Bước chuyển mới.
Xã Thuận, huyện Hướng Hóa là một trong 8 xã được tỉnh Quảng Trị chọn làm điểm để triển khai xây dựng nông thôn mới. 3 năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhân dân không chỉ hiểu về mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới mà còn tự nguyện hiến 23,4 ha đất để xây dựng các công trình công cộng như trường học, trạm y tế xã, đường giao thông, nhà sinh hoạt cộng đồng và bỏ ra hơn 2,3 tỷ đồng để chỉnh trang nhà ở theo chuẩn nông thôn mới. Đặc biệt xã đã làm tốt công tác quy hoạch, trong đó chú trọng quy hoạch đất đai dành cho sản xuất nên đã tạo thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế. Người dân đã tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu và cao su, mở rộng diện tích ngô lai, sắn, chuối, phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, xã đã quan tâm đến lĩnh vực văn hóa xã hội, giữ vững và duy trì phổ cập tiểu học, tỷ lệ phổ cập Trung học cơ sở đạt 98,8%, trạm y tế đạt chuẩn của Bộ y tế, chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao, số người tham gia BHYT đạt 78,8%, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 75%. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Toàn xã có 12 thôn, bản, đơn vị được công nhận đơn vị văn hóa cấp tỉnh và cấp huyện, công tác vận động toàn dân tham gia xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư được chú trọng thường xuyên và đạt hiệu quả cao. Phó chủ tịch UBND xã Thuận Phạm Xuân San cho biết: Triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, điều quan trọng là người dân đã có sự đồng thuận cao. Đặc biệt các dân tộc đã đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau phát triển sản xuất, hiện nay đời sống nhân dân các dân tộc anh em khá hơn lên. Trong thời gian tới, đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch, thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, tạo ra những vùng sản xuất hàng hóa có giá trị cao. Đồng thời có kế hoạch mở các lớp tập huấn kỹ thuật, tổ chức dạy nghề, mở mang các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ, nâng dần tỷ lệ lao động phi nông nghiệp.
Không chỉ xã Thuận, các xã khác trên địa bàn huyện Hướng Hóa cũng đã chủ động triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới và đã có những bước chuyển biến rõ nét trên tất cả các lĩnh vực. Ví dụ như ở xã Hướng Phùng cùng với việc huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã đã có chủ trương khai thác thế mạnh có vùng đất đỏ ba zan màu mỡ, cho đến nay trồng được trên 1.500 ha cà phê, cho sản lượng trên 7.000 tấn, doanh thu gần 70 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã đã tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích lúa nước lên hơn 100 ha và chú trọng phát triển chăn nuôi. Nhờ vậy đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Bí thư Đảng ủy xã Hướng Phùng Hồ Thanh Bình cho biết: Trước đây người dân đã biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để làm ăn nhưng từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà nào cũng thi đua phát triển kinh tế. Đồng bào người Kinh lên đây theo chương trình kinh tế mới đã hướng dẫn bà con đồng bào dân tộc trồng cây công nghiệp. Đặc biệt trong 3 năm qua, nhân dân trrong xã đã tự nguyện tham gia đóng góp tiền của và công sức để xây dựng cơ sở hạ tầng, làm cho bộ mặt các bản làng ngày 1 tahy đổi.
Còn nhiều việc phải làm.
Tuy nhiên trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện Hướng Hóa vẫn gặp không ít khó khăn đó là tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn huyện còn ở mức cao 29,4%, trong đó có 6/20 xã có tỷ lệ nghèo trên 50%, chỉ có 3/20 xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 12%. Về cơ cấu lao động, phần lớn các xã đều sản xuất nông nghiệp chủ yếu nên lực lượng lao động làm việc thường xuyên trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp là chính, chiếm hơn 80%, cao hơn nhiều so với chuẩn quy định là 35%. Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Võ Thanh cho biết: Toàn huyện có 20 xã và 2 thị trấn, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số lại ở những vùng có địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, dân trí thấp, tập quán canh tác còn lạc hậu. Do đó để đạt những tiêu chí xây dựng nông thôn mới thực sự là bài toán khó nếu trong giai đoạn 2011 - 2020 không có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ cấu sản xuất các ngành, không có sự phát triển đa dạng các mô hình sản xuất hàng hóa với quy mô lớn để tạo ra nhiều loại sản phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ. Mặt khác, việc chuyển lao động sang lĩnh vực sản xuất khác ngoài nông, lâm nghiệp đối với một huyện miền núi rất khó thực hiện nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh và các ngành chức năng. Chính vì vậy hiện nay huyện chỉ đạo trước mắt hoàn thành công tác quy hoạch, lập các phương án, ưu tiên chọn lựa một số khâu đột phá để thực hiện. Theo đó ngoài nguồn vốn, ngân sách của Trung ương và tỉnh hỗ trợ, chúng tôi vận dụng, lồng ghép các chương trình, các dự án để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, có các chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho người dân thâm canh và mở rộng diện tích cây công nghiệp như cà phê, cao su, sắn cao sản, mở rộng diện tích lúa nước, phát triển chăn nuôi, xây dựng các cụm công nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động thương mại dịch vụ. Đồng thời tiếp tục phát động nhân dân đóng vai trò chủ thể, phát huy nội lực cộng đồng để thực hiện các công việc ở cơ sở, đặc biệt huy động sự vào cuộc của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể.
Xây dựng nông thôn mới ở địa bàn miền núi là công việc rất khó, nhưng phát huy truyền thống của mình, địa phương đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới, cán bộ và nhân dân huyện Hướng Hóa sẽ đoàn kết, chung sức, sớm hoàn thành kế hoạch đề ra.