghiệp, xây dựng nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả.
Anh Trần Ánh, đoàn viên Xã đoàn Vĩnh Thái cho biết: “Bản thân tôi cũng như các đồng chí đoàn viên khác đều xác định rõ và nhận thức sâu sắc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn nên tích cực tham gia với những việc làm thiết thực, cụ thể và có ý nghĩa. Dù bản thân và gia đình nhiều đoàn viên còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn cố gắng, mong muốn góp một phần công sức của mình cùng với Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Thái sớm hoàn thành các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới”.
Với phương châm “Mỗi thanh niên một việc tốt, mỗi cơ sở đoàn một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới”, trong những năm qua, các cấp bộ đoàn ở Vĩnh Linh đã đảm nhận, thực hiện được 125 công trình, 1.550 phần việc thanh niên, trong đó tiêu biểu là đóng góp hơn 5.000 ngày công nâng cấp, làm mới trên 280 km đường giao thông nông thôn, lắp đặt 45 km “Ánh sáng đường quê”, tổ chức 108 đợt hoạt động tình nguyện hướng đến các xã vùng sâu, vùng xa, vận động các nguồn lực hỗ trợ nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, sự cố môi trường biển với tổng trị giá trên 7,5 tỷ đồng, tổ chức 12 đợt ra quân tình nguyện, khám, phát thuốc cho gần 3.000 lượt người dân trên địa bàn, trồng 1.000 cây dừa cải tạo cảnh quan môi trường ở các bãi biển, thành lập 17 đội hình thu gom rác thải.
Bên cạnh đó đã tìm nhiều biện pháp tư vấn, hỗ trợ cho thanh niên nông thôn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Cùng với tín chấp vay vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ hiện tại 54 tỷ đồng, động viên đoàn viên, thanh niên vay vốn từ nhiều nguồn khác cũng như tự bỏ vốn của gia đình để đầu tư phát triển kinh tế, các cấp bộ đoàn đã phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp khởi sự kinh doanh, tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, đào tạo nghề, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi.
Đến nay, toàn huyện có 273 mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ thương mại tổng hợp, tiểu thủ công nghiệp, với mức thu nhập 1 mô hình 1 năm từ 100 triệu đồng trở lên, giải quyết việc làm cho 350 - 400 lao động, thanh niên tại địa phương. Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển, thanh niên ở các xã vùng biển đã thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp, xây dựng thành công nhiều mô hình tạo sinh kế bền vững.
Chị Võ Thị Thu, Bí thư Huyện đoàn Vĩnh Linh cho biết: Trong thời gian tới, Huyện đoàn Vĩnh Linh tiếp tục phát động phong trào thi đua, chung tay xây dựng nông thôn mới, đặc biệt hướng đến vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, các cơ sở đoàn tự chủ động tìm kiếm, thực hiện tốt các công trình, phần việc cụ thể, nhất là phát huy vai trò xung kích, gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào sản xuất nông nghiệp cũng như tham gia xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn. Cùng với đó, tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, vì an sinh xã hội, chung tay cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Nguồn tin: BáoQuảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn