Bắt đầu tham gia chương trình OCOP từ năm 2019, đến nay Công ty TNHH Nhiên Thảo đã có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 - 4 sao gồm: nước lau sàn bồ hòn, cao bồ kết thảo dược, xịt dưỡng tóc dầu bưởi, bồ kết túi lọc và nước súc miệng thảo dược.
Chị Trần Thị Mỹ Dung, Giám đốc Công ty TNHH Nhiên Thảo cho biết, khi tham gia chương trình OCOP, ngoài nhận được sự hỗ trợ về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm, sản phẩm còn được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO. Qua đó khẳng định ưu thế vượt trội của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cũng như dễ dàng tiếp cận được các chuỗi bán lẻ, vào các siêu thị lớn.
Còn với Cơ sở sản xuất thực phẩm Vạn Linh sau khi đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2019 với sản phẩm bún sạch Vạn Linh, đến năm 2021, cơ sở tiếp tục có thêm sản phẩm bột bánh canh tươi đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Anh Nguyễn Đăng Tôn Cảnh, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm Vạn Linh chia sẻ, do đây là chương trình có quy mô toàn quốc, có sức lan tỏa lớn nên các sản phẩm khi đạt chứng nhận OCOP thì sẽ tạo được niềm tin cho khách hàng.
Chủ thể sản phẩm OCOP cũng thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn, được hỗ trợ máy móc, công nghệ, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại kết nối cung cầu, các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, hội chợ, triển lãm. Đặc biệt, sản phẩm OCOP khi ký kết được với các kênh bán lẻ, các siêu thị sẽ được ưu tiên có điểm trưng bày riêng thuận lợi cho việc tiếp cận với người tiêu dùng. Qua đó giúp tăng cao doanh số sản phẩm.
Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (PTNT), đến hết tháng 9/2022, toàn tỉnh đã có 90 sản phẩm của 51 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 72 sản phẩm 3 sao và 18 sản phẩm 4 sao. Các chủ thể OCOP bao gồm 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 12 HTX, 4 tổ hợp tác, 20 hộ sản xuất, kinh doanh. Các sản phẩm OCOP chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm với 79 sản phẩm, 8 sản phẩm thảo dược, 2 sản phẩm thủ công mỹ nghệ và 1 sản phẩm đồ uống.
Hầu hết các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP đều mở rộng được thị trường, hệ thống mạng lưới tiêu thụ rộng khắp trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm OCOP đã được đăng bán trên các sàn giao dịch điện tử, ký kết được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các chuỗi bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên toàn quốc.
Đến nay đã có trên 90% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso. vn, có 3 doanh nghiệp đã lên sàn thương mại điện tử Alibaba gồm Công ty TNHH MTV Từ Phong, Công ty TNHH dược liệu hữu cơ An Xuân và Công ty CP nông sản hữu cơ Quảng Trị. Tổng doanh thu bán sản phẩm của các chủ thể OCOP đạt trên 98,7 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hoàng Minh Trí, bên cạnh những kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2021 vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: tỉ lệ hộ sản xuất, kinh doanh tương đối cao (chiếm 39%) trong khi đây là chủ thể chương trình OCOP không khuyến khích nhiều vì năng lực sản xuất còn nhỏ lẻ, năng lực quản trị hạn chế, khó thích ứng với cơ chế thị trường; nhiều sản phẩm có tiềm năng, có thế mạnh như sản phẩm thủy, hải sản chưa được phát triển và tham gia chương trình; số lượng chủ thể áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến còn thấp (dưới 30%), chưa có chủ thể xây dựng các chứng nhận quản lý chất lượng quốc tế; chưa có sản phẩm OCOP 5 sao…
Ông Trí cho biết thêm, với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP, trên cơ sở kết quả đã đạt được, UBND tỉnh đang xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2022 - 2025 với mục tiêu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 100 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Trong đó có ít nhất 2 - 3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 1 - 2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Ưu tiên phát triển các HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu mỗi năm có thêm 4 - 6 HTX có sản phẩm OCOP; đến cuối năm 2025 có ít nhất 40% chủ thể OCOP là HTX và 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Có ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ít nhất 30% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của tỉnh; ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; sàn giao dịch thương mại điện tử…); mỗi huyện, thị xã có 1 - 2 điểm bán hàng OCOP, riêng thành phố Đông Hà có 8 - 10 điểm bán hàng OCOP.
Phạm vi triển khai của chương trình trên toàn tỉnh. Chủ thể thực hiện là các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch ngoài các đối tượng trên có thể bao gồm các hội/hiệp hội, trung tâm điều hành hoặc tổ chức tương đương. Sản phẩm OCOP bao gồm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương; đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.
Nguồn vốn thực hiện chương trình bao gồm vốn ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; ngân sách cấp huyện; vốn tín dụng; vốn của các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tự huy động; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án và vốn huy động hợp pháp khác. “Đây là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa chương trình OCOP của tỉnh, tạo tiền đề cho sản phẩm OCOP vươn xa cả về chất lượng và số lượng sản phẩm”, ông Trí khẳng định.