Tính đến ngày 30/6/2021, huyện Hướng Hóa có 12 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, trong đó có 10 HTX nông nghiệp và 2 HTX phi nông nghiệp, các HTX đã thu hút 124 thành viên tham gia. Cùng với đó, các tổ hợp tác (THT) trên địa bàn phần lớn có quy mô nhỏ, tổ chức, quản lý, điều hành gọn nhẹ, linh hoạt, phạm vi hoạt động đa dạng, phong phú. Hoạt động của các THT chủ yếu là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, thông tin, tiêu thụ sản phẩm…, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo ở địa phương, là tiền đề để phát triển thành các HTX.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ đầu năm đến nay, khu vực kinh tế tập thể của huyện Hướng Hóa đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa tập trung phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tích cực cho các thành viên, nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Từ đó góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và cùng với tỉnh thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).
Để góp phần xây dựng NTM, thời gian qua, các HTX đã mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động như đẩy mạnh cung ứng giống, vật tư, các biện pháp kỹ thuật cho các hộ sản xuất theo hướng thâm canh, chuyên canh như sản xuất lúa, rau củ quả, thủy sản, liên kết tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm… Bên cạnh đó, các HTX còn tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như xây dựng kênh mương, đường bê tông, nhà sinh hoạt cộng đồng, vệ sinh môi trường, giảm nghèo, góp phần cùng địa phương đạt nhiều tiêu chí trong xây dựng NTM.
Để khu vực kinh tế tập thể, các HTX tích cực góp phần vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Hướng Hóa đã tuyên truyền về kế hoạch xây dựng NTM, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ, tư vấn giúp các HTX. Coi trọng việc củng cố đối với các HTX khó khăn, rà soát, đánh giá chính xác số lượng, chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX đảm bảo theo tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, góp phần đạt tiêu chí để các xã trên địa bàn về đích NTM.
Nhờ vậy đến nay, tổng số tiêu chí NTM đạt được toàn huyện là 226 tiêu chí, bình quân đạt 11,89 tiêu chí/xã (tăng 2 tiêu chí so với cuối năm 2020). Có 5 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã đạt từ 10 - 12 tiêu chí; 6 xã đạt từ 8 - 9 tiêu chí và 1 xã đạt dưới 8 tiêu chí. Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM đã góp phần làm đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, diện mạo của vùng nông thôn miền núi Hướng Hóa có nhiều khởi sắc.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của COVID-19, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam nên việc nhập nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, kinh doanh của các HTX không thực hiện được. Hầu hết các HTX chỉ sản xuất cầm chừng do không có nguyên liệu đầu vào, như HTX Sê Pôn, HTX Sơn Nguyên, HTX Tiên Phong… Bên cạnh đó, ảnh hưởng của COVID-19 nên các HTX không xuất được hàng để bán và giá bán các sản phẩm giảm, dẫn đến việc nguồn vốn xoay vòng gặp trở ngại, gây khó khăn cho tái đầu tư. Hoạt động vận chuyển tuyến cố định, vận chuyển hàng hóa và xe hợp đồng giảm số lượng hành khách, hàng hóa so với thời điểm trước nên dẫn đến doanh thu của các HTX giảm so với năm trước. Cùng với những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của HTX hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn.
Đến thời điểm này, các HTX trên địa bàn huyện Hướng Hóa chưa tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho các HTX. Chưa có sự hỗ trợ về kỹ thuật trong việc trồng và chăm sóc các sản phẩm nông nghiệp. Việc chuyển đổi số trong phát triển HTX cũng là một vấn đề mới, đòi hỏi phải được bắt đầu từ việc chuyển đổi trong nhận thức, hành động của mỗi cán bộ quản lý, thành viên của HTX.
Trong khi đó, hầu hết các HTX ở huyện Hướng Hóa đang hoạt động với phương thức thủ công, truyền thống, ngại thay đổi, ngại tiếp cận công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Các HTX chủ yếu nhỏ lẻ, sản xuất, kinh doanh truyền thống, năng lực tài chính yếu nên khó tiếp cận công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năng lực, trình độ của cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, chủ yếu hoạt động theo kinh nghiệm, chưa qua đào tạo nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số. Lực lượng lao động, thành viên của HTX nhìn chung thiếu kỹ năng cơ bản trong quá trình làm việc, thiếu kỹ năng phục vụ quá trình chuyển đổi số như tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ thông tin…
Để kinh tế tập thể tại huyện Hướng Hóa tiếp tục có bước phát triển mới, vượt qua khó khăn do dịch bệnh, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng NTM, huyện Hướng Hóa mong muốn cấp trên tiếp tục tạo điều kiện để các HTX được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi nhằm thực hiện các mô hình, dự án. Đồng thời được hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các thành viên quản lý HTX.
Triển khai thực hiện thí điểm các mô hình HTX ứng dụng công nghệ số làm điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng. Cùng với đó, các HTX, THT cần có sự chủ động trong việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để vượt qua khó khăn do COVID-19. Chú trọng phát triển sản phẩm chủ lực địa phương, thực hiện tốt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Quan tâm phát triển công nghệ chế biến sau thu hoạch, sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu.