Nhiều chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới ở Đakrông

Thứ năm - 07/01/2021 20:53
Những thành công bước đầu trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở huyện Đakrông đã tạo nên sự đổi thay diện mạo cho vùng nông thôn miền núi, làm thay đổi thói quen sản xuất, khích lệ ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân vùng cao với gần 80% đồng bào dân tộc thiểu số.
Giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Đakrông từng bước được hoàn thiện sau khi chương trình xây dựng NTM được triển khai -Ảnh: T.L​
Giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Đakrông từng bước được hoàn thiện sau khi chương trình xây dựng NTM được triển khai -Ảnh: T.L​
  
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã đem lại những chuyển biến tích cực cho huyện Đakrông từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM. Kết cấu hạ tầng thiết yếu của địa phương được tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Xác định giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí khó, từ nguồn lực đầu tư của các cấp, các ngành và sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, trong năm 2020, địa phương đã thực hiện xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp 73 hạng mục đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 72,3 tỉ đồng. Hệ thống thủy lợi trên địa bàn cũng được duy tu, bảo dưỡng và nâng cấp, đảm bảo tưới chủ động cho trên 84% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Huyện đang tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống trường lớp học theo hướng đạt chuẩn; cơ sở vật chất văn hóa từng bước được hoàn thiện, việc đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã, thôn, bản theo hướng đạt chuẩn đang được huyện quan tâm thực hiện. Sự nghiệp y tế, giáo dục- đào tạo đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống chính trị được củng cố, quốc phòng- an ninh được giữ vững ổn định.
 
Việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng và đạt kết quả tích cực sau khi chương trình xây dựng NTM được triển khai tại huyện miền núi Đakrông. Nếu năm 2011, khi xuất phát điểm thực hiện chương trình xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn chỉ đạt 4 triệu đồng/người/năm, đến năm 2015, thu nhập của người dân đã tăng lên 14,5 triệu đồng/ người/năm và đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên 27,5 triệu đồng/người/năm, đặc biệt xã Triệu Nguyên đạt thu nhập 36 triệu đồng/người/ năm. Cùng với tăng thu nhập, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện cũng giảm còn 29,46%. Ước đến cuối năm 2020, toàn huyện Đakrông đạt được tổng số 121 tiêu chí xây dựng NTM, bình quân đạt 10,08 tiêu chí/ xã, trong đó xã Triệu Nguyên đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM; các xã Ba Lòng, Mò Ó, Tà Rụt đạt từ 10 - 14 tiêu chí… Với những kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển trong xây dựng NTM trên địa bàn huyện Đakrông trong thời gian tiếp theo.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng NTM tại những xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Đakrông vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là công tác chỉ đạo xây dựng NTM ở hầu hết các xã trên địa bàn thiếu quyết tâm, chưa phát huy hết nội lực, chỉ tiêu đạt chuẩn tiêu chí còn thấp so với kế hoạch, nhất là 2 xã Mò Ó và A Ngo không đạt chuẩn thêm tiêu chí nào trong năm 2020; 3 xã Ba Lòng, A Bung, Tà Long bị giảm 1 tiêu chí so với năm 2019. Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất chưa thực sự bài bản, khoa học và chậm tiến độ, tiềm ẩn rủi ro có thể ảnh hưởng đến hiệu quả mô hình. 4 tiêu chí về thu nhập, nhà ở, hộ nghèo, môi trường- an toàn thực phẩm mới chỉ có xã Triệu Nguyên đạt chuẩn. Tai nạn giao thông, tệ nạn ma túy đang trở thành vấn đề đáng quan tâm trên địa bàn của nhiều xã ở Đakrông…
 
Xác định xây dựng NTM là một quá trình lâu dài không có đích nên trong năm 2021, huyện Đakrông sẽ phấn đấu duy trì xã Triệu Nguyên đạt chuẩn NTM, toàn huyện có 138 tiêu chí đạt chuẩn, tăng 17 tiêu chí so với năm 2020; phấn đấu có 3 thôn, bản đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 thôn, bản thuộc 5 xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Đakrông sẽ tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo cấp huyện, Ban chỉ đạo và Ban quản lý xây dựng NTM từ cấp huyện đến xã. Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới tuyên truyền, vận động về chương trình xây dựng NTM đảm bảo thường xuyên, rộng khắp và chất lượng. Riêng trong phát triển kinh tế, địa phương sẽ xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh, các mô hình đã được kiểm chứng trên địa bàn, đặc biệt là mô hình chăn nuôi, trồng trọt, chế biến theo nhóm sản phẩm chủ lực. Quan tâm đầu tư chuyên sâu cho các cây trồng có giá trị nông sản hàng hóa, lĩnh vực sản xuất giống, quy trình sản xuất công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn dịch bệnh; đưa cơ giới vào sản xuất, quan tâm công tác chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm.
 
Cùng với đó, địa phương cũng tập trung chỉ đạo phát triển nhanh các hình thức tổ chức sản xuất hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông sản hàng hóa, sản xuất có sự liên kết “4 nhà”. Đặc biệt là tăng cường mối quan hệ liên kết giữa người sản xuất, tổ hợp tác với doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo nguyên tắc người dân có lãi, đảm bảo mối liên kết bền vững, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, địa phương sẽ khai thác tối đa và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ vào địa bàn. Đối với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ chương trình xây dựng NTM phải thực hiện theo cơ chế trao quyền chủ động cho cộng đồng dân cư tự bàn bạc, quyết định theo quy định mức hỗ trợ được cấp trên phân bổ, ưu tiên thực hiện ở các thôn, bản. Bên cạnh đó, huyện Đakrông cũng quan tâm xây dựng hạ tầng thiết yếu trong các lĩnh vực phục vụ nông nghiệp, y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh môi trường. Trên các lĩnh vực như văn hóa- xã hội- môi trường, hệ thống chính trị cũng tiếp tục được địa phương quan tâm đẩy mạnh thực hiện, từ đó tạo sự chuyển biến rõ nét trong các hoạt động văn hóa, xã hội; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các hệ thống chính trị.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập97
  • Hôm nay9,558
  • Tháng hiện tại37,287
  • Tổng lượt truy cập8,446,929
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây