Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" ra đời với mục đích này. Nếu thực hiện thành công, chương trình sẽ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh tại hội nghị. |
Giàu lên từ sản vật địa phương
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (tiếng Anh là "One commune, one product"-OCOP) là mô hình được học tập từ Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm" của Nhật Bản. Đến nay, có hơn 40 nước học theo và đã triển khai rất thành công, góp phần nâng cao đời sống cho người dân vùng nông thôn. OCOP thực chất là giải pháp để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng của các địa phương vốn dĩ là những tiềm năng, lợi thế của các vùng, miền chưa được phát huy, khai thác để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Ở Việt Nam, Chương trình OCOP đã được triển khai tại tỉnh Quảng Ninh 5 năm qua cho thấy, đây là hướng đi đúng, phục vụ đắc lực cho thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như chương trình xây dựng NTM. Trên cơ sở kết quả này, tháng 3-2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa OCOP trở thành một nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Từ ngày 7-5-2018, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Quyết định số 490) trong giai đoạn 2018-2020 để triển khai thực hiện trên toàn quốc.
Sản phẩm mây tre đan của Hợp tác xã Bao La, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. |
Trước đây, khi chưa có Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", cuộc sống của anh Lềnh A Tráng, dân tộc Dao, ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) gặp vô vàn khó khăn. Từ khi tỉnh Quảng Ninh triển khai thực hiện chương trình này, anh Tráng biết tận dụng lợi thế của cây ba kích-sản vật của địa phương để làm giàu. Cây ba kích đã đem về cho anh Tráng doanh thu gần một tỷ đồng/năm. Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh: Từ năm 2013, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện chương trình (trước khi chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện trên phạm vi cả nước). Đến nay, Quảng Ninh có 294 sản phẩm, 139 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao, có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Đây là chương trình rất tốt để thúc đẩy thực hiện xây dựng NTM; thúc đẩy phát triển sản xuất đa dạng hàng hóa, giải quyết vấn đề lao động việc làm, thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất từ quy mô hộ sang hợp tác xã, sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phát triển được khoảng 2.500 sản phẩm nông sản quy mô cấp địa phương, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như mẫu mã phục vụ thị trường nội địa và tham gia xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Bộ NN&PTNT kỳ vọng thông qua chương trình góp phần thúc đẩy phát triển được 4.000 hợp tác xã và các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực nông thôn, bảo đảm hàng hóa sản xuất đạt quy chuẩn có xếp sao theo tiêu chí của chương trình OCOP. Đồng thời, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn, phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người gấp 1,85 lần so với năm 2015 theo đúng yêu cầu, kế hoạch của chương trình xây dựng NTM.
Chăm sóc rau má HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. |
Nên chọn sản phẩm như thế nào?
Theo đại diện Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cả nước hiện có 4.823 sản phẩm lợi thế của vùng nông thôn, làng nghề thuộc 6 nhóm sản phẩm (gồm: Nhóm thực phẩm có 2.584 sản phẩm; nhóm đồ uống có 1.041 sản phẩm; nhóm thảo dược có 231 sản phẩm; nhóm vải và may mặc có 186 sản phẩm; nhóm lưu niệm-nội thất-trang trí có 580 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn có 201 sản phẩm với 413 làng, bản văn hóa gắn liền với du lịch). Hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên đều có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa.
Theo ông Tăng Minh Lộc, Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam: Ý nghĩa của chương trình là những sản phẩm truyền thống, thậm chí có vẻ như bình thường sẽ trở thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn, không chỉ bán ở thị trường trong nước mà còn có thể xuất khẩu. Muốn vậy, cần thúc đẩy sự sáng tạo của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, các hợp tác xã. Việc sản xuất phải gắn với du lịch, bởi đây là một kênh để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Trong chương trình này, Nhà nước đóng vai trò tạo ra “sân chơi” bằng cách ban hành các cơ chế, chính sách hợp lý để hỗ trợ phát triển, như: Hỗ trợ phát triển ý tưởng, đào tạo nâng cao kiến thức, hỗ trợ lãi suất tín dụng, đề ra các tiêu chuẩn sản phẩm, quảng bá và định hướng hình thành lên các kênh phân phối sản phẩm… Tuy nhiên, theo ông Ngô Tất Thắng, Phó chánh văn phòng NTM Trung ương: Người dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp mới đóng vai trò chính trong “sân chơi” này. Họ tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm gì có lợi thế cạnh tranh của địa phương mình.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" trên phạm vi toàn quốc giai đoạn 2018-2020 được tổ chức tại tỉnh Bắc Giang vừa qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đây là chương trình phát triển kinh tế chứ không phải chương trình mang tính phong trào, do đó, các bộ, ngành, địa phương không được nóng vội, chủ quan. Nhà nước không làm thay, không áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính. Để chương trình phát triển thành công thì phải thực hiện tuân theo nguyên tắc của cơ chế thị trường
Nguồn tin: Theo Nguyễn Kiểm/qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn