Trước đây, nhiều ý kiến băn khoăn trước việc khai thác tài nguyên trên cát sẽ biến vùng này thành “cát chết”. Băn khoăn đó được giải đáp bằng dự án đầu tư sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát ven biển xã Vĩnh Tú của Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Trị. Đứng trên đồi cát trắng, phóng tầm mắt nhìn xa dọc theo triền cát nóng là một nét xanh mềm mại như nét vẽ của người họa sĩ trong phút thăng hoa trước bao la biển cả. Màu xanh ấy hắt lên từ những luống hoa màu, cây ăn trái trĩu nặng với sức sống diệu kỳ. Khác với những hàng phi lao chắn cát theo cách cổ truyền, các giống cây măng tây, ớt cay, hành tăm, mướp đắng, cà chua, củ cải, cà tím, thanh long ruột đỏ, bí ngồi, dưa lưới được chăm sóc cẩn thận đang vươn lên xanh tốt.
Cách đây hai năm, thực hiện ý tưởng cải tạo phủ màu xanh cây thực phẩm trên cát nóng, Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Trị một mặt phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc tận dụng diện tích đất cát hoang hóa sau khai thác để trồng các loại cây thực phẩm sạch dùng trong sinh hoạt; mặt khác tổ chức cho cán bộ, nhân dân xã Vĩnh Thái và Vĩnh Tú đi thăm quan mô hình trồng rau, củ trên cát của Tổng Công ty Khoáng sản & Thương mại Hà Tĩnh đã đầu tư thành công với diện tích 200 ha tại các huyện trên địa bàn.
Kết quả là sau chuyến đi này, người dân đã đồng ý chuyển nhượng lại 120 ha đất cát tại địa bàn để Công ty triển khai thực hiện dự án. Tổng diện tích của dự án hơn 100 ha, công ty đã hoàn thành việc trồng, chăm sóc 20 ha. Tiếp theo lộ trình tổng dự án đang được triển khai từng bước chắc chắn, khoa học.
Ông Nguyễn Hữu Cư, Phó Chủ tịch HĐQT công ty cho biết:“ Lộ trình tiếp theo, công ty sẽ mở rộng diện tích và đầu tư mới các hạng mục như nhà ươm cây, kho lạnh, văn phòng, kho vật tư, nhà bảo vệ, khu vệ sinh, dây chuyền thiết bị nông nghiệp, hệ thống thủy lợi, tưới cây với tổng mức vốn đầu tư khoảng 120 tỉ đồng. Đồng thời chú trọng các hạng mục như hệ thống thủy lợi, hệ thống thoát nước, máy móc thiết bị phụ trợ. Nhìn chung, việc quy hoạch sử dụng đất sản xuất rau, củ, quả ven biển đạt các điều kiện cần thiết”.
Ngoài hệ thống giao thông đã có đi qua vùng quy hoạch, công ty đầu tư xây dựng mới các tuyến đường giao thông nội đồng sản xuất. Trong các lô khi tiến hành tổ chức sản xuất được chia thành các thửa, giữa các lô, thửa có đường bờ lô, thửa ngăn cách. Cấp nước bằng phương pháp đào hồ, lấy hệ thống nước mặt tự nhiên, có hệ thống máy bơm áp lực 22,5KW, tưới bằng bét phun sương. Đảm bảo tiêu thoát nước nội vùng, không để nước từ các khu dân cư và các vùng sản xuất nông nghiệp khác chảy vào vùng sản xuất thực phẩm xanh đã quy hoạch, tránh ngập úng gây hại cho cây trồng và các hoạt động khác trong khu vực quy hoạch. Bên cạnh đó, công ty quy hoạch trồng cây xanh phòng hộ nhằm góp phần cải thiện tính khắc nghiệt của vùng tiểu khí hậu, chống cát bay, điều hòa và giữ nguồn nước ngầm.
Ông Lê Vĩnh Thiều, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Khoáng sản Quảng Trị, cho biết thêm: “Chúng tôi bố trí cơ cấu cây trồng và mùa vụ dựa trên cơ cấu các loại giống của UBND huyện; định hướng chế độ luân canh, xen canh phù hợp để nâng cao hệ số sử dụng đất và hiệu quả sản xuất. Ví dụ như măng tây gieo hạt trồng vào tháng 3 thu hoạch quanh năm (trong 10 năm). Ớt, cải củ, cải bẹ gieo hạt vào tháng 2 thu hoạch trong tháng 5. Đối với vùng đất cát bạc màu ven biển, đảm bảo mực nước ngầm luôn thấp hơn diện tích sản xuất 0,7m”.
Thì ra đây chính là bí quyết, điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề khô hạn và ngập úng cho vùng cát nóng. Mực nước ngầm thấp hơn diện tích sản xuất sẽ luôn giữ đủ độ ẩm cho cây trồng và không ngập úng trong mùa mưa bão.
Thế nên nhiều người ngạc nhiên khi thấy từng giàn dưa lưới treo trái lủng lẳng, xanh mọng trên nền cát trắng. Loại dưa này có tiếng là “khó tính”, nên thường được chăm sóc đặc biệt tại các khu nuôi trồng cao cấp có độ ẩm ổn định cao. Đây là thực phẩm cao cấp thường được bày bán ở các siêu thị lớn. Để tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, công ty tiếp liên kết với Công ty Fineton Hồng Kông để đăng ký chủng loại cây trồng và dự kiến năng suất để doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho sản xuất. Hiện nay, Công ty đã đăng ký VietGAP trồng trọt với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để kết hợp với các hợp tác xã hình thành hệ thống liên hoàn nhằm sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm của công ty với VietGAP trồng trọt theo công nghệ chuyển giao của Công ty Fineton Hồng Kông.
Công nhân của Công ty Khoáng sản Quảng Trị chăm sóc diện tích cây măng tây |
Như vậy, dự án đầu tư sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát ven biển đã tận dụng được diện tích đất cát hoang hóa tại các xã ven biển, đem lại một nguồn thu nhập cho người dân, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân trên địa bàn. Đồng thời thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng vùng chuyên sản xuất rau, củ, quả chất lượng cao, tạo ra nguồn sản phẩm ổn định, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, từ nhu cầu thực tế và mong muốn của người tiêu dùng. Đặc biệt dự án đóng góp ngân sách cho địa phương, giải quyết việc làm cho trên 100 lao động với thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Thái Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh, cho biết: “Qua thời gian hoạt động trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, Công ty Cổ phần Khoáng sản Quảng Trị đã được ghi nhận có nhiều công lao trong việc xây dựng và phát triển kinh tế địa phương. Dự án đầu tư sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên vùng đất cát ven biển sẽ góp phần hoàn nguyên, cải tạo môi trường, đồng thời nếu mang lại hiệu quả cao sẽ được huyện Vĩnh Linh nhân rộng để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân”.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn