Đề cập đến hiệu quả của công tác giảm nghèo bền vững, Chủ tịch UBND xã A Ngo Hồ Tất Huấn cho biết, xác định công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chiến lược trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngay từ đầu mỗi năm, UBND xã A Ngo triển khai các cuộc họp thôn, bản để nắm bắt nhu cầu về phát triển sản xuất của người dân một cách công khai, minh bạch. Trong năm 2020, xã A Ngo đã tiến hành bình chọn 87 hộ để hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình 30a xây dựng các mô hình kinh tế như: Mô hình trồng cam ở bản A Rông Trên với 7 hộ dân tham gia; mô hình trồng chuối lùn ở bản A Rông Dưới, A Đeng với 8 hộ tham gia; mô hình nuôi ngan đen ở bản Kỳ Neh, A La; hỗ trợ máy sạ hàng cho 34 hộ dân bản Kỳ Neh, A Đeng, A Ngo…
Chương trình 135 đã hỗ trợ 12 con bò giống, 8 máy cắt cỏ cho người dân các thôn, bản trên địa bàn xã. Trong những năm qua, huyện Đakrông đã thông qua nhiều chương trình, dự án như: Chương trình 30a, Chương trình 135… để hỗ trợ cho người dân trên địa bàn huyện nói chung và xã A Ngo nói riêng trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; chú trọng việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả; phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng trong công tác giảm nghèo bền vững.
Chủ tịch UBND xã Triệu Nguyên Trương Văn Hoài cho biết, các chương trình, dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn xã Triệu Nguyên trong thời gian qua đã từng bước phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả cao, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn; thu nhập của người dân đã được tăng lên, đời sống được cải thiện rõ nét. Mới đây, UBND huyện Đakrông có Quyết định số 1941/QĐ - UBND về việc phê duyệt dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi dê nhốt thương phẩm. Dự án được triển khai tại thôn Na Nẫm, Xuân Lâm với 10 hộ dân tham gia. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi dê nhốt thương phẩm theo hình thức tổ hợp tác để tạo điều kiện phát triển chăn nuôi dê thương phẩm; tập trung xây dựng vùng chăn nuôi dê thịt thương phẩm trên địa bàn huyện; từng bước hướng đến việc xây dựng thương hiệu “Thịt dê Đakrông”… Dự án sẽ thực hiện việc hỗ trợ 80 con dê giống; cử cán bộ hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi. Các hộ tham gia dự án sẽ đóng góp khoảng 20 con dê giống; đóng góp vật liệu và ngày công làm hệ thống chuồng trại; khoanh vùng chăn nuôi và có diện tích trồng cỏ làm thức ăn theo cam kết... Hiện tại, các hộ dân tham gia dự án ở thôn Na Nẫm, Xuân Lâm đã bắt đầu chăn nuôi dê. Nếu mô hình thành công sẽ mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn xã Triệu Nguyên trong thời gian tới.
Có thể khẳng định việc thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo của các vùng, các nhóm dân cư trên địa bàn huyện Đakrông. Đến nay, 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã, có điện lưới quốc gia để sinh hoạt, phục vụ sản xuất, có trường mầm non, trường tiểu học được xây dựng kiên cố; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, được phủ sóng phát thanh; trên 90% xã được phủ sóng truyền hình; 100% xã được kết nối internet. Nhìn chung, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Nhận thức của người nghèo được nâng lên, được tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng để phát triển kinh tế.
Chỉ tính riêng trong năm 2020, huyện Đakrông đã dành gần 58.087,5 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 30a được phân bổ để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện… Dành gần 14.669 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 được phân bổ để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và các thôn, bản đặc biệt khó khăn…
Bên cạnh đó, huyện Đakrông cũng chú trọng việc thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách như: Chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi; hỗ trợ về y tế, giáo dục - đào tạo, đào tạo nghề, hỗ trợ lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở…
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, thời gian tới huyện Đakrông sẽ triển khai các giải pháp như: Hằng năm, chính quyền cấp huyện, cấp xã tiến hành đăng ký phấn đấu mục tiêu giảm nghèo; đưa mục tiêu giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chính quyền địa phương; thường xuyên tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ hằng năm, giữa kỳ, cuối kỳ theo quy định, nhằm làm căn cứ xây dựng kế hoạch cụ thể ở từng địa phương để tổ chức triển khai các giải pháp giảm nghèo đồng bộ, hiệu quả; các cấp, ngành tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cận nghèo; giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính trợ cấp và tăng các chính sách nâng cao năng lực để khuyến khích tính chủ động, vươn lên của người nghèo.
Các xã, thị trấn tiến hành rà soát, phân loại từng nhóm hộ nghèo theo nguyên nhân để theo dõi, quản lý và đề ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp cho từng nhóm hộ nghèo; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào vùng nghèo, xã nghèo thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, cơ sở hạ tầng…; hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, trang trại nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, hình thành các cơ sở đầu mối lớn để thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở sản xuất ngành nghề; ưu tiên và bố trí kịp thời nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo (ưu tiên các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn).
Lồng ghép các nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo; có cơ chế để huy động nguồn vốn hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo; vận động người dân các thôn, bản góp vốn để xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế hộ gia đình… và nhiều giải pháp khác.