Tổ hợp tác, hướng đi mới cho phụ nữ nông thôn

Thứ năm - 26/04/2018 03:10
Nhằm giúp chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, những năm qua Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Hải Lăng đã triển khai nhiều hoạt động mang tính thiết thực, trong đó mô hình tổ hợp tác đã góp phần quan trọng vào việc tạo việc làm mới và tăng thu nhập cho phụ nữ nông thôn. Từ chỗ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sau khi tham gia vào các tổ hợp tác, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thu nhập của các hội viên phụ nữ được nâng cao đáng kể.
Làm nón tại Tổ Hợp tác nón lá Trà Lộc, Hải Xuân, Hải Lăng
Làm nón tại Tổ Hợp tác nón lá Trà Lộc, Hải Xuân, Hải Lăng

Theo chân chị Trần Thị Huyền, Chủ tịch Hội Phụ nữ (PN) xã Hải Khê, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn khép kín của gia đình chị Lê Thị Phương Liên ở tại thôn Trung An. Trao đổi với chúng tôi, chị Liên cho biết, trước đây gia đình chị chăn nuôi lợn nhưng chủ yếu là nuôi theo phương thức nhỏ lẻ, mỗi lứa chỉ khoảng trên dưới 10 con. Từ khi tham gia tổ hợp tác, chị được tập huấn khoa học kỹ thuật, được tư vấn về con giống, quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, được vay vốn nên gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư xây dựng và mở rộng chuồng trại để chăn nuôi lợn quy mô lớn hơn. “Hiện tại mỗi năm, gia đình tôi nuôi gần 200 con lợn thịt và 10 con lợn nái, mang lại thu nhập hơn 100 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình tôi ổn định, có tiền nuôi con ăn học, mua sắm được nhiều vật dụng gia đình”, chị Liên cho hay.

 

Chị Trần Thị Huyền, Chủ tịch Hội PN xã Hải Khê cho biết, được thành lập với mục đích nâng cao hiệu quả chăn nuôi, hiện toàn xã có hơn 20 hội viên phụ nữ tham gia tổ hợp tác chăn nuôi lợn. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hoạt động liên kết chặt chẽ từ con giống cho đến lúc lợn xuất chuồng đã tạo hướng đi ổn định trong phát triển kinh tế cho các hộ gia đình. Từ đó, thu nhập của các hộ cũng được nâng lên. Từ mỗi hộ nuôi nhỏ lẻ 5 - 10 con lợn/năm, hiện nay bình quân mỗi hộ nuôi từ 10 - 50 con/lứa và 3 lứa/năm. Trung bình mỗi năm tổ hợp tác nuôi hơn 5.000 con lợn thịt và 100 con lợn nái. Bên cạnh việc khuyến khích chăn nuôi, nhân rộng đàn lợn, các thành viên được trao đổi khoa học kỹ thuật, được hướng dẫn cách phòng trị bệnh và mua thức ăn chăn nuôi lợn. Hằng tháng, tổ hợp tác họp một lần, cùng nhau chia sẻ những khó khăn, thuận lợi, kinh nghiệm chăn nuôi. Tổ đã chủ động tìm kiếm đối tác cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt khi vào tổ hợp tác thì chị em đã hỗ trợ nhau về vốn, con giống, được tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình chăn nuôi ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Một số thành viên trong tổ trước đây thuộc hộ khó khăn, từ khi tham gia tổ hợp tác, đã thay đổi cách làm, mạnh dạn đầu tư phát triển đàn lợn, có thu nhập ổn định, vươn lên khá giả… “Việc chăn nuôi lợn theo mô hình tổ hợp tác không phải là mới ở trong tỉnh nhưng là hướng đi hiệu quả trong mục tiêu phát triển kinh tế đối với một xã vùng biển bãi ngang như Hải Khê. Bởi bên cạnh mang lại thu nhập ổn định còn tạo được việc làm thường xuyên cho chị em phụ nữ, góp phần từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững ở địa phương”, chị Huyền nói.

 

Tại thôn Trà Lộc, xã Hải Xuân, được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2013 đến nay, Tổ Hợp tác nón lá Trà Lộc do chị Lê Thị Bé làm tổ trưởng đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 50 hội viên phụ nữ. Chị Bé cho biết, Trà Lộc từ lâu đã có nghề làm nón. Tuy nhiên trước đây người dân chủ yếu làm theo phương thức nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Năm 2013, được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện Hải Lăng, Tổ Hợp tác nón lá Trà Lộc được thành lập. Sau hơn 4 năm hoạt động, đến nay tổ đã đem lại hiệu quả rất thiết thực. Bình quân mỗi ngày tổ sản xuất được từ 50 - 70 chiếc nón lá, tạo việc làm ổn định cho 50 chị em là hội viên phụ nữ với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/ tháng. Theo chị Bé, nghề làm nón tuy không nặng nhọc nhưng đòi hỏi phải kiên trì, chịu khó và cẩn thận. Đây là nghề thủ công rất phù hợp với phụ nữ nông thôn lúc nhàn rỗi. Cùng với việc làm nghề, hằng tháng các chị em trong tổ còn trích tiền công đóng góp để xây dựng quỹ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế.

 

Theo thống kê của Hội LHPN huyện Hải Lăng, tính đến nay toàn huyện đã thành lập được 24 mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã với hơn 500 thành viên tham gia. Các ngành nghề hoạt động trong các tổ hợp tác và hợp tác xã gồm nghề làm nón lá, bánh đa, chổi đót, chế biến nước mắm, trồng ném, chăn nuôi lợn thương phẩm… Trung bình mỗi tổ hợp tác đã tạo việc làm từ 20 - 100 lao động nữ ở nông thôn và tạo thu nhập mỗi lao động từ 2 - 3 triệu đồng/tháng.

 

Chị Lê Thị Thu Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hải Lăng cho biết, hợp tác xã hay tổ hợp tác là nơi tập hợp các hội viên phụ nữ có cùng nguyện vọng và nhu cầu phát triển nghề truyền thống, cũng như giải quyết được lao động nữ nhàn rỗi của địa phương. Sau khi thành lập tổ hợp tác, sản phẩm các ngành nghề sản xuất được tăng lên về số lượng và chất lượng. Chị em cũng đã có điều kiện trao đổi kinh nghiệm làm nghề và sản xuất chăn nuôi, trồng trọt. Nhiều chị em phụ nữ từ khó khăn đã vươn lên xóa nghèo bền vững, cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn. “Ngoài việc tăng thu nhập và tạo việc làm mới cho chị em phụ nữ ở nông thôn, còn thắt chặt tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống của chị em phụ nữ”, chị Hòa nhấn mạnh.

 

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập27
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm26
  • Hôm nay6,493
  • Tháng hiện tại6,493
  • Tổng lượt truy cập8,416,135
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây