Xác định “chìa khóa” để nâng cao sức cạnh tranh, nhiều năm qua, HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Quỹ ở xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, đã có sự đổi mới về phương thức hoạt động.
Mặc dù hoạt động trên địa bàn thấp trũng, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng nhờ sự chủ động, linh hoạt trong điều hành, quản lý của hội đồng quản trị và ban giám đốc nên sản phẩm dịch vụ hỗ trợ thành viên của HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Quỹ ngày càng phong phú, đa dạng, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên, đồng thời góp phần xây dựng NTM ở địa phương.
Trong số 10 gói dịch vụ HTX đang cung cấp, có những dịch vụ kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao như: Dịch vụ dịch vụ giống cây trồng, cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, vật tư phân bón, bao tiêu sản phẩm, kinh doanh thức ăn gia súc… Có những dịch vụ HTX đặt ra không nhằm mục đích lợi nhuận kinh tế mà chỉ mang tính phục vụ và hỗ trợ thành viên HTX như: dịch vụ bảo vệ sản xuất, thuốc thú y, thu gom rác thải… Chính sự đan xen các gói dịch vụ mà HTX đã mang lại sự hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường xã hội, tạo sự gắn kết khăng khít giữa các thành viên với HTX cũng như với địa phương.
Tính đến ngày 15/9/2022, toàn tỉnh có 322 HTX và 1 Liên hiệp HTX hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012. Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh, nhìn chung, hoạt động của các HTX trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả. Một số mô hình sản phẩm mới của các hộ, nhóm hộ gia trại ở các địa phương trong tỉnh đang được duy trì, phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững như: trồng cây dược liệu An Xoa xuất khẩu ở huyện Cam Lộ; du lịch sinh thái cộng đồng ở các huyện Hướng Hóa, Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh…; gia trại, trang trại nấm; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư; cánh đồng mẫu lớn gắn với sản xuất hàng hóa chất lượng cao; sản xuất hàng hóa công nghiệp như tổ gia công tóc giả, tổ gia công may mặc…
Cũng theo Liên minh HTX tỉnh, 9 tháng đầu năm 2022, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của mưa dài ngày, gây ngập úng kéo dài. Hơn 11.600 ha lúa bị ngập úng, đổ rạp, nguy cơ mất trắng; gần 3.100 ha ngô và hơn 2.100 ha hoa màu bị đổ ngã, hư hại; hàng trăm hec ta diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại đã ảnh hưởng lớn đến môi trường chăn nuôi của người dân, nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh cao.
Bên cạnh đó, nhiều kilomet kênh mương nội đồng đã bị sạt lở, cuốn trôi với tổng mức thiệt hại do mưa lũ gây ra ước tính gần 800 tỉ đồng. Sau thiên tai, được sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, các HTX nông nghiệp đã tổ chức điều hành, khắc phục hậu quả, sửa chữa kênh mương, giao thông nội đồng, hỗ trợ, ổn định sản xuất cho thành viên.
Đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã thực sự trở thành lực lượng nòng cốt tham gia đóng góp vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn như kiên cố hóa hệ thống giao thông nội đồng, kiên cố hoá kênh mương thủy lợi và giao thông nông thôn, xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa, phúc lợi tại cộng đồng dân cư, trực tiếp hoàn thành tiêu chí 13 trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, nông thôn kiểu mẫu ở từng địa phương; gián tiếp hoàn thành các tiêu chí còn lại.
Thời gian tới, nhằm tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX gắn với xây dựng NTM và cơ cấu ngành nông nghiệp, Liên minh HTX tỉnh sẽ tập trung triển khai, tổ chức thực hiện các chính sách nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh. Quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các HTX từ việc tiếp cận các nguồn vốn, đất đai xây dựng cơ sở vật chất để sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến quảng bá sản phẩm, đào tạo nghề cho thành viên và người lao động.
Tập trung hỗ trợ các HTX tìm kiếm thị trường; huy động mọi nguồn vốn để đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ; tổ chức cho các HTX, tổ hợp tác tham gia vào các chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.