Đặc biệt năm 2016, toàn tỉnh giao trồng được 53.840 ha cây lương thực có hạt, sản lượng lương thực đạt trên 27,5 vạn tấn, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh khóa XVI đề ra 12%. Riêng diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao đạt gần 30.500 ha, chiếm 64% tổng diện tích gieo trồng lúa 2 vụ, giá trị tăng 15-20% so với sản xuất lúa thường, doanh thu đạt trên 600 tỉ đồng/năm.
Một số sản phẩm gạo Quảng Trị được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh quan tâm, tin dùng như gạo HC95, Huyết Rồng Triệu Phước, P6… Tuy nhiên theo đánh giá của UBND tỉnh, sản xuất lúa thời gian qua chỉ mới chú trọng gia tăng năng suất, chưa quan tâm đến chất lượng, an toàn thực phẩm, quy mô manh mún, nhỏ lẻ; chưa liên kết bền vững với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra, giá trị thu nhập trên một héc ta đất thấp.
Do đó trong giai đoạn mới, cần tập trung quy hoạch các vùng sản xuất tập trung các giống lúa chất lượng cao theo hướng sạch, hữu cơ, GAP. Đồng thời rà soát, chuyển đổi 3.500-4.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng cạn có hiệu quả hơn đểphục vụ chăn nuôi và nâng cao giá trị thu nhập.
Theo đề án “Phát triển một số cây trồng, con nuôi chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025” của UBND tỉnh, đến năm 2020 toàn tỉnh gieo trồng lúa chất lượng cao đạt 34.500 ha, đến năm 2025 đạt 37.000 ha. Xây dựng và mở rộng thành công các mô hình liên kết giữa hợp tác xã, tổ hợp tác với doanh nghiệp trong sản xuất gạo sạch.
Về giải pháp, tập trung quy hoạch vùng lúa chất lượng cao tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, thành phố Đông Hà, quy mô mỗi vùng tập trung từ 500-1.000 ha; năm 2020 có 5.000 ha và năm 2025 có 7.000 ha lúa chất lượng cao sản xuất theo chuỗi.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn, khuyến khích các hộ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như bón phân cân đối giữa hữu cơ và vô cơ, giữa đạm-lân-kali, chương trình ICM, IPM…Mở rộng diện tích gieo bằng phương pháp sạ hàng, sử dụng giống lúa chất lượng cao. Tiến hành khảo nghiệm, chọn được 3-4 giống ngắn ngày, chất lượng cao phù hợp để xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Quảng Trị”.
Tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, hữu cơ, sản xuất có chứng nhận GAP…Nâng cao tỉ lệ cơ giới hóa trong sản xuất gắn với công tác dồn điền đổi thửa, tiến tới tích tụ ruộng đất; khuyến khích sản xuất theo cánh đồng lớn có sự liên kết với các doanh nghiệp.
Về chính sách, các tổ chức, hợp tác xã, cá nhân đầu tư sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn có liên kết theo hướng sạch, hữu cơ, có chứng nhận với quy mô từ 20 ha trở lên được hưởng chính sách theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 02/2014/NQ-HĐND ngày 25/4/2014 của HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VI, kỳ họp thứ 11 về huy động các nguồn lực và quy định mức hỗ trợ xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị đến năm 2020.
Nghị quyết này của HĐND tỉnh đã được cụ thể hóa bằng Quyết định số 21/2015/ QĐ-UBND ngày 14//9/2015 của UBND tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 32/2016/QĐ-UBND ngày 15/8/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định danh mục, định mức hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề, dịch vụ nông thôn thuộc nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Một chính sách của tỉnh được đề xuất mới đây đó là ưu tiên hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cánh đồng lớn hữu cơ, sạch, có liên kết với định mức hỗ trợ 10 triệu đồng/vùng 20 ha. Tổng diện tích được hỗ trợ xây dựng cánh đồng lớn lúa chất lượng cao, lúa đặc sản theo hướng hữu cơ, sạch, có liên kết toàn tỉnh tối đa 500 ha/năm.
Đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng nằm trong tổng thể đề án “Phát triển một số cây con chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn giai đoạn 20172020, định hướng đến năm 2025” của tỉnh.
Với những giải pháp và chính sách được đề ra để khuyến khích phát triển sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản sẽ góp phần thúc đẩy sản xuất, kết nối thị trường và tạo thêm thu nhập cho người sản xuất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn