Câu chuyện về mối duyên tình của anh Lê Văn Hoàn (sinh năm 1989) và chị Trịnh Phương Thảo (sinh năm 1990), cùng trú tại thôn Liên Phong, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong đã thúc giục chúng tôi tìm đến. Giữa khu rừng tĩnh lặng, dường như chỉ có tiếng bầy ong vo ve, chợt ấm lòng khi nghe họ kể về những ngày đầu cùng nhau khởi nghiệp.
Tuổi thơ của anh Hoàn gắn bó với những mùa ong. Lúc gia đình mới lên vùng kinh tế mới ở xã Triệu Ái, bố anh là Lê Văn Quân được cử đi học nghề nuôi ong lấy mật. Sau khi hoàn thành khóa học, ông Quân quyết định nuôi thử nghiệm 20 thùng. Tuy nhiên, vì quá bận rộn với công việc gia đình, rẫy nương nên nhiều khi ông buộc phải bỏ bê đàn ong. Bản thân ông Quân cũng không đặt hy vọng vào việc cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống nhờ nghề nuôi ong lấy mật như trước.
Trong lúc đang có chiều hướng “buông xuôi”, ông Quân rất ngạc nhiên và không khỏi vui mừng khi thấy người con trai rất thích tìm hiểu về những chú ong chăm chỉ. Thậm chí, anh Hoàn còn theo chân những người dân miền Nam ra Triệu Phong nuôi ong để học nghề. Trong quãng thời gian ngồi trên ghế nhà trường, nếu như hầu hết bạn bè đều sống dựa vào cha mẹ thì anh Hoàn đã có thể kiếm tiền từ những giọt mồ hôi.
Ngày ngày, sau buổi đến trường, anh lại dành thời gian chăm sóc đàn ong. Được bố mẹ hỗ trợ, có năm, anh Hoàn thu nhập hàng chục triệu đồng. Tốt nghiệp THPT và sau đó đi học nghề cơ khí, sự hoài bão của tuổi trẻ đã thúc giục anh Hoàn vào làm công nhân tại Thuỷ điện Sông Tranh (tỉnh Quảng Nam). Những ngày sống ở miền đất lạ, nỗi nhớ quê hương, gia đình và cả đàn ong luôn canh cánh trong lòng anh. Chàng trai trẻ nhận ra việc nuôi ong mang lại nhiều điều ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Thế rồi, năm 2011, anh quyết định trở về gây dựng mô hình nuôi ong Ý lấy mật.
Nhiều người cho rằng, việc nuôi ong giống như chăm con mọn. Lối so sánh ấy không sai. Đầu tiên, người nuôi ong phải xác định được “vựa hoa” để đặt cầu ong hợp lý. Loài ong mẫn cảm với môi trường, nếu hút mật ở “vựa hoa” có thuốc sâu, thuốc kích thích là chết rả. Chưa kể gặp trời quá nóng đàn ong cũng bỏ đi. Khi thời tiết giá rét, ong thường tự ăn mật rồi chết dần. Hiểu tất cả điều đó, anh Hoàn nhắc nhủ bản thân dồn toàn tâm, toàn ý cho đàn ong.
Có thời điểm, anh cùng đàn ong theo những chuyến xe đường dài để đi tìm “vựa hoa” đạt chất lượng. Hàng ngày, tuỳ vào thời tiết mà chàng trai yêu lao động tìm cách “hạ nhiệt” hoặc sưởi ấm cho đàn ong. Cùng với đó, anh luôn chú ý “canh gác” ấu trùng, bảo vệ chúng trước những con vật thích ăn ong như thằn lằn, rắn mối…
Từ ngày lập gia đình, hành trình cùng đàn ong tìm kiếm những “vựa hoa” của anh Hoàn tạm dừng. Vợ chồng anh quyết định rời nhịp sống hiện đại xô bồ, ồn ã để vào rừng chuyên tâm nuôi ong, phát triển kinh tế. Hàng ngày, anh chị thay phiên nhau chăm sóc đàn ong. Bên cạnh đó, họ thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu áp dụng những kinh nghiệm hay, kỹ thuật tiên tiến.
Công việc khá bận rộn và vất vả nhưng sớm êm xuôi nhờ thuận vợ, thuận chồng. “Ngày đầu làm quen với nghề, em rất ngạc nhiên khi thấy chồng cho ong ăn những thức ăn rất bổ dưỡng như sữa chua, bột em bé, đậu nành… Nhiều khi mình mặc chưa đủ ấm nhưng lại phải lo cho ong không bị lạnh. Nhờ quen với việc chăm sóc đàn ong mà sau này khi sinh và nuôi con nhỏ, em thấy chẳng vất vả gì nhiều”, chị Thảo chia sẻ.
Nghề không phụ người, chính những giọt mồ hôi đã giúp vợ chồng anh Hoàn sớm thu về mật ngọt. Hiện tại, anh chị đã nhân rộng thành công mô hình với 130 thùng ong. Thời điểm được giá, trung bình mỗi năm, vợ chồng anh Hoàn bỏ túi gần 200 triệu đồng. Điều thuận lợi là mật ong của anh chị được công ty thu mua tận nơi, sau khi tinh chế sẽ xuất sang thị trường châu Âu. Cũng vì lý do này nên vợ chồng anh Hoàn rất an tâm với công việc.
Nhờ nguồn thu từ ong nên cuộc sống khó khăn của đôi bạn trẻ mới lập gia đình sớm đi vào ổn định. Anh chị có điều kiện để mở ra cho mình những hướng làm ăn khác như trồng rừng, chăn nuôi dê, bò… Cùng với đó, vợ chồng anh Hoàn mạnh dạn hơn trong việc giúp đỡ mọi người. Anh chị cũng sẵn sàng hỗ trợ những người làm nghề nuôi ong ở các tỉnh, thành bạn đến quê mình tìm “vựa hoa”.
Trò chuyện với vợ chồng anh Hoàn trong căn nhà nhỏ ấm cúng, ai cũng vui khi nghe anh chị kể về những thành quả ban đầu. Trước đây, hai vợ chồng luôn mong muốn được sống ở chốn phồn hoa, đô hội nhưng giờ thì khác, họ quan niệm rằng, sống ở đâu cũng được, miễn là có điều kiện làm công việc mà mình yêu thích và tình cảm gia đình lúc nào cũng ngọt ngào như hương vị mật ong.
Tác giả bài viết: Tây Long
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn