Tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Đakrông

Thứ tư - 26/10/2022 05:54
Thời gian qua, huyện Đakrông từng bước khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh; huy động các nguồn lực xã hội để cơ cấu lại các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương.
Lúa nếp than đang được bảo tồn, phát triển ở xã A Ngo - Ảnh: K.S
Lúa nếp than đang được bảo tồn, phát triển ở xã A Ngo - Ảnh: K.S
 
Sau hơn 5 năm triển khai thực Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 1/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và Chương trình hành động số 57-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy “Về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”, cơ bản các mục tiêu thực hiện nghị quyết trên địa bàn huyện đạt kế hoạch đề ra, tạo chuyển biến tích cực, hiệu quả trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.
 
Trong trồng trọt, huyện tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, xác định cây, con chủ lực có lợi thế theo từng vùng phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến nông sản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích. Kết quả, giai đoạn 2017 - 2021, diện tích gieo trồng lúa bình quân hằng năm của huyện đạt 959,3 ha (đạt 96% kế hoạch), năng suất tăng đều qua các năm và bình quân đạt 43,19 tạ/ha, đạt kế hoạch đề ra.
 
Toàn huyện có 50% diện tích lúa sử dụng các giống xác nhận, giống ngắn ngày và 400 ha lúa chất lượng cao. Diện tích gieo trồng lúa rẫy bình quân hằng năm đạt 980,9 ha (đạt 100% kế hoạch). Một số diện tích ngô kém hiệu quả chuyển sang trồng sắn, trồng rừng. Diện tích trồng lạc và đậu các loại cơ bản đạt kế hoạch, khoảng 500 ha. Đã thực hiện chuyển đổi 128,77 ha đất trồng lúa thiếu nước hiệu quả thấp sang trồng ngô và đậu xanh.
 
Nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện đã thành lập các tổ hợp tác, nhóm hộ và tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Quy hoạch, xây dựng và tổ chức thí điểm một số dự án sản xuất gắn với chế biến, ổn định thị trường tiêu thụ như: dứa, lạc, chuối, sả... Đối với cây lạc, tiếp tục phát triển vùng chuyên canh tập trung, sản xuất hàng hóa ở các xã Triệu Nguyên, Ba Lòng, trong đó tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, đưa lạc trở thành sản phẩm OCOP của huyện.
Đối với cây chuối lùn, xây dựng và nhân rộng mô hình trồng theo nhóm hộ từ nguồn vốn chương trình 30 a, 135, xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn khác để khôi phục và phát triển lại giống chuối lùn đặc sản của địa phương. Tính đến nay, diện tích trồng chuối đạt 70 - 80 ha tập trung tại các xã A Vao, Tà Rụt, A Bung, A Ngo và mang lại hiệu quả cho người dân. Mô hình trồng cây dược liệu sâm Bố Chính có quy mô 2 ha tại xã Triệu Nguyên bước đầu phát huy hiệu quả và hiện nay đang được người dân duy trì, nhân rộng. Ngoài ra, thời gian qua đã đưa vào thử nghiệm trên địa bàn một số loại giống mới có hiệu quả như: giống lạc đỏ trồng tại xã Triệu Nguyên; các loại giống lúa mới như: VNR20, dự hương 8, ĐD2...
 
Cùng với đó, huyện chú trọng đến cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi phát triển toàn diện theo hướng hàng hóa; đẩy mạnh phát triển mô hình chăn nuôi tập trung gia trại, trang trại có liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo chuỗi giá trị trong sản xuất. Giai đoạn 2017 - 2021, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 12,55%/năm, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng bình quân 8,75%/năm. Hiện tại người dân có xu hướng phát triển đàn lợn Vân Pa theo hình thức gia trại vừa cung cấp con giống, vừa cung cấp lợn thịt do giá lợn hơi Vân Pa cao, ít biến động và nhu cầu của thị trường tiêu thụ ngày càng tăng.
 
Đàn dê tăng bình quân 4,72%/năm, từ 7.270 con năm 2017 lên 8.746 con năm 2021 nhờ nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án và tăng sinh học. Tổng đàn gia cầm tăng từ 78.200 con năm 2017 lên 99.100 con năm 2021. Bên cạnh các vật nuôi chủ lực, một số hộ trên địa bàn đã phát triển một số giống vật nuôi mới như: Thỏ, hươu sao, ong... là những hướng đi mới trong sản xuất chăn nuôi và tận dụng được lợi thế của địa phương. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng và bảo vệ rừng nhằm phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn.
 
Trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, vai trò chủ thể của người dân được phát huy, người dân tích cực hơn trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều chuyển biến. Toàn huyện đã huy động được hơn 119,856 tỉ đồng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, chủ yếu đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống. Đến nay, huyện có 1 xã đạt chuẩn NTM. Tổng số tiêu chí đạt được đến cuối năm 2017 là 87 tiêu chí, bình quân đạt 6,69 tiêu chí/xã; năm 2021 đạt 123 tiêu chí, bình quân đạt 10,25 tiêu chí/xã.
 
Trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển thị trường và thúc đẩy tiêu thụ đối với các nhóm sản phẩm chủ lực, có tiềm năng. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị thông qua phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác có liên kết sản xuất với người dân.
 
Tiếp tục triển khai chương trình xây dựng NTM theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế tập thể, nhất là đối với HTX nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Thúc đẩy HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, tham gia xây dựng sản phẩm OCOP, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay1,845
  • Tháng hiện tại36,547
  • Tổng lượt truy cập9,586,132
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây