Theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM mới giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành có tổng cộng 19 tiêu chí. Trong số 19 tiêu chí đó: nhóm Quy hoạch có 1 tiêu chí (quy hoạch); nhóm Hạ tầng Kinh tế - Xã hội có 8 tiêu chí (giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư); nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất có 4 tiêu chí (thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất); nhóm Văn hóa - Xã hội - Môi trường có 6 tiêu chí (giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh).
Trong 4 nhóm tiêu chí xây dựng NTM nêu trên, ngoại trừ nhóm tiêu chí Quy hoạch thì Hội Khuyến học tỉnh đều tham gia tích cực vào xây dựng các nhóm tiêu chí còn lại như vận động xây dựng điểm trường mới (tiêu chí trường học), xây nhà ở cho người nghèo, hội viên khó khăn về nhà ở (tiêu chí nhà ở dân cư); giúp mọi người dân nâng cao dân trí thông qua việc học tập suốt đời; các trung tâm học tập cộng đồng giúp người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đào tạo nghề để xóa đói giảm nghèo; hoạt động khuyến học, khuyến tài thúc đẩy phát triển chất lượng giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực.
Những hoạt động này đều góp phần hoàn thiện tiêu chí: Thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, giáo dục và đào tạo, văn hóa và tiếp cận pháp luật. Để xây dựng một xã hội học tập vững mạnh điển hình, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng NTM, Hội Khuyến học tỉnh đã kiện toàn, củng cố tổ chức, đa dạng hóa các mô hình, hoạt động khuyến học, khuyến tài. Đến nay, toàn tỉnh có trên 3.400 tổ chức hội khuyến học, trong đó có 141 Hội Khuyến học xã, phường, thị trấn, 1.104 chi hội khuyến học thôn, bản, khu phố, 2.148 ban khuyến học với tổng số trên 170.000 hội viên (chiếm tỷ lệ gần 28% tổng dân số).
Mọi hoạt động của Hội Khuyến học tỉnh đều đúng hướng, sát với chủ trương của Đảng, Nhà nước và của hội cấp trên. Hội Khuyến học tỉnh đã tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt là Chỉ thị số 03-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Mới đây, để thực hiện Quyết định 448/ QĐ-KHVN của Hội Khuyến học Việt Nam và Chỉ thị 03 của Thường vụ Tỉnh ủy, tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức phát động xây dựng mô hình “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Dòng họ học tập” giai đoạn 2016- 2020 rộng khắp ở nhiều xã, phường, thôn, bản. Đồng thời tổ chức đăng ký danh hiệu thi đua xây dựng mô hình “Gia đình học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Dòng họ học tập” rất sôi nổi. Các mô hình này sau một thời gian triển khai đã góp phần tích cực trong việc hoàn thành mục tiêu, tiêu chí xây dựng NTM như: Văn hóa, giáo dục và đạo tạo tại nhiều đơn vị cơ sở.
Đầu năm 2016, Hội Khuyến học tỉnh ban hành công văn hướng dẫn Hội Khuyến học các huyện, thị xã, thành phố thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” theo tinh thần công văn số 60 ngày 09/3/2016 của UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị gắn với các mô hình học tập. Ngay sau đó, các cấp Hội Khuyến học cơ sở đã nhanh chóng triển khai cuộc vận đồng ý nghĩa này trong các tầng lớp nhân dân và được người dân đồng tình hưởng ứng tích cực. Đến nay, sau hơn một năm triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các cấp hội cơ sở đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật, góp phần xây dựng NTM, đô thị văn minh tại địa phương.
Dấu ấn đậm nét của công tác khuyến học, khuyến tài trong xây dựng NTM là hiệu quả từ các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Toàn tỉnh hiện có 1.094 TTHTCĐ, trong đó, có 141 TTHTCĐ cấp xã, 953 trung tâm vệ tinh. Các TTHTCĐ được xem là thiết chế để xây dựng xã hội học tập từ cơ sở, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, nhu cầu đào tạo nghề của mọi tầng lớp nhân dân. Chính vì thế, thời gian qua Hội Khuyến học tỉnh cùng các cấp hội cơ sở đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các ban, ngành liên quan tiếp tục duy trì, củng cố, phát huy hiệu quả của các TTHTCĐ.
Các TTHTCĐ trên toàn tỉnh đã mở được trên 1.500 lớp với hơn 60.000 lượt người tham gia học tập trên nhiều lĩnh vực như: Kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, pháp luật, sức khỏe, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước... Nhìn chung, hoạt động của các TTHTCĐ đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí, đào tạo việc làm cho người dân, góp phần tích cực vào chương trình xây dựng NTM.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn