Ông Trần Thiên Nhân, Chánh Văn phòng UBND huyện Triệu Phong dẫn chúng tôi về thăm chợ Thuận. Chợ Thuận bây giờ được làm mới khang trang, bà con buôn bán ai nấy đều mừng vì chợ được rộng hơn. Xưa kia, chợ Thuận thuộc xã Triệu Thuận, nhưng sau này lại về xã Triệu Đại để tiện khoanh vùng đất đai và quản lý hành chính cho hai xã. Đây được xem là chợ trung tâm của khu vực tây bắc của huyện Triệu Phong.
Là một huyện mạnh về nông nghiệp nên huyện Triệu Phong rất chú trọng đến khâu phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ông Hồ Viết Hy, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong kiêm Trưởng BCĐ xây dựng NTM huyện, có cái nhìn rất thiết thực. Ông Hy nói, từ xa xưa, chợ nông thôn luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Người nông dân làm ra hàng hoá nhưng không có chợ để tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm xem như được mùa mà... mất giá. Trong quá trình vận động của hàng hóa, từ SX đến tiêu dùng, chợ nằm ở vị trí trung gian. Đặc biệt, ở thị trường nông thôn, vị trí của chợ lại càng quan trọng. Vì thế, khi bắt tay vào xây dựng NTM, quan điểm của huyện Triệu Phong là muốn cải thiện đời sống cho bà con thì trước hết phải đầu tư, thay đổi từ chợ.
Cách chợ Thuận không xa là chợ Sãi. Chợ Sãi ở xã Triệu Thành, đang được xây lại. Chợ Sãi có đặc sản nem nổi tiếng thơm ngon (Nem chợ Sãi, vải La Vang). Mệ Hoà, một người làm nem lâu năm ở gần chợ cho biết bí quyết gia truyền cơ bản nhất vẫn là chất lượng của nguyên liệu. Người làm nem phải dậy từ 4 đến 5 giờ sáng hằng ngày để đến lò mổ lựa những miếng thịt ngon nhất. Thịt làm nem nhất định phải là thịt nạc đùi, nạc thân hoặc vai vì những phần này vừa mềm vừa ít gân. Qua nhiều công đoạn chế biến, thịt và da heo sau đó sẽ được trộn đều và gói kỹ bằng lá chuối tươi cùng 1 lát ớt đỏ và 2 hạt tiêu, buộc lại thành từng đôi một. Nem được để chín trong nhiệt độ thường, thoáng khí, sau 2-3 ngày là dùng được. Nem chợ Sãi nức tiếng phần nhờ bí quyết gia truyền, phần nhờ sự cẩn trọng đầy trách nhiệm của người SX.
Bức tranh chợ quê của huyện Triệu Phong rất phong phú. Ngoài hai chợ trên, có thể kể ra một loạt chợ nông thôn của huyện Triệu Phong như chợ Hôm, chợ Trung tâm thị trấn, chợ Triệu Đông, chợ Cạn, chợ Triệu Lăng, chợ Chùa, chợ Hà Tây, chợ An Lợi... được phân bố từ ven biển đến đồng bằng, thị trấn, các khu trung tâm dân cư.
Trong năm 2013, huyện đầu tư xây mới thêm 3 chợ nữa. Ông Hồ Viết Hy cho biết, phần lớn vốn đầu tư xây dựng NTM huyện dành xây chợ, trong hai năm qua tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn gần 50 tỉ đồng. Ông Hy lý giải, đối với hàng nông sản, thực phẩm, chợ là khâu khởi đầu của quá trình lưu thông, là nơi hàng hóa bắt đầu bước vào quá trình lưu thông. Mặc dù sự phát triển của SX và tiêu dùng kéo theo sự ra đời và phát triển của các loại hình tổ chức lưu thông, phân phối hàng hóa khác, nhưng rất nhiều sản phẩm hàng hóa, để từ SX đến được tiêu dùng, trên con đường ấy, vẫn phải qua chợ. Đặc biệt, ở thị trường nông thôn và miền núi, ở những khu vực mà điều kiện phát triển kinh tế - xã hội đang còn khó khăn, xuất hiện một cái chợ sẽ làm sống động một vùng kinh tế, đem cơ chế thị trường về với kinh tế nông thôn và miền núi.
Đến nay, huyện Triệu Phong đã có 15/19 xã, thị trấn có chợ. Hiện huyện Triệu Phong còn một số xã chưa có chợ, nhưng theo phân tích thị trường thì những xã sát nhau như: Triệu Hoà, Triệu Tài, Triệu Trạch, Triệu Vân, cứ hai xã bà con có chung một chợ, không nhất thiết xã nào cũng phải có chợ. Như vậy, mạng lưới quy hoạch xây dựng chợ nông thôn ở huyện Triệu Phong đến nay đã hoàn thành. Ông Hy nhấn mạnh, nhờ cơ sở hạ tầng giao thông ở Triệu Phong tốt, đã kết nối các chợ trên lại với nhau, rất dễ buôn bán, lưu thông hàng hoá, kích thích phát triển.
Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị, cho biết, nhờ Triệu Phong tổ chức tốt SXNN và sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống chợ nông thôn đã góp phần giải quyết khâu tiêu thụ hàng hoá nông sản, người dân có thêm thu nhập, góp phần cải thiện một bước rất lớn đời sống vật chất. Thu nhập bình quân theo kế hoạch đến cuối năm 2013, toàn huyện Triệu Phong đạt 19 triệu đồng/người/năm.
Cùng với chợ là hệ thống thương mại dịch vụ của Triệu Phong năm qua phát triển tốt, đạt gần 102% kế hoạch, tăng 12,3% so với năm trước, chiếm tỉ trọng hơn 30% trong các ngành kinh tế của huyện. Đến nay, huyện Triệu Phong có 11 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí; 4 xã đạt trên 10 tiêu chí. Kế hoạch đến năm 2015 có 30% số xã đạt tiêu chí xây dựng NTM. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn