Công tác chỉ đạo điều hành gắn với sự phối hợp của hệ thống chính trị các cấp
Mặc dù Chương trình OCOP là một chương trình mới, tuy nhiên UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, ban hành các chủ trương, văn bản để triển khai thực hiện. Các Sở, ban ngành có liên quan, các địa phương đã nắm bắt và chủ động triển khai thực hiện. Ban điều hành chương trình OCOP tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Phát triển nông thôn đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc và giám sát triển khai thực hiện. Đặc biệt, có sự phối hợp thường xuyên, liên tục giữa các cấp quản lý chương trình và các cơ quan chuyên môn có liên quan nên việc triển khai thực hiện 6 bước trong chu trình OCOP được diễn ra thuận lợi, đảm bảo tiến độ đề ra, đặc biệt là cán bộ quản lý chương trình cấp huyện. Bên cạnh đó, cũng có thể thấy rằng, sự phối hợp lồng ghép nguồn lực và tư vấn chuyên ngành của các đơn vị cấp tỉnh được xem điểm thành công trong việc triển khai chương trình như công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ chuyên ngành Khoa học công nghệ……
Nhận thức lợi ích của chương trình OCOP đối với chủ thể sản xuất
Số lượng chủ thể tham gia chương trình OCOP qua hai năm triển khai không ngừng tăng về số lượng chủ thể tham gia cũng như số sản phẩm được công nhận. Năm 2019 có 19 sản phẩm với 14 chủ thể và năm 2020 có 38 sản phẩm với 28 chủ thể tham gia được công nhận sản phẩm OCOP. Trong đó, phải kể đến 02 sản phẩm của chủ thể tham gia thi đánh giá phân hạng sản phẩm năm 2019, chưa đạt nhưng đã phấn đấu tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thi đánh giá năm 2020 để đạt được kết quả 3 sao và 04 sản phẩm đạt 3sao năm 2019 tiếp tục cải thiện hồ sơ và nâng cấp sản phẩm để được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020. Điều này chứng tỏ rằng, Chương trình OCOP đang thu hút người sản xuất chuẩn hóa các sản phẩm để đưa ra thị trường trường tiêu thụ và không ngừng cải thiện và nâng chất sản phẩm khi tham gia vào sân chơi OCOP.
Tiêu chuẩn hóa các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm
Các tiêu chuẩn chứng nhận về vùng nguyên liệu và hệ thống kiểm soát chất lượng của sản phẩm cũng được chủ thể đầu tư hoàn thiện. Chứng nhận về tiêu chuẩn Hữu cơ, Vietgap, ISO, xác nhận đủ điều kiện sản xuất Mỹ Phẩm. Cụ thể, trong năm 2020, HTX sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh chứng nhận vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn Hữu cơ, Công ty TNHH cao dược liệu Mai Thị Thủy chứng nhận vùng trồng cà gai leo VietGap, 04 đơn vị xây dựng sản phẩm dòng sản phẩm mỹ phẩm được Sở Y tế tỉnh xác nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất Mỹ Phẩm như: Hợp tác xã dược liệu Trường Sơn, Công ty TNHH tinh dầu Huyền Thoại, Công ty TNHH tinh dầu Nhiên Thảo, Công ty TNHH tinh dầu tràm Bảo Ngọc và một số đơn vị đã xây dựng chứng nhận hệ thống kiểm soát chất lượng (ISO, HACCP..) như: cơ sở sản xuất cà gai leo An xuân, Công ty TNHH cao dược liệu Mai Thị Thủy. Các chứng nhận về hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến là một trong những tiêu chí bắt buộc để đạt điều kiện tối thiểu của phân hạng sản phẩm đạt 4 sao. Để chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2025 các chủ thể bắt đầu xây dựng kế hoạch để thực hiện các chứng nhận bắt buộc để đáp ứng các tiêu chí tối thiểu cho hạng sản phẩm 4 sao và 5 sao.
Dư địa các sản phẩm, vật phẩm của tỉnh Quảng Trị tham gia vào chương trình OCOP trong giai đoạn 2021-2025
Nhu cầu tham gia sản phẩm được đăng ký từ các huyện, thành phố, thị xã trong giai đoạn tới, có trên 150 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển thành sản phẩm OCOP thuộc 06 nhóm sản phẩm của Chương trình như: Thực phẩm, Đồ uống, Thảo dược , Vải và may mặc, Lưu niệm - nội thất - trang trí, Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Thực tế, hiện nay Quảng Trị còn nhiều nhóm sản phẩm chưa được khai thác mạnh như: Chế biến từ thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm từ dịch vụ du lịch cộng động.
Từ những phân tích trên, chúng ta có thể hi vọng rằng, chương trình OCOP triển khai trong giai đoạn tới sẽ có những thành quả nổi bật hơn như định hướng phát triển sản phẩm 5 sao và sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, điểm du lịch.