Tuổi trẻ khởi nghiệp với mô hình trồng nấm

Chủ nhật - 28/05/2017 21:06
Ngay khi tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học, Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm thành phố Đà Nẵng, Nguyễn Mạnh Tuấn (sinh năm 1990) ở thôn Gia Độ, Triệu Độ, Triệu Phong đã quyết tâm lập nghiệp trên chính quê hương mình. Từ những kiến thức lĩnh hội được trong quá trình học, Tuấn mạnh dạn vay đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm. Chỉ sau một thời gian ngắn triển khai thực hiện, mô hình của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình. Đặc biệt, mô hình của anh được chính quyền, đoàn thể ở địa phương biểu dương và chọn làm điểm để nhân rộng.
Mô hình trồng nấm của Nguyễn Mạnh Tuấn được chọn là một trong số mô hình điểm để nhân rộng ở địa phương
Mô hình trồng nấm của Nguyễn Mạnh Tuấn được chọn là một trong số mô hình điểm để nhân rộng ở địa phương

 Được sự đồng ý của bố mẹ, cuối năm 2015, khi vừa tốt nghiệp cao đẳng, Nguyễn Mạnh Tuấn đã triển khai ngay mô hình trồng nấm tại khu vườn của gia đình. Anh phải dành thời gian gần 1 tháng để chuẩn bị nguyên liệu, giống, nhà nuôi cấy, nhà trồng nấm, trang thiết bị… để xây dựng mô hình mà mình ấp ủ bấy lâu.

 

Tổng kinh phí cho mô hình này của anh khoảng gần 100 triệu đồng, trong đó vốn vay mượn 70 triệu đồng. Thời gian đầu, Tuấn thử nghiệm trồng 1.000 bịch nấm sò (trắng và tím) trên diện tích trại trồng nấm 36 m2 . Nhờ nắm chắc các kiến thức về nuôi trồng nấm nên nấm sò do Tuấn trồng sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu hoạch đều.

 

Bên cạnh đó, các đầu mối là người ở xã đến thu mua tận nhà nên ngày nào anh cũng thu nhập từ 300 - 400 nghìn đồng. Phấn khởi, Tuấn mở rộng quy mô trồng nấm từ 1.000 bịch nấm sò lên 7.000 bịch với tổng diện tích nhà ươm giống, trồng nấm hơn 200 m2. Chỉ trong vòng 1 năm đầu trồng nấm, bình quân mỗi tháng Tuấn thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng. Nhờ vậy, Tuấn không chỉ trả hết số nợ nói trên mà còn có điều kiện trang trải cuộc sống hàng ngày của gia đình.

 

Từ cuối năm 2016 đến nay, Tuấn thử nghiệm trồng thêm 300 bịch nấm linh chi và 2.000 bịch nấm mộc nhỉ cho hiệu quả kinh tế khả quan. Đặc biệt, đối với nấm linh chi thì anh xuất bán được giá và không tồn động. Tuấn chia sẻ: “Những năm trước khi tôi đang còn học, mỗi lần về nhà nghỉ hè tôi mày mò trồng thử nghiệm nấm sò. Ở làng quê, các nguyên vật liệu như tre, vỏ trấu (thay mùn cưa), rơm... có sẵn nên trồng nấm khá thuận lợi.

 

Lúc đó, tôi chỉ trồng vài chục bịch nấm cho vui thôi nhưng ngày nào nhà tôi cũng có nấm để ăn, có những lúc nấm ra nhiều mẹ tôi đem biếu bà con hàng xóm. Thấy điều kiện thời tiết ở quê phù hợp cùng với nguyên vật liệu có sẵn nên tôi quyết tâm học tập cho tốt để sau này ra trường gắn bó với nghề trồng nấm phụ giúp bố mẹ phát triển kinh tế gia đình.

 

 Qua hơn 2 năm xây dựng mô hình trồng nấm, tôi thấy càng ngày tôi càng yêu thích với nghề này hơn. Hiện nay, tôi đang thử nghiệm sử dụng bả thải của các bịch nấm sò để ủ trồng nấm rơm vào mùa hè. Hiện nấm rơm đang sinh trưởng tốt và tôi hy vọng mình sẽ thành công loại nấm này.

 

 Thời gian tới, tôi sẽ tìm kiếm thị trường tiêu thụ nấm mộc nhỉ và nấm linh chi để đầu tư trồng các loại nấm này nhiều hơn. Đồng thời, mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm cho vay vốn ưu đãi để mua các thiết bị, dụng cụ phục vụ cho việc mở rộng mô hình trồng nấm, như: đầu tư nồi hấp bịch mùn cưa, máy sàng trộn mùn cưa, máy đánh bông (phế thải làm nấm)…; mong được tham gia các lớp tập huấn để tiếp cận khoa học kỹ thuật tiến bộ, áp dụng trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

 

 Bố mẹ của Tuấn làm nghề nông, nhà chỉ có vài ba sào đất để trồng ruộng nước và hoa màu, chắt bóp lắm họ mới có tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày và nuôi các con ăn học. Từ ngày Tuấn học xong cao đẳng và về nhà làm mô hình nấm, Tuấn chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho các thành viên trong nhà nhằm tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Quá trình trồng nấm, Tuấn thường đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao ở trong tỉnh; thường xuyên cập nhật các thông tin về khoa học kỹ thuật mới về trồng nấm trên báo, truyền hình và mạng internet để trau dồi kiến thức và nâng cao chất lượng trồng nấm, vì thế, các loại nấm do Tuấn trồng luôn đảm bảo về chất lượng và sản lượng.

 

Ông Hồ Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ, cho biết: “Nguyễn Mạnh Tuấn là một thanh niên trẻ năng động, dám nghĩ, dám làm. Với vốn kiến thức đã học được cũng như qua kinh nghiệp thực tiễn, Tuấn đã tận dụng các nguyên liệu sẵn có của địa phương để phục vụ cho việc trồng nấm thuận lợi và hiệu quả.

 

 Đặc biệt, sau khi có chủ trương chuyển đổi sinh kế cho các xã ven biển gặp khó khăn do sự cố môi trường biển, mô hình kinh tế của anh Tuấn đã phần nào khẳng định được rằng, cùng với sự giúp sức của Đảng, Nhà nước, người dân cần có lòng kiên trì, biết lựa chọn những cây trồng, vật nuôi phù hợp và tăng cường học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để triển khai đưa vào trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả.

 

Hiện nay, mô hình trồng nấm của anh Tuấn là một trong những mô hình mang lại giá trị kinh tế cao được chúng tôi lựa chọn để tuyên truyền, vận động người dân học tập và làm theo”.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập69
  • Hôm nay1,161
  • Tháng hiện tại31,342
  • Tổng lượt truy cập9,580,927
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây