Thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững

Thứ tư - 07/12/2022 05:08
Trên hành trình đổi mới và phát triển của đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã xác định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển, cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Ngày 1/12/2022, Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Chương trình hành động số 47-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Đây thực sự là định hướng quan trọng để thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển năng động, hiệu quả, bền vững, đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng của tỉnh, góp phần xây dựng nông thôn mới và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Giới thiệu sản phẩm của HTX Tiêu Cùa, Cam Lộ - Ảnh: Đ.T
Giới thiệu sản phẩm của HTX Tiêu Cùa, Cam Lộ - Ảnh: Đ.T

Xử lý hài hòa nhiều lợi ích

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, kinh tế tập thể phát triển khá đa dạng, lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, đồng thời coi trọng lợi ích về chính trị, văn hóa, xã hội. Tính đến tháng 10/2022, toàn tỉnh có 311 hợp tác xã (HTX), trong đó có 287 HTX nông nghiệp và 24 HTX phi nông nghiệp.

Bên cạnh đó còn có 1 liên hiệp HTX, 2.660 tổ hợp tác (THT), trong đó có 912 THT được chứng thực. Tổng số thành viên tham gia các tổ chức kinh tế tập thể là 120.588 thành viên, trong đó 90.588 thành viên HTX và 30.000 thành viên THT, chiếm khoảng 18,6% dân số tham gia.

Doanh thu bình quân năm 2021 đạt gần 200 triệu đồng/THT; gần 10 tỉ đồng/HTX. Về phân loại HTX có 59% HTX xếp loại tốt, khá, 19% HTX có tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, 7% HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Đức Thuấn, đến nay, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vai trò của HTX nông nghiệp trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã được nâng cao. Hạ tầng nông thôn phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống người dân.

Nhìn chung, các HTX nông nghiệp trong tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các khâu dịch vụ. Nhiều HTX đã mở thêm một số loại hình dịch vụ mới mang lại hiệu quả cao, có mô hình liên doanh, liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên.

Toàn tỉnh hiện có 18 sản phẩm của 13 HTX, 3 THT được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao; trên 11 sản phẩm của THT, HTX, liên hiệp HTX được đưa lên cổng thông tin giới thiệu sản phẩm của Liên minh HTX Việt Nam...

Đa số các HTX thực hiện tốt việc đầu tư mua sắm, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và thực hiện những chương trình, dự án của nhà nước hỗ trợ cho nông dân. Tích cực thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa chuyên sâu, bền vững, nâng cao giá trị thu nhập.

Đây còn là lực lượng nòng cốt tham gia đóng góp vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn, như huy động sự đóng góp của thành viên về tiền và ngày công, đảm nhận kiên cố hóa hệ thống kênh mương, bê tông hóa các trục đường giao thông nông thôn, lắp đặt đèn đường, góp phần làm thay đổi diện mạo các vùng quê.

Qua đó góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

“Luồng gió mới” từ HTX kiểu mới

Những năm qua, số lượng HTX mặc dù không tăng mạnh, nhưng việc rà soát lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012 đã làm tinh gọn bộ máy, nâng cao vai trò của cán bộ quản lý HTX. Toàn tỉnh hiện có 52 HTX được công nhận HTX kiểu mới.

Bước đầu đã hình thành được một số HTX kiểu mới theo hướng liên doanh - liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hoá cho thành viên. Các HTX nông nghiệp đã mạnh dạn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Trên địa bàn tỉnh có 7% HTX đang ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hiện nay, nhiều sản phẩm đã có mặt trên hệ thống chuỗi siêu thị, thương mại điện tử, mở ra hướng tiêu thụ ổn định. Đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động đúng bản chất và đưa lại hiệu quả kinh tế.

Nhiều HTX chuyên ngành được ưu tiên tập trung phát triển để tạo ra sản phẩm như hồ tiêu, cà phê, sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao, cao dược liệu, chăn nuôi lợn, gà, canh tác lúa theo hướng tự nhiên, hữu cơ...

Các HTX này đã tìm được hướng đi phù hợp, phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với sản phẩm có lợi thế, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chú trọng thị trường tiêu thụ và định hướng phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Điển hình có HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa với sản phẩm cà phê hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết với doanh nghiệp vừa là thành viên vừa là đối tác tiêu thụ đầu ra cho HTX; HTX Hồ tiêu Vĩnh Linh xây dựng thương hiệu sản phẩm với quy mô toàn huyện, liên kết với hầu hết các hộ sản xuất hồ tiêu để cùng xây dựng nhãn hiệu tập thể, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Một số HTX lại chú trọng phát triển sản phẩm theo hướng hữu cơ, canh tác tự nhiên như HTX Nông sản sạch Triệu Phong với sản phẩm gạo sạch, HTX Chăn nuôi gà Triệu Thượng, HTX chăn nuôi gà Tứ Hải với sản phẩm gà sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhiều HTX mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm như sản xuất rau thủy canh, dưa lưới, ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi lợn…

Một số mô hình HTX, liên hiệp HTX thành công bằng phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị như mô hình liên kết trồng chanh leo giữa HTX kinh doanh và dịch vụ nông sản Tây Vĩnh Thủy và Công ty Nafoods Tây Bắc, mô hình liên kết gạo sạch canh tác tự nhiên Triệu Phong có chứng nhận hữu cơ với Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị…

Thông qua HTX, THT, những sản phẩm có lợi thế, chủ lực, sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương như lúa chất lượng cao, cà phê, cao su, dược liệu, chăn nuôi lợn, bò; chế biến thủy, hải sản, rừng có chứng chỉ FSC và nhiều sản phẩm OCOP đã được gắn sao, công nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống, góp phần nâng cao giá trị, uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường.

Quá trình này cũng tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Hình thành cơ chế chính sách khuyến khích mạng lưới thương lái phát triển làm đầu mối thu mua, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, nông dân…

Cần một sự chuyển dịch tích cực hơn

Trong Chương trình hành động số 47-CTr/TU đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 toàn tỉnh có khoảng 400 HTX, trong đó tối thiểu 60% số HTX xếp loại khá, tốt; có ít nhất 50% tổ chức kinh tế tập thể có tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đến năm 2045 phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; bảo đảm 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết.

Chương trình hành động số 47-CTr/TU nhấn mạnh 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trước hết là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách của địa phương về khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể.

Tăng cường thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị- xã hội, xã hội- nghề nghiệp và Liên minh HTX tỉnh đối với phát triển kinh tế tập thể.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Đức Thuấn cho biết thêm, xu hướng trong thời gian tới là phát triển mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa của địa phương. Phát triển hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phù hợp với quy hoạch định hướng của địa phương.

Chuyển đổi phương thức sản xuất từ sản xuất sản phẩm phục vụ tiêu dùng sang sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường. Sản xuất hàng hóa nông sản theo tiêu chuẩn và đạt các điều kiện OCOP. HTX cần mạnh dạn chuyển đổi từ trông chờ sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước sang kêu gọi, thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực HTX ưu tiên phát triển.

HTX cần chuyển đổi bản chất hoạt động từ sản xuất sang tổ chức sản xuất, từ phục vụ sang dịch vụ sản xuất. Trong xu thế hiện nay, điều quan trọng là HTX phải gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế, chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp để phát triển hiệu quả, bền vững.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay11,011
  • Tháng hiện tại126,521
  • Tổng lượt truy cập8,536,163
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây