Văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật - 25/12/2022 01:15
Nông thôn mới là một chương trình lớn trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước thời kỳ mới. Điều này có tính kế thừa lịch sử, bởi nước ta vốn là một nước có nền nông nghiệp chủ đạo, nông dân là lực lượng nòng cốt trong các công cuộc đấu tranh bảo vệ non sông, và nông thôn là không gian hình thành nên một hệ thống giá trị văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì thế, tại các quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về Nông thôn mới của Chính phủ, ở phần mục tiêu chung đều có ghi "giàu bản sắc văn hóa dân tộc" (giai đoạn 2010 - 2020) hay "giàu bản sắc văn hóa truyền thống" (giai đoạn 2020 - 2025). Bên cạnh đó, còn có riêng một đề án phát triển văn hóa nông thôn được Chính phủ phê duyệt.
Cổng và đình làng Duy Phiên (xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong) mới được xây dựng - Ảnh: T.V
Cổng và đình làng Duy Phiên (xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong) mới được xây dựng - Ảnh: T.V
Khái niệm văn hóa trong trường hợp này được hiểu là một hệ thống rộng gồm các thiết chế và quy tắc xã hội. Và xét cho cùng, văn hóa nông thôn mới là sự kế thừa của văn hóa làng, tuy có phát triển và bổ sung thêm các yếu tố phù hợp với đời sống hiện đại nhưng gốc của nó vẫn là những giá trị truyền thống của hương thôn đã được thời gian bảo chứng.
Hình thái văn hóa làng
Văn hóa làng là hình thái văn hóa đặc biệt, được hình thành bồi đắp cùng với quá trình quần cư ở nông thôn xưa của người Việt, bao gồm tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần (phong tục, tập quán, lối sống, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo…) do cộng đồng dân cư ở các làng quê sáng tạo ra, được biểu hiện trong xóm làng hay được đặc trưng bằng kết cấu xóm làng. Các yếu tố, bộ phận trong văn hóa làng không tồn tại riêng biệt mà hòa quyện vào nhau tạo nên bản sắc, đặc trưng của cộng đồng làng; đồng thời văn hóa làng luôn vận động và phát triển, các thế hệ kế tiếp luôn có ý thức sáng tạo, phát huy vốn văn hóa cổ truyền để phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Về mặt kiến trúc, cảnh quan của một làng quê Việt thường gồm: cổng làng, đình chùa miếu mạo, cây đa bến nước, dòng sông con đò... Đây là những "di sản" làng mà qua đó có thể nhận biết bề dày lịch sử, chiều sâu văn hóa của một miền quê. Và cũng chính những hình ảnh đó hình thành nên tâm hồn, tình cảm của con người sống nơi nông thôn. Dân làng xem các đối tượng văn hóa ấy là niềm tự hào, là tài sản chung, "quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà" (Hoàng Hiệp).
Xét tương đối về mặt địa lý, đi từ Bắc vào Nam có thể thấy làng quê Việt có một sự biến đổi về không gian làng quê. Các làng ở vùng Bắc Bộ thường sẽ đặc trưng hơn, minh chứng là nhiều làng cổ truyền thống và những lễ hội đặc sắc có mặt ở đây. Càng đi vào Nam thì làng quê càng ít có sự rõ nét, cùng với đó là sự chi phối của thiên tai, thời tiết cực đoan và chiến tranh nên di sản làng bị tàn phá, phai nhạt nhiều.
Quảng Trị nằm ở giữa đất nước, lại chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn trong thế kỷ hai mươi nên khách quan mà nói, ở đây không có nhiều kiến trúc làng quê đặc sắc. Hiếm hoi có thể kể đến làng cổ Hội Kỳ ở xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng). Hầu như không thể tìm thấy một cái cổng làng cổ xưa đúng nghĩa, nhưng nhờ chương trình nông thôn mới mà nhiều cổng làng đã được dựng lên. Những cái cổng xây theo kiểu mới, được sơn trát sáng đẹp chứ không phải gạch đá rêu phong, song ít nhiều mang đến một hình ảnh đầy đủ hơn để nhận diện một làng quê. Những cổng làng tiêu biểu như ở làng Duy Phiên (xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong), làng Phương Lang (xã Hải Ba, huyện Hải Lăng)... với kiến trúc tam quan mái cong, là sự kết hợp truyền thống và hiện đại. Điều đặc biệt là những chiếc cổng này được xây dựng từ nguồn đóng góp của người làng và con em xa quê. Dân làng, dù xa xứ nhưng họ vẫn giữ "tinh thần làng" với niềm tự hào, tình yêu quê hương và sẵn sàng đóng góp để kiến thiết quê nhà. Sức dân là một nguồn lực quan trọng góp phần làm nên diện mạo nông thôn mới.
Khác với sự khiêm tốn của cổng làng, thì đình-chùa-miếu-vũ ở các làng quê Quảng Trị lại có rất nhiều. Hầu như làng nào cũng có đầy đủ các hạng mục mang tính thiêng này. Một số ngôi đình được xem là cổ, là di tích nhờ gắn liền với các yếu tố lịch sử, văn hóa tín ngưỡng. Đình làng Hà Trung (xã Gio Châu, huyện Gio Linh) được xây dựng từ thế kỷ XII theo kiến trúc rường cột gỗ, ba gian hai chái nay vẫn được tôn tạo bảo lưu nét cổ kính. Khuôn viên đình làng Bích La (xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong) có thể coi là một quần thể di tích làng quê tiêu biểu nhất hiện nay ở Quảng Trị. Nơi đây gồm có mái đình, các cổng vào đình, các miếu thờ, hồ nước sân đình... tất cả đều cổ kính. Đặc biệt cả quần thể này là không gian diễn ra lễ hội chợ Đình Bích La vào đêm mùng 2 tết Nguyên Đán.
Miếu vũ ở các làng quê Quảng Trị gắn liền với tín ngưỡng dân gian, thờ thành hoàng làng hoặc các vị thần linh. Mỗi làng có thể có nhiều ngôi miếu, được làng coi sóc và cúng tế. Riêng chùa thì mỗi làng chỉ một ngôi. Hệ thống chùa làng tập trung nhiều ở vùng phía Đông Nam của tỉnh, đặc biệt là hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Hầu hết các chùa làng ở Quảng Trị đều có lịch sử lâu đời. Kiến trúc chùa làng Quảng Trị khá giản dị, chỉ có chánh điện thờ Phật, gian hành lễ và hai phòng lồi đặt chuông trống. Tuy vậy, ảnh hưởng của đạo Phật đến đời sống người làng lại sâu sắc, tiêu biểu là tục đi chùa đầu năm và các lễ rằm.
Trong giai đoạn thực hiện nông thôn mới, nhiều làng quê ở Quảng Trị chưa có chùa đã được chính quyền tạo điều kiện cấp đất, cho phép xây dựng chùa. Đây là một việc làm thiết thực, phù hợp các chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng, vừa tạo nên hệ thống tổng quan kiến trúc đầy đủ trong làng quê, đồng thời giúp đời sống tinh thần của dân làng được an lành.
Các quy chuẩn của làng
Làng Việt không chỉ là không gian nông thôn, mà nơi đó còn có những nguyên tắc sống được làng quy định trong hương ước hoặc người dân tự truyền nhau. Điều này chỉ có được ở làng, vì người sống ở đấy thường có mối quan hệ huyết thống gần gũi với nhau. Khi xưa người ta thường dựng vợ gả chồng trong làng. Dần dà người trong một làng có khi quanh đi quẩn lại đều có "bà con" với nhau cả. Hàng xóm là anh em, mở cổng gặp thân quyến. Thế nên tổ chức làng giống như một tổ chức gia đình mở rộng, khi ấy hương ước chính là gia phong, mọi người truyền tụng nhau, răn dạy nhau, tự điều chỉnh với nhau. Hương ước vì thế dù có làng lập ra trên giấy tờ, hay không lập ra mà chỉ ngầm hiểu với nhau thì tính chất nghiêm minh vẫn không thay đổi.
Hương ước bao gồm những nguyên tắc mà mọi người trong làng đều phải tuân thủ, nó được xem là bản pháp lý đầu tiên của làng xã Việt. Qua thời gian, các hương ước được thay đổi, chỉnh sửa cho phù hợp hoàn cảnh đời sống, kinh tế, xã hội. Nhờ được thử thách qua thời gian dài nên hương ước cơ bản gồm những điều hay lẽ phải, phù hợp luật pháp và giúp người làng sống tốt đẹp hơn.
Giá trị của hương ước được khẳng định và được Nhà nước công nhận, hợp thức hóa như một văn bản tự quản ở các làng quê, thôn xóm. Ngày 08/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, trong đó nêu rõ: "Hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận". Trong phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giá trị của hương ước càng thể hiện rõ vai trò "cầm cân, nảy mực". Đoàn kết là yếu tố then chốt để một cộng đồng lớn mạnh và thực hiện tốt các mục tiêu khác.
Ở các làng quê, tổ chức làng hay còn gọi là ban hương sự chịu trách nhiệm điều hành mọi công việc của làng. Từ việc cúng tế, phân công việc làng cho đến theo dõi việc chấp hành hương ước của người làng. Ban hương sự do làng cử, gồm những người có tuổi tác và uy tín. Lễ lược cưới hỏi, hay tang hiếu ở các làng quê đều có sự tham gia chủ lễ của các cụ trong ban hương sự, trong hội đồng dòng tộc. Vai trò của các cụ trong ban hương sự là rất lớn, tiếng nói của những người điều hành làng được thần dân xem trọng. Vì thế trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, chính quyền rất cần lưu ý đến tiếng nói của các ban hương sự.
Tổ chức làng mạc đều dựa trên việc hợp nhất tổ chức của các dòng họ. Ví dụ cử trưởng làng, vai vế các ban hương sự đều là sự phân chia giữa các dòng họ. Yếu tố huyết thống dẫn đến mối quan hệ bền chặt trong một ngôi làng. Các phong trào của làng mạc, họ tộc có ảnh hướng tích cực đến đời sống. Chẳng hạn phong trào khuyến học ở các dòng họ, tủ sách dòng họ đã góp phần làm cho việc xã hội hóa học tập được phát triển mạnh mẽ. Việc học hành của con em nông thôn bây giờ đã khác với trước, tỷ lệ vào đại học ngày càng cao.
Các quy chuẩn của làng được đặt ra trong hương ước, được điều hành bởi ban hương sự góp phần giúp chính sách, pháp luật của nhà nước được chấp hành nghiêm minh hơn.
Làng trong sự biến đổi của đời sống
Trong xu thế hiện đại, những tiện ích mới đã giúp cho đời sống vật chất tinh thần được nâng cao thì nếp làng, những giá trị cũ sẽ ít nhiều bị chi phối. Một thực trạng hiện nay ở các vùng nông thôn là ô nhiễm môi sinh. Một số làng nghề làm bún có tình trạng nước thải gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống chung của làng quê. Bên cạnh đó "ô nhiễm tiếng ồn" cũng là một thực trạng đang diễn ra tràn lan ở cả thành phố và nông thôn. Dịch vụ loa hát di động (loa kẹo kéo) và karaoke gia đình gây ồn ào. Làng quê vốn là nơi sạch sẽ và yên tĩnh thì nay đã bị pha tạp. Ở một số nơi như chúng tôi biết, chính làng phải ra quy định khung giờ không được gây ồn ào, nhất là buổi tối, khoảng thời gian con em học bài và mọi người cần nghỉ ngơi.
Chủ trương sáp nhập các thôn cũng gây nên những xáo trộn nhất định của làng. Trước đây có khái niệm thôn làng, tức mỗi thôn là một làng, và nhiều nơi tên thôn cũng chính tên làng. Thế nên làng từng được xem là một tổ chức tự trị. Dần dần, những sự di cư tự nhiên nên người làng này ở xen với làng kia ngày một nhiều. Gần đây việc sáp nhập các thôn cũng khiến quy mô làng bị thay đổi. Một thôn có thể gồm nhiều làng, một làng có thể bị tách ra ở nhiều thôn. Ranh giới hành chính của làng ngày càng không rõ ràng, chính vì vậy hoạt động của làng cũng ít nhiều bị chi phối, mai một. Đất làng là khái niệm để chỉ ranh giới làng này với làng kia, và sự phân định này theo thời gian đã bị xóa nhòa. Thêm vào đó, tình trạng "sốt" đất đã gây nên những khó khăn nhất định về đất ở cho người nông thôn. Đất ở nhiều làng quê bị thương mại hóa nhanh chóng; tình trạng cò đất dùng các chiêu trò gom đất, đồn thổi các dự án, các tuyến đường sắp mở khiến giá đất nông thôn bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Người làng muốn về quê sinh sống lập nghiệp kiếm mảnh đất an cư lạc nghiệp đã khó khăn hơn, bởi rất nhiều khu đất ở đã nằm trong tay người buôn đất. Những rặng tre, hàng chè tàu, vườn cây xanh dần biến mất để nhường chỗ cho bê tông cốt thép khiến môi trường sống bị mất cân bằng. Khi môi trường sống bị thay đổi, tất yếu các hệ giá trị của làng sẽ bị chi phối.
Thực tế, ở nhiều địa phương, vai trò của làng vẫn rất quan trọng trong các sự việc lớn, nhỏ. Chẳng hạn ở các kỳ bầu cử, đại diện làng được mời dự khai mạc và bỏ những lá phiếu danh dự đầu tiên. Khởi công những công trình lớn của địa phương, hay cúng xuống vụ gieo đều có vai vế của làng làm chủ bái lễ. Tín ngưỡng thờ cúng dân gian gắn liền với đời sống xa xưa nay vẫn được duy trì trong hành trình xây dựng nông thôn mới.
Giữ gìn hệ giá trị trường tồn của làng quê Việt Nam trong thời hiện đại chính là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Khi xây dựng nông thôn mới, chính quyền các cấp cần lưu ý và tôn trọng các yếu tố truyền thống làng quê, vừa để tận dụng "sức mạnh mềm" của văn hóa làng xã, đồng thời tạo nên nét riêng đặc sắc của mỗi nơi. Có như thế thì nông thôn mới sẽ không bị hiểu lầm là đô thị hóa nông thôn, và sẽ tạo ra nhiều vùng nông thôn mới đa dạng, phong phú, không rập khuôn nhau.

 

Nguồn tin: Thuận Vũ, Tạp chí Cửa Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập23
  • Thành viên online1
  • Khách viếng thăm22
  • Hôm nay1,640
  • Tháng hiện tại44,992
  • Tổng lượt truy cập9,594,577
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây