Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Tin học hóa triển khai một số nhiệm vụ bước đầu xây dựng thí điểm xã thông minh ở Hướng Phùng như tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn hệ thống chính trị, người dân; tập huấn và triển khai khám bệnh từ xa, giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp cận được với bác sĩ chuyên khoa giỏi qua các phương tiện sẵn có trong gia đình như điện thoại, mạng xã hội…Hỗ trợ UBND xã triển khai truyền thanh thông minh; phát thanh qua trợ lý ảo vừa được lựa chọn nhiều giọng đọc phù hợp, hấp dẫn, vừa tiết kiệm được thời gian của phát thanh viên. Xã Hướng Phùng đã thành lập ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên về triển khai thực hiện mô hình. Tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng mô hình; vận động, khuyến khích người dân sử dụng điện thoại thông minh. Chỉ đạo các lực lượng phụ trách, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên, cán bộ văn hóa xã có phương án tuyên truyền, hướng dẫn và cài đặt các phần mềm ứng dụng vào điện thoại cho người dân.
Tiềm năng lớn nhất của xã Hướng Phùng đó chính là nền nông nghiệp phát triển bền vững. Cà phê Hướng Phùng không chỉ dừng lại ở mức độ bán sản phẩm quả tươi mà còn được người dân quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị để sơ chế và chế biến sâu. Nghệ vàng cũng là sản phẩm đặc trưng ở nơi đây, không chỉ xuất bán củ tươi mà còn được chế biến thành sản phẩm tinh bột nghệ nguyên chất được thị trường ưa chuộng. Đối với sản phẩm măng rừng, hiện xã có cơ sở sơ chế và sấy khô tại Tổ hợp tác xã Doa Bụt với sản lượng mỗi mùa trên 3 tấn măng khô, đầu ra rất ổn định, đặc biệt là phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán 2021. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, không khí trong lành cùng với văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Hướng Phùng trở thành địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng như thác Chênh Vênh, đèo Sa Mù... Hiện nay, huyện Hướng Hóa có định hướng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng homestay tại Hướng Phùng để khai thác tốt tiềm năng sẵn có tại địa phương. Việc được chọn triển khai thí điểm xã thông minh sẽ giúp Hướng Phùng có điều kiện biến những tiềm năng nói trên trở thành lợi thế để xây dựng xã ngày càng phát triển.
Với đặc thù là xã vùng khó, hơn 50% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên quá trình triển khai mô hình xã thông minh ở Hướng Phùng chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, qua bước đầu khởi động mô hình, cán bộ và Nhân dân xã Hướng Phùng đều đồng tình ủng hộ cao, bởi họ nhận thức được lợi ích to lớn mà mô hình này mang lại cho địa phương. Ông Lê Đình Phức, Chủ nhiệm Hợp tác xã cà phê hữu cơ sinh thái Chân Mây, xã Hướng Phùng phấn khởi nói: “Nếu như mô hình xã thông minh sớm được triển khai, chúng tôi có cơ hội được quảng bá sản phẩm, tiếp cận thị trường rộng rãi, từng bước đưa thương hiệu cà phê quê hương vươn xa hơn, tạo động lực để hợp tác xã tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất”. Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Phan Ngọc Long cho biết: “Hướng Phùng rất vinh dự được lựa chọn là xã duy nhất của tỉnh Quảng Trị và là 1 trong 7 xã của toàn quốc xây dựng mô hình thí điểm xã thông minh. Mặc dù bước đầu triển khai gặp nhiều khó khăn nhưng chính quyền xã luôn quyết tâm khắc phục, vươn lên xây dựng thành công mô hình xã thông minh trong tương lai gần”.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Huyền cho biết: “Việc triển khai thí điểm xây dựng mô hình xã thông minh ở Hướng Phùng bước đầu đem lại hiệu quả, chính quyền xã đã chủ động vào cuộc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tiếp tục triển khai. Trong thời gian tới, sau khi ổn định công tác khắc phục lụt bão, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Cục Tin học hóa tiếp tục triển khai hỗ trợ xã chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại điện tử, chính quyền điện tử…nhằm giúp xã phát huy hết những lợi thế của địa phương để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh”.