Thôn Đại An Khê có diện tích tự nhiên là 716 ha, có 652 hộ dân với 2745 nhân khẩu, nghề nghiệp chính của phần lớn người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Đại An Khê được biết đến với sản phẩm bánh tét mặt trăng nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn nhiều tỉnh thành trên cả nước. Quê hương với truyền thống kiên cường, anh hùng trong các cuộc kháng chiến chống giặc cứu nước. Và đến ngày nay, phát huy truyền thống đó, cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn thôn Đại An Khê đang đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới.
Sau khi xã Xã Hải Thượng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, cấp ủy, chính quyền thôn Đại An Khê nhận thức được rằng, không chỉ dừng lại ở những kết quả đã đạt được, tiếp tục phấn đấu hoàn thiện, nâng chất các tiêu chí lên cao hơn nữa. Có như vậy mới đáp ứng ngày càng cao nhu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cùng với sự đi đầu gương mẫu của các đồng chí trong cấp ủy, chính quyền thôn, nên công cuộc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của đông đảo người dân. Biết kế thừa và phát huy rất nhiều bài học kinh nghiệm thành công từ các chương trình mục tiêu, các phong trào quần chúng trước đây để vận dụng sáng tạo vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn thôn.
Trong năm 2020, bà con nhân dân đã đầu tư xây dựng, sửa sang nhà cửa, cải tạo vườn tạp, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, hiến đất mở đường với tổng kinh phí hơn 10,1 tỷ đồng. Người dân trong thôn cũng mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Trong thôn có 2 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, gồm tổ hợp tác sản xuất lúa hữu cơ, tổ hợp tác bánh tét mặt trăng. Thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 45 triệu đồng/người, dự kiến năm 2020 đạt 48.8 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống cuối năm 2020, còn 17 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 2,6% bao gồm các hộ thuộc diện hộ bảo trợ xã hội.
Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, trường học, thiết chế văn hóa, điện sáng tại các trục đường chính của thôn tiếp tục được đầu tư hoàn thiện phục vụ tốt cho nhu cầu phát triển sản xuất cũng như sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao của người dân. Với những kết quả đạt được đó, đến thời điểm này, thôn Đại An Khê cơ bản đã đạt 10/10 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí được ban hành theo Quyết định số 1647/QĐ-UBND ngày 2/7/2019 của UBND tỉnh.
Ông Lê Văn Hiêu, trưởng thôn Đại An Khê cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở thôn Đại An Khê có một số khó khăn như: đội ngũ cán bộ thôn làm việc kiêm nhiệm, khối lượng công việc nhiều, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; một số cán bộ chưa được tham gia đào tạo tập huấn nhiều kiến thức về xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu phi, dịch Covid19 đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và phát triển kinh tế của người dân; đặc biệt là các đợt lụt trong năm 2020 đã ảnh hưởng lớn đến cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng như hệ thống hoa đường kiểu mẫu, các panô, áp phích và một số thiết chế văn hóa khác, cần phải có nguồn lực đầu tư để khắc phục sửa chữa.
Nói về kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ông Lê Văn Hiêu, chia sẽ thêm ”Để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thành công, cấp ủy, chính quyền thôn tập trung chỉ đạo cụ thể, sâu sát, quyết liệt, có cách làm năng động, sáng tạo, phát huy được lợi thế của địa phương; thực sự nêu gương trong tất cả các hoạt động. Phát huy dân chủ, đảm bảo công khai, minh bạch các khoản đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tạo điều kiện để cộng đồng dân cư có thể trực tiếp tham gia thực hiện và giám sát các nội dung trong xây dựng nông thôn mới. Quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới phải có sơ kết, tổng kết, công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai. Đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có nhiều đóng góp xây dựng NTM trên các phương tiện thông tin đại chúng nhất là hệ thống truyền thanh và trên các diễn đàn về xây dựng nông thôn mới của xã. Ngoài ra, đồng chí cũng đề xuất cần tổ chức công tác đào tạo tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ thôn, xóm để họ có đủ trình độ, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả cao nhất”.