Giải pháp nâng cao thực hiện tiêu chí môi trường

Thứ năm - 29/12/2022 19:46
Tiêu chí số 17- Môi trường và an toàn thực phẩm (ATTP) là một tiêu chí khó thực hiện trong Bộ tiêu chí về xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và cũng là một tiêu chí cơ bản đánh giá được chất lượng cuộc sống cũng như bộ mặt nông thôn của các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 67/101 xã đạt tiêu chí về môi trường và ATTP.
Bà con nhân dân tích cực ra quân chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, cây xanh
Bà con nhân dân tích cực ra quân chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, trồng hoa, cây xanh
Thực trạng thực hiện tiêu chí Môi trường và an toàn thực phẩm

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, tình hình thực hiện tiêu chí Môi trường và An toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào chỉnh trang, vệ sinh nông thôn, đường làng ngõ xóm được các tổ chức đoàn thể, địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đường làng, ngõ xóm không chỉ sạch mà còn đẹp, gọn gàng, có nhiều tuyến đường trở thành đường mẫu xanh - sạch - đẹp; công tác kiểm soát ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh được quan tâm hơn; việc thu gom và xử lý chất thải dần đi vào nề nếp.Hình thành thêm nhiều tổ, đội thu gom rác; đầu tư xây dựng các mô hình thí điểm thu gom, xử lý CTR cụm xã. Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường, nhân rộng các mô hình bảo vệ môi trường khu vực nông thôn và phát động các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường được thực hiện có hiệu quả. Toàn tỉnh có 427 tổ thu gom rác tự quản; 8/8 huyện, thị xã đều có đơn vị thu gom và vận chuyển CTR sinh hoạt; có 74/101 xã đã tổ chức thu gom CTR; tỷ lệ thu gom rác khu vực nông thôn đạt 65%; tỷ lệ cơ sở SXKD, NTTS, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường là 83,2%; tỷ lệ số xã có cảnh quan môi trường được đánh giá xanh, sạch, đẹp, an toàn là 87,13%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 94,33%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng QCVN đạt 59,42%; tỷ lệ số hộ gia đình và cơ sở SXKD thực phẩm tuân thủ các quy định vàđược cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đạt 100%.Hiện có 201 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh, khoảng 94,33% dân số nông thôn được tiếp cận nước hợp vệ sinh và khoảng 59,42% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, việc xử lý nước thải phát sinh từ hoạt động làng nghề, đặc biệt là các làng nghề chế biến thực phẩm ngày càng được các cấp quan tâm. Hiện nay, dự án: Xây dựng mô hình xử lý ô nhiễm môi trường dựa vào cộng đồng tại làng nghề sản xuất bún thôn Thượng Trạch, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, công suất thiết kế 200m3/ngày.đêm đã được bàn giao cho địa phương đưa vào hoạt động từ cuối năm 2019. Các hạng mục của dự án bao gồm: Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu vực sản xuất bún tập trung; tập huấn, chuyển giao công nghệ xử lý cho địa phương.

Việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đã được các địa phương chủ động thực hiện nhằm hạn chế ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe người dân. Hiện nay, toàn tỉnh đã xây dựng hơn 2.500 bể chứa bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đặt tại các khu vực sản xuất. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển, xử lý tại các bể chứa chưa được thực hiện thường xuyên, các địa phương chưa có kinh phí cho công tác xử lý mà phụ thuộc hoàn toàn từ cấp trên.

Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi cũng được quan tâm triển khai thực hiện. Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 5.000 công trình khí sinh học và hàng trăm mô hình sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm xử lý chất thải chăn nuôi, hạn chế ô nhiễm môi trường, tận thu khí CH4 phục vụ cho đun nấu, phát điện, sưởi ấm góp phần giảm khí thải nhà kính.

Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình thực hiện tiêu chí Môi trường và ATTP trong xây dựng NTM vẫn còn một số khó khăn như: Nhận thức và hành động của cộng đồng dân cư nông thôn về bảo vệ môi trường; thu gom, phân loại chất thải theo quy định còn thấp. Ý thức tự giác bảo vệ môi trường chưa trở thành thói quen và nếp sống thường xuyên của người dân. Tình trạng xả rác thải bừa bãi, không đúng nơi quy định vẫn diễn ra, gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đường làng, ngõ xóm, nơi công cộng. Việc duy trì và nâng cao tiêu chí đã được công nhận còn hạn chế, một số xã công nhận đạt chuẩn NTM, các tiêu chí mới đạt ở mức tối thiểu, chưa thực sự bền vững.

Đề xuất giải pháp thực hiện

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; đa dạng loại hình truyền thông, kết hợp giữa phương thức truyền thống như phát thanh, truyền hình với ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung vùng sâu, vùng xa. Chú trọng công tác tuyên truyền cổ động trực quan để tạo không khí thi đua phấn khởi cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xây dựng NTM.Tuyên truyền hướng dẫn địa phương xây dựng các quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường, các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư.

Phối hợp liên ngành với các đoàn thể, địa phương tập huấn, tuyên truyền về BVMT trong khu dân cư như thu gom, phân loại, tập kết rác thải đúng nơi quy định; khuyến khích các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường.Huy động tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng tích cực tham gia truyền thông nâng cao ý thức BVMT.Phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường, khen thưởng các điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường.

Xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, quản lý vận hành công trình sau đầu tư tại các khó khăn về nguồn nước, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.Việc triển khai các quy hoạch nông thôn mới vùng huyện, xã cần chú trọng quy hoạch các mạng lưới nước sạch tập trung; các cơ sở thu gom, xử lý rác thải, nước thải; chăn nuôi tập trung đảm bảo tính khả thi và tránh chồng chéo với các quy hoạch đã được ban hành.

Đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung gắn với khai thác, quản lý vận hành, đảm bảo an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu. Sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sạch bảo đảm hoạt động hiệu quả, gắn với giám sát quản lý vận hành công trình.

Hỗ trợ đầu tư xây dựng bể trữ nước mưa và các hình thức trữ nước khác phù hợp đặc thù vùng, miền để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt. Nhân rộng áp dụng mô hình thu, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình

Xây dựng kế hoạch chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiếu nước sinh hoạt do ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ngập lụt, úng; đảm bảo duy trì tối thiểu nguồn cấp nước sinh hoạt trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh.

Triển khai việc thu gom các bao bì thuốc BVTV, thuốc thú y, phân bón sau sử dụng theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp đổ rác thải không đúng nơi quy định.

Ngoài các giải pháp trên thì có thể nói răng tiêu chí Môi trường và ATTP đạt hiệu quả thì giải pháp quan trọng, cốt lõi nhất vẫn chính là ý thức của người dân, ý thức giữ gìn làng quê sạch đẹp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn là góp phần lớn trong xây dựng nông thôn mới.
 

Nguồn tin: Thùy Vân, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập31
  • Hôm nay5,245
  • Tháng hiện tại10,171
  • Tổng lượt truy cập8,695,592
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây