Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp trong tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và miền núi.
Tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm về thực hiện chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ vậy, các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được đầu tư và thực hiện đồng bộ. Kết cấu hạ tầng có chuyển biến đáng kể. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được cải thiện.
Đến năm 2022, toàn vùng có 8 xã đạt chuẩn về nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Các tiềm năng, lợi thế được khai thác, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của vùng. Việc thực hiện an sinh, phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo được chú trọng. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội được củng cố, giữ vững.
Xác định công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho Nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tầm chiến lược trong công tác dân tộc, miền núi của Đảng, những năm qua các cấp, các ngành, các địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền các chương trình, chính sách dân tộc, miền núi.
Công tác tuyên truyền đã tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện và giám sát để các chương trình, chính sách đi vào cuộc sống, đạt được kết quả, mục tiêu đặt ra.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương còn chú trọng tổ chức các hội nghị, hội thảo, hội thi, tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức pháp luật, hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và các hoạt động thông tin đối ngoại thuộc lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc, miền núi…
Chú trọng tuyên truyền, vận động thông qua các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng (chuyên trang, chuyên mục trên truyền hình, báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử...), bao gồm cả các chuyên trang, chuyên mục đặc thù bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số…
Phát hành, cung cấp tài liệu sách, sổ tay, tờ rơi, tờ gấp (bao gồm cả tài liệu song ngữ, tài liệu bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số). Tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh, tuyên truyền miệng bằng tiếng dân tộc; lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng và các hoạt động khác.
Với quan điểm công tác dân tộc, miền núi là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn hệ thống chính trị, để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, miền núi thực hiện có hiệu quả, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thu hẹp dần khoảng cách về mức sống của đồng bào các dân tộc miền núi so với bình quân chung của tỉnh, trong thời gian tới tỉnh Quảng Trị tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện đại hóa công tác quản lý theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số. Rà soát, đánh giá việc thực hiện các chính sách dân tộc, miền núi, đồng thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Huy động đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển... Phấn đấu đến năm 2023 giảm 10% số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Tỉ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%-5%/ năm. Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng phát triển kinh tế nông hộ, xây dựng chuẩn giá trị đối với các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn miền núi.
Thứ hai, phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số. Chăm lo các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội; tạo việc làm và thu nhập cho Nhân dân. Chú trọng đầu tư và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Khơi dậy tinh thần tự lực, ý chí, khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế. Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chính sách bình đẳng giới. Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Hạ tầng lưới điện ở miền núi đã được đầu tư, nâng cấp -Ảnh: N.K
Thứ ba, tăng cường quốc phòng-an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân kết hợp với phát triển KT-XH ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đổi mới phương thức, phối hợp chặt chẽ giữa công tác dân tộc, công tác dân vận với công tác đối ngoại nhân dân. Tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước. Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc và nảy sinh mâu thuẫn như tranh chấp đất đai, địa giới hành chính, xâm canh, xâm cư...
Thứ tư, đẩy mạnh công tác quan hệ, hợp tác, phối hợp giao lưu giữa cán bộ và Nhân dân tuyến biên giới Việt-Lào. Tiếp tục phát huy mô hình “kết nghĩa bản-bản”. Trao đổi tình hình, giải quyết những vấn đề còn tồn tại liên quan đến biên giới để không ngừng củng cố, phát triển tình đoàn kết, gắn bó hữu nghị đặc biệt truyền thống vốn có của đồng bào hai bên biên giới. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh có chung đường biên giới. Phối hợp tỉnh Savannakhet xây dựng trình cấp có thẩm quyền đề án Khu kinh tế-thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo-Densavanh.
Thứ năm, đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; các văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về công tác dân tộc, miền núi; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, cung cấp thông tin tài liệu hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin đối ngoại thuộc lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc; quảng bá những thành tựu về công cuộc xóa đói giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số với bạn bè quốc tế; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đồng bào với cấp ủy, chính quyền địa phương; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ sáu, tập huấn bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, miền núi cho đội ngũ cán bộ, công chức, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật làm nhiệm vụ công tác dân tộc, miền núi. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí nhằm thúc đẩy việc tuyên truyền có trọng tâm trọng điểm, đạt hiệu quả thiết thực. Biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu đặc thù tuyên truyền về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, miền núi. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số (tiếng nói và chữ viết) trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn