Toàn huyện Vĩnh Linh hiện có khoảng trên 700 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm các loại. Tuy nhiên các cơ sở chăn nuôi này chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, cùng với việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi, huyện Vĩnh Linh tiến hành xây dựng các mô hình kinh tế trang trại tập trung, gia trại và xem đây là một trong những giải pháp hữu hiệu trong việc chuyển đổi sinh kế, tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân.
Thời gian đầu, các địa phương ở Vĩnh Linh còn gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung do đất đai nhỏ lẻ, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế và người dân chưa có kinh nghiệm chăn nuôi trang trại nên còn nhiều bỡ ngỡ chưa mạnh dạn đầu tư. Tuy nhiên với sự quyết tâm vào cuộc và chỉ đạo điều hành của các cấp, ngành, địa phương đã từng bước tháo gỡ vướng mắc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 4 mô hình chăn nuôi lợn tập trung, trong đó có 2 mô hình với quy mô trên 2.000 con lợn; nhiều mô hình nuôi gà thịt thả vườn, chăn nuôi kết hợp lợn - cá, lợn- gà mang lại hiệu quả kinh tế cao, hằng năm đem lại lợi nhuận từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Bắt đầu chăn nuôi từ tháng 4/2017, trang trại nuôi lợn tập trung của Công ty TNHH MTV Hùng Dung tại xã Vĩnh Hòa hiện đang nuôi trên 300 con lợn giống ngoại và 3.000 lợn con cai sữa đem lại lợi nhuận trên 1,7 tỷ đồng sau một năm hoạt động. Trang trại được đầu tư xây dựng với 4 dãy chuồng lạnh có quy mô khép kín, xử lý môi trường chăn nuôi bằng công nghệ sinh học đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Chị Nguyễn Thị Anh Đào, chủ trang trại cho biết: “Chăn nuôi theo hướng tập trung là quá trình liên kết khép kín giữa các khâu từ hệ thống chuồng trại đến chăn nuôi và lựa chọn thức ăn đều phải đảm bảo đúng kỹ thuật để tạo ra các con giống có chất lượng đồng đều và phát triển khỏe mạnh. Bên cạnh đó, việc chăn nuôi tập trung sẽ dễ dàng hơn trong việc hạn chế các dịch bệnh và đảm bảo yếu tố về môi trường”. Với diện tích 5 ha, trang trại chăn nuôi lợn thịt theo hướng thâm canh của Công ty TNHH MTV Thái Hà tại xã Vĩnh Trung được thiết kế và phân khu riêng biệt. Mỗi năm, trang trại xuất bán trên 5.000 con lợn thịt trong 2 lứa nuôi. Ngoài ra, Công ty Thái Hà cũng đã kết hợp xây dựng ao nuôi cá với diện tích 5.000m2 để tận dụng quỹ đất và phế phẩm chăn nuôi. Mô hình lợn - cá kết hợp này hằng năm đem lại lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng cho công ty.
Vận động, xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hình thức nhóm hộ gia đình cũng được coi là một trong những biện pháp để nâng cao chất lượng, hình thành nên các vùng chăn nuôi tập trung. Nhiều mô hình chăn nuôi nhóm hộ đã cho thấy ưu điểm và đang được nhân rộng tại nhiều địa phương. Trong đó điển hình như mô hình chăn nuôi bò và lợn sinh sản với sự tham gia của 18 hộ gia đình tại xã Vĩnh Thạch; mô hình chuyển đổi sinh kế từ ngành nghề sản xuất sang chăn nuôi trang trại của 10 hộ gia đình tại xã Vĩnh Thái; mô hình nuôi lợn giống và lợn thịt thương phẩm của 2 hộ gia đình tại xã Vĩnh Chấp cho thu nhập trên 600 triệu đồng/ năm... Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Lê Thị Thúy Kiều cho biết: “Chăn nuôi theo các dạng mô hình tập trung sẽ giúp người chăn nuôi vừa tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, vừa chủ động trong công tác tiêm phòng, giảm thiểu bệnh tật, hạn chế ô nhiễm môi trường và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững hơn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp. Đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện cho các mô hình chăn nuôi tập trung, chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn sinh học, hướng tới xây dựng các cơ sở nuôi an toàn dịch bệnh và đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGap”.
Năm 2018, huyện Vĩnh Linh đặt ra mục tiêu đưa tổng số đàn trâu bò đạt từ 17-18 nghìn con, đàn lợn đạt 45-46 nghìn con, gia cầm đạt trên 500 nghìn con. Để đạt được mục tiêu này, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao, duy trì chăn nuôi nông hộ đảm bảo an toàn sinh học; tiếp tục quy hoạch, xây dựng các vùng chăn nuôi xa khu dân cư; chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi theo hướng phát triển chăn nuôi lợn ngoại và trâu bò lấy thịt; kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, tăng cường quản lý và sử dụng thuốc thú y. Qua đó, góp phần đưa ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển theo hướng bền vững.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn