Người đầu tiên nuôi cá chình bông và trồng rau thủy canh trong hệ aquaponics

Thứ hai - 14/11/2022 20:14
Ở Quảng Trị, cá chình không phải là đối tượng nuôi mới, nhưng đầu tư ứng dụng công nghệ cao nuôi cá chình bông và trồng rau thủy canh trong hệ aquaponics khép kín là hình thức, quy trình nuôi hoàn toàn mới. Mô hình quy mô đầu tiên được thử nghiệm vào tháng 12/2021 tại hộ anh Tạ Quang Hưng, thôn Huỳnh Công Đông, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh. Mô hình đã nhận sự hỗ trợ về kiến thức, kỹ thuật, nguồn vốn từ huyện Vĩnh Linh với định hướng xây dựng nên phương thức nuôi trồng thủy sản chất lượng cao tại địa phương.
Đặc tính cá chình bông phát triển trong môi trường ánh sáng yếu nên anh Tạ Quang Hưng thường cho cá ăn vào sáng sớm hoặc chiều tối.
Đặc tính cá chình bông phát triển trong môi trường ánh sáng yếu nên anh Tạ Quang Hưng thường cho cá ăn vào sáng sớm hoặc chiều tối.
 
Từ năm 2016, qua tìm hiểu, thấy loại cá chình ngày càng được thị trường ưa chuộng, lại có giá trị thương phẩm cao 450- 500 ngàn đồng/kg, anh Tạ Quang Hưng đã bắt đầu nuôi thử cá chình bông theo phương pháp truyền thống trên diện tích 3.500m2 ao đất của gia đình. Tuy nhiên quá trình nuôi, anh Hưng nhận thấy nhiều nhược điểm. Vì nuôi trong ao đất nên không kiểm soát được số lượng cá; chất thải của cá. Cá chình bông ăn tạp, thức ăn được hấp thụ sẽ thải ra lượng phân hữu cơ chứa nhiều tạp chất, nhất là lượng lớn NH3, C02, loại khí này rất độc và khó khoách tán, phân hủy, dễ làm ô nhiểm nguồn nước nuôi dẫn đến gây sốc khí độc làm chết cá trong thời gian ngắn. Quyết tâm tìm hướng nuôi cá chình bông khoa học hơn, anh Hưng tiếp tục tìm tòi, nhờ đến sự tư vấn của cán bộ ngành nông nghiệp huyện và trực tiếp trao đổi kinh nghiệm, cùng các thạc sỹ, kỹ sư thuộc Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh nghiên cứu, xây dựng đề tài: “Ứng dụng mô hình nuôi cá chình bông và trồng rau thủy canh trong hệ aquaponics”. Xét tính khả thi của đề tài, từ ngân sách sự nghiệp khoa học, huyện Vĩnh Linh đã hỗ trợ trên 130 triệu đồng; anh Hưng đối ứng gần 200 triệu đồng đầu tư triển khai mô hình nuôi cá chình bông và trồng rau thủy canh trong hệ aquaponics vào tháng 9/2021.

Chủ nhiệm đề tài “Ứng dụng mô hình nuôi cá chình bông và trồng rau thủy canh trong hệ aquaponics”, Thạc sỹ Khoa học cây trồng, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh Lê Thị Hiền Lương cho biết, aquaponics đã được nhiều nghiên cứu đánh giá là mô hình thủy sản bền vững. Thuật ngữ aquaponics ghép từ aquaculture- nuôi trồng thủy sản và hydroponics- trồng cây thủy canh trong môi trường khép kín với sự tham gia của hệ vi sinh vật. Kết hợp nuôi cá và trồng rau, cơ chế hoạt động của mô hình dựa trên quy tắc lọc sinh học. Khi vận hành hệ thống, máy bơm đặt ở đáy bể hút lượng nước có chứa phân thải cá và tạp chất 24/24h qua hệ thống lọc thô để loại bỏ bớt tạp chất chậm phân hủy. Nước được qua hệ thống lọc thô sẽ chuyển qua tiếp hệ thống lọc sinh học. Nước thải từ bể cá có chứa thức ăn thừa là nguồn dinh dưỡng được đưa lên giàn tưới để rau sinh trưởng và phát triển; bồn rau lúc này như một hệ thống lọc sinh học trao đổi tuần hoàn, hấp thu chất thải từ bể cá, đồng thời trả lại nước sạch vào môi trường có lợi cho sự phát triển của cá.

Bắt tay thiết kế, xây dựng, hệ thống aquaponic của anh Tạ Quang Hưng dần hoàn thiện với tổng diện tích gần 80 m2, quy mô gồm 1 bể nuôi cá, 2 bể lọc nước sinh học, 1 giàn rau thủy canh trong nhà kính. Anh Hưng cho hay hệ thống này đầu tư 1 lần có thể sử dụng lên đến 20 năm. Tháng 12/2021, anh Hưng chính thức thả nuôi 520 con giống cá chình bông trọng lượng 100 g/con nhập từ Công ty Nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân, tỉnh Khánh Hòa. Song song gieo trồng gần 15 kg giống rau gồm: diếp cá, hành lá, xà lách, cải Kale, rau muống, mồng tơi… là nhóm rau phổ biến, nhu cầu tiêu dùng cao. Anh Tạ Quang Hưng cho biết: “Nuôi cá trong hệ aquaponics này đã khắc phục các nhược điểm nuôi truyền thống khi kiểm soát được lượng cá; giữ nước không bị ô nhiễm, không phải thay một lượng nước lớn hàng ngày cho cá; đảm bảo độ PH, hàm lượng oxi; hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; an toàn với môi trường; thích ứng điều kiện biến đổi khí hậu. Hơn thế tiết kiệm diện tích nuôi trồng và những chi phí khác, đặc tính của cá chình bông sợ ánh sáng, ăn ban đêm, ngủ ban ngày nên ít tốn công chăm sóc. Lượng thức ăn cá chình bông cần ít hơn các loại cá khác, chỉ 3 - 5% trọng lượng cơ thể. Ngoài thức ăn công nghiệp kèm lượng muối khoáng, vi lượng, vitamin, tôi tự nuôi trùn quế bổ sung thêm dinh dưỡng cho cá. Khi thu hoạch vừa được cả cá và rau đạt chất lượng an toàn thực phẩm. Do đó sẽ nâng cao năng suất trên cùng một diện tích canh tác”.

Anh Tạ Quang Hưng và chị Lê Thị Hiền Lương kiểm tra hệ thống rau sạch theo mô hình nuôi cá chình bông và trồng rau thủy canh trong hệ aquaponics.

Sau hơn 10 tháng chăm sóc, quản lý hệ thống aquaponics, đến nay, cá chình bông thuộc mô hình của anh Hưng thích nghi tốt với hình thức nuôi mới cũng như điều kiện sinh thái địa phương. Cá phát triển ổn định, đồng đều, tỷ lệ sống gần 80%, trọng lượng đạt 500 - 600g/ con. Riêng các loại rau đã cho thu hoạch nhiều vụ đạt khoảng 1.000 kg, giá bán 20 ngàn đồng/kg. Dự kiến đủ 18 tháng thả nuôi, vào tháng 6/2023, cá chình bông sẽ cho thu hoạch. “Uớc tính, thời điểm đó cá đạt trung bình 1,5 kg/con thì sản lượng đạt trên 620 kg. Toàn bộ sản phẩm cá chình bông sẽ được cơ sở phân phối tại tỉnh Quảng Bình thuộc Công ty Nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân, tỉnh Khánh Hòa cam kết bao tiêu với giá thu mua theo thị trường khoảng 500 ngàn đồng/kg loại 1,2- 1,5kg. Riêng rau đạt hơn 2.000 kg. Như vậy, trừ các chi phí, không bao gồm hệ thống aquaponics đầu tư ban đầu, mô hình cho thu lãi ít nhất 200 triệu đồng ngay vụ cá đầu tiên”, anh Hưng tự hoạch tính.
Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Vĩnh Linh Lê Thị Hiền Lương cho biết thêm, theo kế hoạch, huyện Vĩnh Linh sẽ tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả mô hình, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, giải pháp để hoàn thiện thiết kế hệ thống, quy trình nuôi cá chình bông, trồng rau thủy canh trong hệ aquaponics. Sau đó định hướng nhân rộng đối với những địa bàn thực sự có nhu cầu tiếp cận mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt ngay ở vùng đô thị với quỹ đất hạn hẹp, các hộ gia đình có thể tận dụng không gian trống để áp dụng mô hình. Từ đó góp phần phát triển đối tượng nuôi mới, hình thức nuôi mới, hạn chế được rủi ro, dịch bệnh, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm và hiệu qủa kinh tế trong nuôi trồng thủy hải sản.

Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử huyện Vĩnh Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập26
  • Hôm nay1,564
  • Tháng hiện tại36,266
  • Tổng lượt truy cập9,585,851
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây