Hiệu quả từ mô hình trồng tiêu tập trung ở xã Cam Chính

Thứ hai - 26/06/2017 03:49
Vùng Cùa (gồm hai xã Cam Chính và Cam Nghĩa thuộc huyện Cam Lộ) là nơi nổi tiếng có sản phẩm hồ tiêu chất lượng tốt, hàm lượng tinh dầu cao, được thế giới vinh danh Giải thưởng Chất lượng Quốc tế thế kỷ- hạng Vàng do Tổ chức Business Initiative Directions (BID- Tây Ban Nha) trao tặng.
Mô hình trồng tiêu tập trung ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ
Mô hình trồng tiêu tập trung ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ

Tuy nhiên, những năm trước đây, cây hồ tiêu vùng Cùa thường xuyên bị dịch bệnh, giá cả bấp bênh làm cho người trồng tiêu có lúc nản chí, nhiều hộ chặt phá vườn tiêu chuyển đổi sang cây trồng khác, thậm chí có hộ phá vườn tiêu chỉ để khai thác cây mít (làm trụ tiêu) để bán. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo huyện Cam Lộ kêu gọi liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) thông qua đề án thí điểm phục hồi và phát triển vườn tiêu, nên các diện tích hồ tiêu được phục hồi nhanh chóng.

 

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cam Lộ về “Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương”, xã Cam Chính đã chỉ đạo Câu lạc bộ trồng tiêu của hai thôn Mai Đàn và Thiết Xá trồng mới 7,5 ha hồ tiêu tập trung, cho sinh trưởng và phát triển rất tốt. Đây là hướng đi mới hiệu quả để nhân rộng diện tích cây hồ tiêu trên địa bàn xã Cam Chính nói riêng và các địa phương khác của huyện Cam Lộ nói chung.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình điểm trồng tiêu tập trung ở vùng đất giữa hai thôn Mai Đàn và Thiết Xá, đồng chí Nguyễn Văn Hà, Bí thư Đảng ủy xã Cam Chính cho biết: “Từ khi Nông trường hồ tiêu Tân Lâm giải thể, cây hồ tiêu ở vùng Cùa nói riêng và huyện Cam Lộ nói chung trải qua rất nhiều thăng trầm, các hộ cá thể tự đầu tư trồng và chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh theo mỗi cách khác nhau; có hộ cây hồ tiêu sinh trưởng phát triển tốt, nhưng cũng có hộ vườn tiêu bị dịch bệnh chết hàng loạt trở nên trắng tay, nợ nần. Trước tình hình đó, huyện Cam Lộ đã có nhiều chính sách phù hợp, liên kết “4 nhà” phục hồi và phát triển vườn tiêu, song việc hỗ trợ nông hộ gặp nhiều khó khăn.

 

Mô hình trồng tiêu tập trung của xã Cam Chính ra đời phù hợp với chủ trương của huyện chuyển từ hỗ trợ nông hộ sang hỗ trợ liên kết vùng, ứng dụng gói sản xuất đồng bộ từ đào tạo nghề, liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thực hiện mô hình này, huyện Cam Lộ đã hỗ trợ đưa đường ống dẫn nước tưới đến vườn tiêu trị giá 327 triệu đồng; xã Cam Chính hỗ trợ khâu làm đất, đo đạc, phân lô cho các hộ; Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện giúp khâu kiểm nghiệm chọn giống tiêu ươm trồng tập trung, xử lý sâu bệnh, ứng dụng KHKT vào sản xuất…

 

Bên cạnh đó, xã Cam Chính đã thành lập tổ chỉ đạo, giao cho hai câu lạc bộ trồng tiêu thôn Mai Đàn và Thiết Xá thực hiện đồng bộ các khâu làm đất, dựng choái tiêu, và trồng đồng loạt một lần trên toàn bộ diện tích 7,5 ha tiêu tập trung đã phân cho 75 hộ dân. Hàng tháng, cán bộ nông nghiệp của xã đi kiểm tra tình hình sinh trưởng và phát triển cây tiêu, nếu phát hiện dấu hiệu dịch bệnh bất thường thì có kế hoạch xử lý kịp thời”. Việc hỗ trợ tổ chức gói sản xuất đồng bộ, trong đó chú trọng ứng dụng KHKT vào sản xuất và có sự giám sát về kỹ thuật của cơ quan chuyên môn đã giúp cho người trồng tiêu có thêm nguồn lực và yên tâm đầu tư phát triển vườn tiêu.

 

Theo anh Nguyễn Ngọc Hải, trưởng thôn kiêm chủ nhiệm Câu lạc bộ trồng tiêu thôn Mai Đàn, vườn tiêu trồng tập trung sinh trưởng và phát triển nhanh hơn rất nhiều so với vườn tiêu của các hộ gia đình trồng cùng kỳ, không có dấu hiệu của dịch bệnh. Theo kinh nghiệm của người trồng tiêu, với tốc độ phát triển tốt như hiện nay thì đến mùa mưa năm 2017, tức tròn một năm sau khi trồng, có khoảng 10- 15 lô trên tổng số 75 lô tiêu sẽ cho thu quả bói, sớm hơn một năm so với vườn tiêu người dân trồng ở vườn nhà từ trước đến nay.

 

Như vậy, chỉ mất thời gian hai năm đầu tư thì những vườn tiêu trồng tập trung đã có thể cho thu hoạch, người trồng tiêu rút ngắn thời gian đầu tư được một năm. Nhưng điều quan trọng hơn là vì trồng tập trung một lần, quy trình kỹ thuật đồng bộ, lại có sự hướng dẫn và giám sát của cơ quan chuyên môn, nên việc quản lý dịch bệnh và chăm sóc cây hồ tiêu sẽ dễ dàng hơn, người dân không phải nơm nớp lo sợ tiêu chết hàng loạt dẫn đến nợ nần như trước nữa.

 

Từ thành công bước đầu mô hình trồng tiêu tập trung ở hai thôn Mai Đàn và Thiết Xá, đến vụ mùa trồng tiêu năm 2017 này xã Cam Chính có kế hoạch tiếp tục trồng mới tập trung thêm 15 ha hồ tiêu ở các thôn Mai Lộc 1, Mai Lộc 3, Sơn Nam, Mai Đàn. Những diện tích trồng tiêu tập trung của xã trước đây chưa cấp cho hộ dân, nên khi được xét cấp trồng tiêu theo mô hình tập trung người dân rất phấn khởi.

 

Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Cam Chính Nguyễn Văn Hà, hiện nay xã Cam Chính còn khoảng 250 ha trồng sắn hiệu quả thấp chưa cấp cho hộ dân. Đây là quỹ đất sạch để tổ chức các mô hình sản xuất hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 02 của huyện về “Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương”, trong đó có mô hình trồng cây hồ tiêu tập trung, góp phần đưa thương hiệu cây hồ tiêu vùng Cùa vươn xa trên thị trường trong nước và thế giới.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập9
  • Hôm nay1,161
  • Tháng hiện tại31,107
  • Tổng lượt truy cập9,580,692
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây