Tăng cường nguồn lực hỗ trợ chủ thể tham gia chương trình OCOP

Thứ sáu - 04/11/2022 23:10
Triển khai Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2026, Quyết định của UBND tỉnh về việc phân bổ kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh năm 2022, thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT) đã kịp thời thực hiện các nội dung hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"(OCOP).
Với việc hoàn thiện các tiêu chuẩn để sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, cà phê bột, cà phê hạt của Công ty TNHH Pun Coffee thu hút sự quan tâm của khách hàng trong nước và quốc tế - Ảnh: T.T
Với việc hoàn thiện các tiêu chuẩn để sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, cà phê bột, cà phê hạt của Công ty TNHH Pun Coffee thu hút sự quan tâm của khách hàng trong nước và quốc tế - Ảnh: T.T
 
Chính sách hỗ trợ của nghị quyết áp dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình, cá nhân tham gia phát triển sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các dịch vụ có liên quan đến cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Trên cơ sở đó, Chi cục PTNT đã lựa chọn đối tượng thụ hưởng, triển khai cho các chủ thể OCOP làm đơn đề nghị hỗ trợ theo các nội dung phù hợp với chính sách và nhu cầu thực tế nhằm hoàn thiện sản phẩm. Ban hành kế hoạch thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh theo nghị quyết; phối hợp với các địa phương triển khai, theo dõi, đôn đốc trong quá trình thực hiện kế hoạch.
 
Đến nay, chi cục đã phê duyệt nội dung và kinh phí hỗ trợ cho 5/5 chủ thể OCOP, trong đó có 3 đơn vị thuộc huyện Cam Lộ là HTX Dịch vụ nông nghiệp hồ tiêu Cùa, Cơ sở sản xuất cao chè vằng, cao dược liệu Nguyễn Thị Dung, Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh (Đakrông) và Công ty TNHH Pun Coffee (Hướng Hóa).
 
Các hạng mục hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển và hoàn thiện sản phẩm kết nối vào các chuỗi cung ứng của 5 chủ thể gồm: hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu hàng hóa, in bao bì, nhãn mác, tạo hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng và áp dụng hệ thống ISO cho sản xuất, cung ứng đảm bảo đúng quy định về nội dung, định mức hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng, đáp ứng một phần nhu cầu, nguyên vọng của chủ thể. Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện là 300 triệu đồng. Có 2/5 đơn vị hoàn thành 100% các nội dung hỗ trợ là Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân và HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh. Còn lại 3 đơn vị hoàn thành 70% khối lượng công việc và cam kết hoàn thành, nghiệm thu trong tháng 11/2022.
 
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh Nguyễn Văn Hùng cho biết, một trong những khó khăn của các chủ thể tham gia chương trình OCOP là nguồn kinh phí để thực hiện các nội dung như thiết kế, in nhãn mác, bao bì, đăng ký tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Với sự hỗ trợ của Chi cục PTNT, các chủ thể OCOP được hỗ trợ một phần kinh phí để thực hiện các khâu quan trọng trong quá trình xây dựng hoàn thiện sản phẩm OCOP. Được biết, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hùng Anh đã có hai sản phẩm là trà thất tiên thảo và trà trinh nữ được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
 
Hai sản phẩm cũng đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 22000:2018, được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Bình quân mỗi năm, HTX cung ứng cho thị trường 35 tấn sản phẩm thành phẩm. Các sản phẩm cũng được giới thiệu, bán tại sàn thương mại điện tử lớn trong cả nước như Lazada, Co.opmart, Vinmart, Vỏ Sò (voso.vn), Viettelpost… Năm 2022, HTX tham gia nâng hạng sao OCOP cho hai sản phẩm trà thất tiên thảo và trà trinh nữ, đồng thời đăng ký dự thi đối với hai sản phẩm trà diệp thảo đan và bột rau sắng.
 
Có thể thấy chính sách hỗ trợ đã góp phần quan trọng giúp các chủ thể hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Tuy vậy, trên thực tế, nhu cầu hỗ trợ của chủ thể thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách lớn nhưng số vốn được phân bổ còn hạn chế. Năm 2022 không có nguồn lực được phân bổ để thực hiện nội dung tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu. Bên cạnh nội dung hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống ISO cho sản xuất, một số chủ thể có nhu cầu hỗ trợ các chứng nhận tương đương như Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP), chứng nhận của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA)… tuy nhiên chính sách lại không quy định.
 
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các chủ thể thực hiện chương trình OCOP, cần tăng nguồn lực hỗ trợ, phân bổ nguồn vốn sớm ngay từ đầu năm để các đơn vị chủ động trong quá trình triển khai thực hiện, thuận lợi cho quá trình lựa chọn đối tượng hỗ trợ…
 
Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hoàng Minh Trí cho biết: “Hiện nay, chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại chương trình OCOP quy định tại Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, nội dung chi và định mức chi áp dụng theo Thông tư số 171/TT2014/TT-BTC ngày 14/11/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, trong đó không có nội dung tổ chức tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu trong nước. Vì vậy, năm 2023 và những năm tiếp theo, chi cục đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính trình UBND tỉnh quan tâm phân bổ kinh phí thực hiện nội dung tham gia các hội chợ, hoạt động kết nối cung cầu để đơn vị có cơ sở thực hiện”.
 
Phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, vật nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh theo nghị quyết của HĐND tỉnh trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP về chính sách hỗ trợ. Nắm bắt nhu cầu thực tế cũng như khó khăn, vướng mắc của chủ thể khi tham gia chương trình, hoàn thiện sản phẩm để có hướng hỗ trợ kịp thời, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP địa phương.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập25
  • Hôm nay1,563
  • Tháng hiện tại36,265
  • Tổng lượt truy cập9,585,850
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây