Tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau khi môi trường biển trở lại bình thường, xã Vĩnh Thái đã động viên người dân cải tạo, nâng cấp tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, tiếp tục ra khơi và năm 2017 sản lượng khai thác, đánh bắt đạt hơn 1.100 tấn. Đặc biệt, xã đã ưu tiên xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông ra vùng cát, hệ thống đường điện, tưới tiêu để cải tạo, khai thác tiềm năng đất đai. Cùng với duy trì gieo cấy 32 ha lúa nước, trồng 130 ha các loại rau màu củ quả truyền thống, xã đã quy hoạch và đưa vào trồng một số loại cây mới, áp dụng kỹ thuật tiên tiến để tạo ra năng suất, chất lượng cao như ném, sả… cũng như mở rộng diện tích rừng phòng hộ, tạo vành đai chắn gió và tăng độ ẩm cho đất.
Xã Vĩnh Tú có diện tích đất cát khoảng 2.700 ha nhưng lại nghèo chất dinh dưỡng, khí hậu khắc nghiệt nên lâu nay chỉ trồng lạc và các loại cây ngắn ngày, cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Trước thực trạng đó, xã đã triển khai các nhóm giải pháp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra các mặt hàng nông sản có giá trị. Ông Tô Ngọc Thành,Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tú cho biết, cùng với trồng, chăm sóc hơn 2.000 ha rừng, trong đó có 1.600 ha rừng sản xuất, vừa bảo vệ môi trường sinh thái vừa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ gia đình, xã đã quy hoạch đất đai, xây dựng hệ thống thủy lợi, lưới điện, cùng với các tổ chức đoàn thể tạo điều kiện cho người dân vay vốn, mở rộng diện tích các loại cây ngắn ngày như dưa, lạc, ngô và các loại rau sạch. Với hình thức luồn lách thời tiết, xen canh, luân canh, gối vụ các loại cây trồng như ngô, lạc, dưa hấu, sắn, bình quân mỗi năm thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó xã đã chuyển đổi một số diện tích sang trồng ném, dứa nguyên liệu, đặc biệt là đã xây dựng các mô hình thổ canh để đưa các giống rau, dưa cao cấp như dưa lưới, măng tây vào trồng. Điển hình như mô hình trồng dưa lưới và dưa hấu theo công nghệ cao của anh Lê Văn Vượng. Với kinh phí 968 triệu đồng, trong đó huyện Vĩnh Linh hỗ trợ 300 triệu đồng, anh Vượng đã xây dựng nhà kính rộng hơn 2.000 m2 , trồng 4.800 gốc dưa lưới và dưa hấu. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, bón phân, tưới nước nên cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu quả cao, sản lượng ước đạt từ 4 đến 4,5 tấn, với giá bán 1 kg từ 40.000 đến 50.000 đồng, sau khi trừ chi phí lãi 50 đến 60 triệu đồng/ vụ. Điều đáng nói là với mô hình này có thể trồng một năm 3 đến 4 vụ, đặc biệt không dùng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm. Xã sẽ đánh giá hiệu quả của mô hình, rút kinh nghiệm và có các chính sách hỗ trợ cho người dân trên địa bàn nhân rộng.
Có thể nói, tùy theo đặc điểm tình hình của từng nơi, các xã nằm ở vùng cát, vùng biển của huyện Vĩnh Linh đều có những cách làm hay, sáng tạo, tìm các biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng có hiệu quả. Huyện đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các địa phương quy hoạch các vùng chuyên canh các loại cây trồng phù hợp với đất đai và khí hậu. Đặc biệt, trong năm 2017, Vĩnh Linh đã có bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đó là tích cực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật như đưa vào sử dụng một số loại giống lúa mới có năng suất cao. Bên cạnh đó, chuyển những đất trồng lúa 1 vụ sang trồng đậu xanh, lạc, ngô đông theo phương pháp tưới tiết kiệm. Lần đầu tiên huyện Vĩnh Linh đưa các giống rau, củ, quả vào trồng thử nghiệm 3 mô hình nhà màng công nghệ theo phương pháp thổ canh ở xã Vĩnh Tú và Vĩnh Trung với diện tích 4.500 m2 , một mô hình trồng rau theo phương pháp thủy canh hồi lưu tại xã Vĩnh Trung với diện tích 2.000 m2 . Những mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao và đang được huyện chỉ đạo nhân rộng.
Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, trong những năm qua, huyện Vĩnh Linh đã tích cực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Riêng đối với vùng cát, ngoài việc ưu tiên kinh phí, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chức năng về cùng với các xã nghiên cứu đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu để đưa ra các loại cây trồng phù hợp cần tập trung mở rộng diện tích và tích cực chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ để nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người dân thay đổi tập quán canh tác truyền thống, hướng đến sản xuất hàng hóa và tạo ra nông sản sạch. Khuyến khích và hỗ trợ các mô hình khai thác đất đai vùng cát, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, chỉ đạo chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể tín chấp, nhận ủy thác, tạo vốn cho người dân. Từng bước đổi mới hình thức sản xuất, thành lập các nhóm, tổ hợp tác cùng nhau liên kết làm ăn và củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã. Tăng cường liên kết với các nhà khoa học, doanh nghiệp, kết nối cung- cầu, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản. Cùng với đó, tiến hành xây dựng thương hiệu, mở các điểm quảng bá, giới thiệu, bán các sản phẩm nông nghiệp trồng tại các mô hình ứng dụng công nghệ cao và các sản phẩm nông sản sạch trên địa bàn.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn