Hiệu quả từ hoạt động hỗ trợ nhà nông ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng lạc

Thứ năm - 26/04/2018 04:08
Xác định thôn Quật Xá, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị là vùng trọng điểm trồng cây lạc, nơi đây điều kiện tự nhiên, khí hậu và thời tiết phù hợp với phát triển của cây lạc, mang lại nguồn thu nhập chính cho người nông dân. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế từ nông nghiệp sạch, Hội Nông dân xã Cam Thành tích cực hỗ trợ bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lạc mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần trong công tác giảm nghèo và thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Trồng lạc ở thôn Quật Xá, xã Cam Thành.
Trồng lạc ở thôn Quật Xá, xã Cam Thành.
         Muốn nâng cao chất lượng, hiệu quả trồng lạc, trước hết Hội Nông dân xã tập trung  hoạt động hỗ trợ nhà nông ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng lực cho hội viên về trồng lạc. Hội mở các lớp tập huấn quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hoạch và bảo quản cây lạc, chọn giống, xây dựng hệ thống tưới tiêu, phân bón,...quy trình canh tác tiên tiến, biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trên cây lạc, lên luống, tưới nước bằng phương pháp rãnh, áp dụng kỹ thuật trồng lạc che phủ ni lông nhằm tăng nhiệt độ đất khi trời rét để phòng, chống rét và hạn chế sự bốc hơi nước, tăng khả năng giữ ẩm lúc gặp hạn, rút ngắn thời gian sinh trưởng của lạc... nên cây lạc không những thích ứng được với khí hậu rét đậm, rét hại mà còn phát triển tốt trong điều kiện nắng nóng kéo dài, cho năng suất cao. Hội còn tổ chức cho bà con tham quan học tập mô hình trồng lạc phủ bạt, hệ thống tưới tiêu hiện đại,  hội viên  nông dân được học hỏi qua việc giới thiệu mô hình, thực tiễn, qua đó không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng lạc chất lượng mang lại giá trị kinh tế cao.
          Hội còn hướng dẫn bà con thực hiện quản lý sử dụng tổng hợp tài nguyên đất, nước để sản xuất lạc hiệu quả, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Được sự hỗ trợ của  Hội Khoa học và Kỹ thuật huyện Cam Lộ về Dự án  “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, sử dụng tổng hợp tài nguyên đất, nước để sản xuất lạc hiệu quả, bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu tại huyện Cam Lộ”. Hội Nông dân xã vận động bà con tham gia thực hiện dự án để nâng cao chất lượng, hiệu quả cây trồng, đã xây dựng mô hình thí điểm trồng lạc mới tại hơn 30 hộ, sau đó nhân rộng toàn địa bàn thôn Quật Xá. Nhiều hộ chuyển đổi từ đất trồng khó tưới, kém hiệu quả  sang trồng lạc, tạo cánh đồng lạc mẫu lớn. Đến nay có 100 hộ theo nghề trồng lạc với cánh đồng lạc trải dài hơn 30 ha. Trước  đây do chưa nắm vững quy trình sản xuất nên chất lượng lạc kém, hạt lép và nhỏ khá nhiều, năng suất chỉ đạt khoảng 10 tạ/sào. Từ những kiến thức, kỹ thuật đã được chuyển tải, nhiều hộ đã mạnh dạn  áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lạc nên năng suất bình quân đạt hơn 25 tạ/ha.
         Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Cam Lộ, năm 2011, Hội Nông dân xã Cam Thành hỗ trợ, khuyến khích hội viên nông dân mở rộng diện tích trồng lạc bằng phương pháp phủ ni-lông đã thành công; thí điểm mô hình trồng lạc bằng phương pháp thử mật độ theo kỹ thuật mới 43 - 45 củ/m2 thay cho mật độ truyền thống 32 củ/m2, thí điểm mô hình trồng lạc trên luống và xen canh ngô, trồng giống lạc mới KT 10, lạc chùm...Từ vận động hội viên trồng lúa sang trồng lạc, xen canh trồng ngô theo đúng kỹ khoa học kỹ thuật đã hạn chế tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để trừ cỏ trước khi làm đất sang niên vụ mới, bảo vệ được môi trường vi sinh vật có ích trong đất, đồng thời tiết kiệm được 8.000 - 10.000m3 nước để sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Là địa hình bán sơn địa, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào năng lực tưới của các công trình thuỷ lợi và tình hình thời tiết, trong khi hệ thống thuỷ lợi nhỏ, các hồ chứa, đập dâng ở dung tích chứa nhỏ nên rất dễ bị khô hạn. Vì vậy, Hội Nông dân xã vận động bà con tích cực thực hiện tưới tiết kiệm cho cây lạc sử dụng hệ thống nước tưới của các dự án kênh mương thủy lợi để phục vụ tưới nhỏ giọt. Qua việc hướng dẫn, áp dụng phương pháp, khoa học kỹ thuật mới cho thấy có nhiều ưu điểm so với hình thức canh tác truyền thống là giảm bớt sức lao động nặng nhọc, đẩy nhanh thời vụ và hoàn thiện quy trình chăm bón cây trồng, lạc mọc và phân cành sớm nên rút ngắn được thời gian sinh trưởng, tránh được rét đầu vụ và hạn cuối vụ, tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Năng suất lạc đạt 30,5 tạ/ ha, cao hơn không trồng phủ bạt 5,3 tạ/ ha, năng suất tăng khoảng 26 tạ/sào. Từ khi chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng lạc có tưới và gối vụ ngô thu đông theo hình thức luân canh lạc đông xuân - lạc hè thu - ngô đông xuân thì thu nhập tăng lên 190 triệu đồng/ha/năm, có hộ đạt 210 triệu đồng/ha/năm.
           Nói đến hiệu quả việc trồng lạc theo kỹ thuật mới, ông  Hoàng Minh, ở thôn Quật Xá, xã Cam Thành cho biết: "Từ khi được hội Nông dân xã tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng lạc phủ bạt, mật độ theo kỹ thuật mới, trồng lạc trên luống và xen canh ngô với  giống lạc mới KT 10, lạc chùm đã tăng năng suất, chất lượng cây lạc, cho thu nhập cao hơn, bà con nông dân ở đây rất phấn khởi”. Bà Nguyễn Thị Lan một hội viên nông dân cho biết: “ Gia đình tôi trồng hơn ba mẫu lạc, nhờ áp dụng kỹ thuật, tăng cường đầu tư chăm sóc nên năng suất lạc có vụ đạt tới gần 30,5 tạ/ha”.
            Hoạt động hỗ trợ nhà nông ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng lạc ở thôn Quật Xá, xã Cam Thành đã đạt hiệu quả cao nên đã nhân rộng trên nhiều xã trên địa bàn huyện Cam Lộ như xã Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Thanh...Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Cam Thành tiếp tục hỗ trợ bà con áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào trồng lạc, nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng cây trồng, nâng cao đời sống cho các hộ gia đình nông dân, phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 

Tác giả bài viết: Phương Thiện

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Con số ấn tượng
75/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
16,1
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
3/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ, huyện Triệu Phong và huyện Vĩnh Linh)
16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Giang, Kim Thạch, Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh; Cam Thành, Cam Hiếu, Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thuỷ, Thanh An, huyện Cam Lộ; Triệu Đại, Triệu Trạch, Triệu Phước, huyện Triệu Phong; Hải Phú, Hải Thượng, Hải Hưng, huyện Hải Lăng)
100 thôn đạt chuẩn thôn kiểu mẫu
138 Sản phẩm OCOP
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập93
  • Hôm nay1,029
  • Tháng hiện tại31,578
  • Tổng lượt truy cập9,581,163
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây